Mô hình kinh tế Để Thanh Long Phát Triển Bền Vững

Để Thanh Long Phát Triển Bền Vững

Ngày đăng 05/07/2013

Để Thanh Long Phát Triển Bền Vững

Những năm gần đây, thanh long đang là cây hái ra tiền của nông dân huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Mỗi năm, 1 ha thanh long cho lợi nhuận từ 200 - 400 triệu đồng, cao gấp 7, 8 lần so với trồng lúa. Chính vì vậy, đã có hiện tượng "nhà nhà trồng thanh long, người người trồng thanh long" đang diễn ra ở Châu Thành, khiến cho việc phát triển bền vững vùng thanh long đang đối mặt với nhiều thách thức.

BỎ LÚA TRỒNG THANH LONG

Anh Trương Ngọc Hài, ngụ ấp 6, xã Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Long An cho biết anh đã chuyển 1ha đất trồng lúa của gia đình để trồng thanh long khoảng 10 năm nay. Anh Hài cũng là một trong những hộ đầu tiên của ấp 6 bỏ lúa trồng thanh long vì lợi nhuận cao. "Trước đây trồng lúa gia đình tôi thu nhập chỉ đủ ăn. Năm nào giá lúa thấp cũng vất vả lắm. Thấy nhiều hộ dân ở các xã khác trồng thanh long có lãi cao, gia đình tôi quyết định chuyển sang cây ăn quả này luôn" - anh Hài chia sẻ.

Từ khi chuyển qua trồng thanh long, mỗi năm gia đình anh thu lợi nhuận không dưới 200 triệu đồng. Thừa thắng xong lên, anh Hài mướn thêm 2ha đất nữa để trồng thanh long ruột trắng và ruột đỏ. Năm 2012, ước tính 3ha thanh long đã giúp anh kiếm được gần tỉ đồng. Giờ ở ấp 6 đang rộ lên hiện tượng người dân gần như đã bỏ lúa để trồng thanh long.

Ở các xã khác trên địa bàn huyện Châu Thành nông dân cũng đổ xô trồng thanh long. Anh Phan Kim Luông, ngụ ấp Long Thuận, xã Long Trì cho biết, trước đây anh chuyên canh trồng lúa, còn thanh long chỉ là cây trồng ăn trái trong gia đình.

Tuy nhiên, từ khi cây thanh long trở thành cây "hái ra tiền", anh Luông đã nhanh chóng chuyển 1ha lúa trồng cây ăn quả này. "Trồng thanh long chỉ nặng ở khâu đầu tư. Sau hai năm, bà con sẽ thu lại lợi nhuận rất cao. Dù có thời điểm giá xuống thấp 10.000 đồng/kg, bà con trồng thanh long cũng có lời hơn trồng lúa" - anh Luông chia sẻ kinh nghiệm.

Theo ông Trương Văn Biết, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, kế hoạch đến năm 2015, diện tích trồng thanh long của huyện là 1.500ha, đến năm 2020 là 3.300ha. Hiện nay, diện tích trồng thanh long của huyện đã lên đến 2.200ha. Giá thanh long cao vài năm nay chính là nguyên nhân khiến các hộ đua nhau bỏ lúa, rau màu để trồng thanh long.

Thanh long ruột trắng có giá trung bình từ 15.000 - 20.000 đồng/kg, có khi lên đến 30.000 đồng/kg. Riêng thanh long ruột đỏ có thời điểm lên đến 60.000 đồng/kg. Với giá này, mỗi năm 1ha thanh long, người dân có thể lãi trên 300 triệu đồng, gấp nhiều lần so với trồng lúa. "Người dân đã ồ ạt trồng thanh long dù không biết về lâu dài sẽ như thế nào" - ông Trương Văn Biết nói.

Mới đây, tại hội thảo phát triển bền vững cây thanh long ở huyện Châu Thành, tỉnh Long An, các nhà khoa học đã cảnh báo việc phát triển "nóng" diện tích trồng thanh long ở một số tỉnh như: Bình Thuận, Tiền Giang, Long An… sẽ tạo ra hệ lụy lớn nếu cung vượt cầu, thị trường xuất khẩu không thuận lợi. Một vấn đề khác là sẽ phá vỡ quy hoạch của ngành nông nghiệp và nông dân là người chịu thiệt thòi nhất khi thị trường biến động.

CẦN TÌM THỊ TRƯỜNG ỔN ĐỊNH

Từ thực tế nhà nhà trồng thanh long như hiện nay, nhiều hội thảo, tọa đàm đã được các nhà quản lý tổ chức nhằm tìm ra hướng phát triển bền vững cho cây thanh long. Các nhà quản lý, nhà khoa học đã đưa ra nhiều giải pháp để xây dựng, phát triển vùng chuyên thanh long bền vững. Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm khuyến nông tỉnh Long An, điều quan trọng nhất để vùng thanh long tỉnh phát triển bền vững là khâu tiêu thụ sản phẩm phải được mở rộng.

Hiện nay, thanh long trên địa bàn tỉnh cũng như nhiều địa phương khác chủ yếu xuất khẩu qua Trung Quốc và tiêu thụ nội địa. Thị trường Trung Quốc lại ẩn chứa nhiều rủi ro khi Trung Quốc cũng đang tập trung phát triển thanh long với diện tích rất lớn. Lẽ đó, các ngành chức năng cần phải tìm ra nhiều thị trường chất lượng cao để tiêu thụ thanh long, tránh phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Và để đáp ứng được yêu cầu của những thị trường này, đòi hỏi người trồng thanh long phải nâng cao chất lượng sản phẩm, áp dụng khoa học kỹ thuật, xây dựng mô hình sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn GAP. "Chỉ có thực hiện mô hình VietGAP, Clobal GAP trên thanh long mới có hy vọng vào thị trường chất lượng cao như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ" - ông Nguyễn Thanh Tùng khẳng định.

Tuy nhiên, xây dựng mô hình theo tiêu chuẩn GAP vẫn chưa được người dân thực hiện nhiều. Anh Trương Ngọc Hài, xã Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành cho rằng, tương lai anh sẽ trồng thanh long theo quy trình GAP, còn hiện nay thì chưa thể áp dụng vì trồng theo GAP chi phí tăng khoảng 30%, nhưng giá bán vẫn như thanh long bình thường.

Vấn đề này cần sự hợp lực của các ngành chức năng, nhà khoa học và doanh nghiệp trong xây dựng chuỗi liên kết "4 nhà", giúp người trồng thanh long an tâm đầu ra, giá cả thu mua phải cao hơn giá mô hình trồng truyền thống. Có như vậy mới khuyến khích nhà vườn mở rộng diện tích trồng theo GAP.

Thêm vào đó, việc đảm bảo nguồn điện sản xuất (chủ yếu điện xông đèn thanh long nghịch vụ), nguồn nước cho vùng quy hoạch thanh long cũng cần được các ngành quản lý quan tâm hơn nữa. Nhà nước cần khuyến cáo người dân nên chuyển qua sử dụng đèn compact thay cho đèn sợi tóc khi trồng thanh long trái vụ để tiết kiệm, giảm tải điện năng tiêu thụ.

Đồng thời ngành nông nghiệp cần có quy hoạch cụ thể vùng trồng, có giải pháp hỗ trợ kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành sản xuất, không để diễn ra tình trạng phát triển ồ ạt, thiếu định hướng. Chỉ khi có sự phối hợp đồng bộ trong liên kết "4 nhà", thị trường tiêu thụ ổn định thì mới tránh được cảnh trồng rồi chặt khi thị trường biến động.


Sầu Riêng Cuối Vụ Giá Vẫn Cao Sầu Riêng Cuối Vụ Giá Vẫn Cao Bưởi Da Xanh Tăng Giá Kỷ Lục Bưởi Da Xanh Tăng Giá Kỷ Lục