Dễ thở với 3 giảm 3 tăng
Giảm vất vả cho nhà nông
Tại hội thảo, TS Phan Huy Thông - Giám đốc TTKNQG đã nêu lên những thực trạng, thách thức mà người sản xuất lúa đang gặp phải như:
Thiên tai, dịch bệnh ngày càng nhiều, giá lúa giảm và việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn. Tại khu vực Nam Bộ, người nông dân còn nặng về cách làm cũ như dùng lúa thương phẩm làm lúa giống, sạ dày (từ 150 - 200kg/ha), bón phân không cân đối và thường dư đạm nên sâu bệnh bột phát, sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật...
Những yếu tố này đã ảnh hưởng lớn đến đời sống của hàng triệu nông dân ở ĐBSCL. Vì vậy, cần phải có các giải pháp để tăng năng suất, giữ vững sản lượng, hạ giá thành sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính trong sản suất nhằm góp phần giảm tác động của biến đổi khí hậu.
Nông dân xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ, Long An thăm đồng “3 giảm 3 tăng”.
Mục tiêu của dự án này là nâng cao hiệu quả sản xuất lúa, giảm chi phí đầu vào, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường nhằm giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa. Cụ thể, trong năm 2015 xây dựng 13 mô hình tại vùng ĐBSCL, tổng diện tích 910ha. Yêu cầu hiệu quả năng suất phải trên 6 tấn/ha, lợi nhuận trong mô hình phải tăng 15% so bên ngoài; nâng cao trình độ kỹ thuật sản xuất cho nông dân...
Theo nông dân tham gia mô hình, áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật không chỉ giúp lợi nhuận của người trồng lúa tăng cao mà còn góp phần làm công việc đồng áng bớt vất vả hơn trước, giúp người nông dân “dễ thở” nhiều mặt.
Khi đi thăm mô hình ở xã An Nhựt Tân, TS Phan Huy Thông và các cộng sự đã gợi ý cán bộ khuyến nông tại Long An tiếp tục trồng thêm các loại cây có nhiều hoa, có thể là đậu bắp, hoặc rau màu có nhiều hoa để dẫn dụ thiên địch, vừa cải thiện cuộc sống...
Tăng lợi nhuận
Tại Long An, mô hình được thực hiện tại xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ, với 90 hộ dân tham gia, quy mô 60ha. Ông Nguyễn Văn Kỳ đang trồng 0,7ha lúa sử dụng 100kg giống sạ lan, giảm 50kg so với trước. Ông cho biết, so với vụ hè thu 2014, làm mô hình mới giúp giảm 20kg đạm, chỉ phun thuốc 4 lần (giảm 2 lần so vụ hè thu). Năng suất lúa đạt khoảng 6,5 tấn/ha.
So về hiệu quả, do chi phí thấp hơn nên lợi nhuận cao hơn ngoài mô hình khoảng 2,6 triệu đồng/ha. Tương tự, hộ ông Nguyễn Ngọc Ngon với diện tích 1ha trong mô hình cũng đạt lợi nhuận cao hơn so với ngoài mô hình khoảng 3,6 triệu đồng/ha.
Tại Tiền Giang, 100% hộ nông dân tham gia dự án tiến hành gieo với mật độ 100kg/ha, so với tập quán sản xuất cũ từ 150-180kg/ha, tiết giảm được 50–80kg giống/ha. Mật độ thưa giúp cây sinh trưởng tốt hơn, giảm sâu bệnh, lá lúa không bị che sáng lẫn nhau, giảm phát thải CO2, lúa quang hợp tốt hơn.
Nông dân biết sử dụng phân bón cân đối NPK, trong mùa mưa bà con đã giảm lượng phân đạm để lúa cứng cây, ít đổ ngã, hạn chế bệnh. Lượng phân urê bón khoảng 50kg/ha, đặc biệt giai đoạn lúa làm đòng không bón thừa phân đạm...
Do được bón phân đúng theo quy trình canh tác, liều lượng phân cân đối nên lúa sinh trưởng phát triển tốt, nông dân hoàn toàn không phun thuốc trừ sâu. Giai đoạn đòng trổ, do có xuất hiện rải rác sâu cuốn lá, nông dân có phun 1 lần thuốc trừ sâu.
Về hiệu quả kinh tế, lợi nhuận của ruộng tham gia mô hình đạt hơn 20 triệu đồng/ha, cao hơn so với ruộng khác hơn 6 triệu đồng/ha.
Về phòng bệnh, phun ngừa cháy bìa lá giai đoạn lúa làm đòng, ngừa cổ gié, lem lép hạt trước và sau trổ 7 ngày, giảm từ 1-2 lần phun thuốc BVTV. Áp dụng biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp, trồng và chăm sóc cây khỏe, chỉ phun thuốc khi sâu bệnh đến ngưỡng gây hại, giảm chi phí thuốc và công lao động, bảo vệ thiên địch và môi trường.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ