Đề xuất lập ngân hàng đất: Tạo tư duy công nghiệp trong... nông nghiệp
Theo TS Nguyễn Đức Kiên, nông dân của chúng ta hiện nay cũng là khái niệm rộng, có nông dân trồng lúa, có nông dân chăn nuôi hay trồng ây ăn quả khác. Hầu hết nông dân chưa có ý thức tham gia vào chuỗi giá trị của sản phẩm để có thể chia sẻ rủi ro và vấn đề thị trường.
LTS: Tại hội thảo “Tín dụng ngân hàng thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp” do Báo NTNN/Dân Việt tổ chức ngày 30.10, TS Nguyễn Đức Kiên – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã có đề xuất rất đáng chú ý là: Để thực hiện được việc tập trung ruộng đất, áp dụng công nghiệp vào nông nghiệp, Nhà nước cần xem xét hình thành ngân hàng đất. Vậy ngân hàng đất là gì, hoạt động như thế nào? Việc thành lập ngân hàng đất liệu có khả thi?
Đưa tư duy công nghiệp vào nông nghiệp
Trong ảnh: Nhiều nông dân ở thị trấn Mộc Châu (Sơn La) mua và thuê đất với diện tích lớn để làm trang trại nuôi bò sữa, trồng cỏ... Ảnh: T.Q
Ngân hàng đất sẽ như doanh nghiệp dịch vụ công không lợi nhuận, hoặc có thì là dựa trên kết quả kinh doanh đất của doanh nghiệp. Lúc này, người nông dân sẽ yên tâm rằng ruộng của họ vẫn còn, nhưng người ta cũng giải quyết được việc làm, có thu nhập và đặc biệt tạo điều kiện cho sản xuất nôn nghiệp với quy mô lớn hơn”. TS Nguyễn Đức Kiên
Ông Kiên cho biết, vừa qua ông có đi nghiên cứu ở 23 tỉnh trên cả nước, qua đó cho thấy thực trạng nông dân sản xuất nhỏ lẻ, trung bình có tới 2,7 mảnh đất/hộ, chưa tới 2.000m2; còn ở miền Tây Nam Bộ tương đương 7.000 – 8.000m2. Mỗi khi mất mùa, nông dân vay mượn để có nguồn sống, phải đem sổ đỏ thế chấp ngân hàng để vay tiền.
Vấn đề ở đây là phải có sự chia sẻ, đưa tư duy sản xuất công nghiệp vào nông nghiệp. “Người nông dân nếu chỉ sản xuất theo từng hộ thì đi vay ngân hàng là rất khó vì tài sản thế chấp của họ gần như không có, phương thức sản xuất không thể áp dụng công nghệ do diện tích ruộng đất nhỏ, sản xuất lúa hay bất cứ cây gì đều rất khó khăn” - TS Kiên nói.
Ở góc độ nghiên cứu, TS Nguyễn Đức Kiên cho rằng, tại sao trong sản xuất công nghiệp thì sẵn sàng cổ phần hóa doanh nghiệp và chuyển giao tài sản ấy cho những chủ sở hữu khác. Trong khi đó, đối với nông nghiệp lại không áp dụng, để nông dân vẫn sở hữu đất nhỏ lẻ, manh mún. Hiện mới chỉ xuất hiện các hình thức dồn điền đổi thửa ở miền Bắc, còn ở miền Nam có cánh đồng mẫu lớn.
“Tất nhiên, không thể bỏ qua đặc tính, sở hữu của người nông dân nhưng theo tôi, các nhà nghiên cứu cần tính để hình thành ra ngân hàng đất. Nên chăng Nhà nước thành lập ngân hàng đất để ngân hàng đất - như một cơ quan nhà nước, nhận ruộng của người nông dân (giống như thuê lại đất của nông dân), rồi cho các doanh nghiệp muốn đầu tư vào nông nghiệp thuê lại đất” - ông Kiên đề xuất.
Đề cập những hiệu quả của các mô hình sản xuất lớn, TS Kiên cho biết, ở huyện An Lão (Hải Phòng) đã xây dựng được mô hình trồng ớt xuất khẩu. Chủ đầu tư thuê đất của nông dân, yêu cầu tập hợp diện tích phải tối thiểu đạt 30ha trở lên. Sau đó họ thuê luôn nông dân làm công nhân nông nghiệp trên mảnh đất đó với tiền công 100.000 - 150.000 đồng/ngày. Ngoài tiền cho thuê đất, nông dân còn được trả lương, nên thu nhập của họ trung bình 3,8 – 4,5 triệu đồng/tháng/hộ, không phải “ly hương”.
“Nếu không đưa tư duy sản xuất lớn, sản xuất công nghiệp vào sản xuất nông nghiệp thì sẽ không thể thực hiện thành công tái cơ cấu nông nghiệp” - ông Kiên nói.
Ông Kiên cũng cho biết, quá trình khảo sát, ông phát hiện ở tỉnh miền núi Sơn La, tỷ lệ đất nông nghiệp sản xuất lúa là rất nhỏ, nhiều nông dân đã chuyển sang trồng cây công nghiệp, cây ăn quả rất hiệu quả. Có hộ thu nhập trung bình mỗi năm là 800 triệu đến 1 tỷ đồng trên 5ha đất, và chỉ cần 3 lao động trong hộ gia đình. Để làm được điều này, trước hết họ tích tụ được ruộng đất, để có đất tập trung trồng cỏ chăn nuôi bò, trồng cam, trồng thanh long và đặc biệt áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt nhập từ Isarel...
Điều tiên quyết là cơ chế thị trường
Về ý tưởng lập ngân hàng đất, TS Lê Đức Thịnh – Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT) cho rằng: “Tôi ủng hộ ý tưởng này vì có nhiều nước như Pháp làm rất thành công. Một số nước có dân số già, nhiều nông dân không có con cháu để hưởng thừa kế, họ bán lại đất cho Nhà nước ở dạng ký gửi. Việc ký gửi hay thu mua thực hiện tại cơ quan gọi là ngân hàng đất đai”.
Tuy nhiên, để làm được ngân hàng đất, theo ông Thịnh phải có rất nhiều điều kiện, trong đó điều kiện tiên quyết là cơ chế thị trường, bởi khi giá đất do Nhà nước quy định, khung giá thấp hơn 1/10 lần so với giá thực tế thì chẳng nông dân nào gửi đất vào ngân hàng. Ngoài ra, ngân hàng đó không chỉ quản lý bởi Nhà nước mà phải mang tính chất kết hợp giữa Nhà nước và cộng đồng. Ông Thịnh cũng cho biết, hiện nay, các địa phương cũng đã bắt đầu thí điểm các mô hình tích tụ ruộng đất. Như huyện Lý Nhân (Hà Nam) đang triển khai khuyến khích các xã thống kê diện tích đất mà nông dân không có nhu cầu sử dụng, qua đó UBND xã làm trung gian giới thiệu cho các doanh nghiệp vào thuê lại. Ban đầu, một số xã đã dồn điền đổi thửa được một số diện tích đất và cho các nhà đầu tư của Nhật Bản thuê với mức giá khá cao, và doanh nghiệp cũng thuê lao động chính là những nông dân này.
“Một trong những cản trở nữa là hiện cơ chế sử dụng khu đất ấy cũng chưa rõ ràng, dồn điền đổi thửa rồi có cho người thuê đất vào đào ao thả cá không, có cho họ trồng các loại cây ăn quả không, mặc dù đó vẫn là đất sản xuất nông nghiệp… Đặc biệt, khi vấn đề quyền sở hữu, vấn đề quy hoạch và giá đất chưa thành công thì cũng khó thực hiện thành công ngân hàng đất” - ông Thịnh nói.
Ông Thịnh cũng cho hay, An Giang đang xây dựng quỹ đất sạch nông nghiệp. UBND tỉnh triển khai thu gom những khu vực đất không sử dụng để cho thuê đầu tư vào nông nghiệp. Ngoài ra, Thái Bình cũng có đề án hỗ trợ tích tụ đất đai... Theo dự thảo đề án này, UBND tỉnh có thể dành vài chục nghìn tỷ đồng để hỗ trợ cho những hộ không có nhu cầu, cho thuê lại đất. Từ đó hỗ trợ cho cả doanh nghiệp vào thuê đất sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ