Đến Chợ Vải Thiều Lớn Nhất Nước, Ngẫm Về Đầu Ra Nông Sản
Theo chân ông Chu Văn Báo, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), qua chợ vải thiều những ngày cuối vụ, cảnh mua bán đã không còn tấp nập như vài ngày trước. Người viết muốn tìm mua một chùm vải thiều VietGap loại 1 để thưởng thức cũng thật khó, bởi thương lái đã bao tiêu toàn bộ lượng vải ở chợ cho đến cuối vụ.
Chợ vải nằm dọc con đường chính của huyện Lục Ngạn. Ông Chu Văn Báo khẳng định: “Đây là chợ vải to nhất nước!” Đội trật tự của huyện Lục Ngạn khá vất vả trong những ngày chính vụ vải thiều để giữ thông thoáng lòng đường, không để việc bốc dỡ, đóng hàng gây ách tắc.
“Hữu xạ tự nhiên hương”
Cảnh mua bán tấp nập mỗi vụ vải đã diễn ra cách đây cả chục năm khi vải thiều Lục Ngạn nức tiếng gần xa nhờ tươi ngon, vị ngọt mát, cùi dày, hạt nhỏ. Những năm gần đây, thương lái nước ngoài thường vào tận chợ vải để chọn mua, rồi đóng gói vận chuyển tại chỗ.
Vải được đóng vào từng hộp xốp khoảng 50kg, sau đó được ướp lạnh bằng đá và có nhãn niêm phong ghi rõ vải Lục Ngạn và địa chỉ cơ sở thu mua hoặc nhà bán trực tiếp cho thương lái.
Để mua được vải, thương lái thường chuyển tiền qua ngân hàng cho tiện việc giao dịch. Theo Ngân hàng NNPTNT, chi nhánh tại Lục Ngạn, vụ vải năm nay lượng tiền chuyển kỷ lục trong 1 ngày lên tới 180 tỷ đồng. Tính gọn cả vụ, dân Lục Ngạn thu về xấp xỉ 1.300 tỷ đồng.
Vải thiều Lục Ngạn những năm qua do áp dụng VietGap đều cho sản lượng lớn, chất lượng tốt nên số thương lái nước ngoài (chủ yếu là Trung Quốc) sang thu mua vải mỗi mùa lại tăng lên, ngay “đội quân” này cũng tự tạo sự cạnh tranh mua bán ở mùa vải này làm cho vải thiều được giá với loại đạt phẩm cấp cao. Trong khi vải thường, vải loại 2, loại 3 chỉ bán được mức giá hơn 20.000 đồng/kg thì vải thiều trồng theo quy trình VietGap (chiếm hầu hết diện tích vải của Lục Ngạn) được thương lái mua tại chợ với mức giá 30.000 - 38.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, việc thương lái nước ngoài vào nội địa trực tiếp thu mua vải lại trái với quy định của Bộ Công Thương về việc các thương nhân nước ngoài không được phép trực tiếp vào thu mua nông sản tại địa phương ở Việt Nam. Do đó, thương lái thường “núp” dưới danh khách du lịch để đến mua hàng. Có lúc họ trả tiền mặt, nhưng đa số chuyển tiền qua ngân hàng rồi về TP. Bắc Giang rút tiền mặt để mua vải.
Nỗi lo thương lái thu mua ồ ạt dễ dẫn đến chất đống đổ đi nếu ngừng đột xuất (tình trạng đã từng xảy ra) cũng như quy định “xa xôi” của Bộ Công Thương dường như cũng không át nổi không khí mua bán nhộn nhịp ở đây mỗi dịp mùa vải chín (tháng 6 hằng năm).
Có thể nói nhờ được giá mùa này mà người trồng vải thiều Lục Ngạn "một nắng hai sương" đã được đền bù!
Thu tiền tỷ nhờ "vải VietGap"
Ông Báo cho biết nhờ áp dụng VietGap, vải thiều loại 1 hiện chiếm đa số diện tích trồng vải của Lục Ngạn đã khắc phục được những “lỗi” khiến thương lái dễ chê bai và ép giá như: có đốm, có sâu đục cuống... Vì vậy, vụ này người trồng vải luôn ở “kèo trên”, hái đến đâu, bán hết đến đó.
Thương lái phải chủ động lo việc ướp đá, đóng thùng xốp và thuê ô tô vận chuyển... Cùng với đó, với phương thức “tiền trao, cháo múc” tại chợ vải đã khiến nông dân nhẹ gánh rất nhiều và an tâm tiêu thụ thứ quả quý mà họ chắt chiu, chăm bẵm cả năm trời.
Đến thăm nhà anh Giáp Văn Vang, thôn Kép 1, xã Hùng Giang, chúng tôi thấy khu vườn vải đã được tỉa cành, tỉa lá tươm tất, khâu đầu tiên để chuẩn bị cho vụ mới. Anh Vang chia sẻ: “Nhà tôi thu hoạch vào diện sớm, bán không được chính vụ như các nhà khác nên số tiền lãi cũng chưa phải là đã được nhiều”.
Với gần 1ha trồng vải, do con cái bận đi học, đi làm xa, hai vợ chồng anh cùng nhau chăm bón. Tuy nhiên, nếu trồng vải theo quy trình VietGap, có những thời điểm cần phun, tưới, bón hoặc cắt tỉa phải làm trong thời gian ngắn thì anh phải thuê thêm nhân công, giá nhân công vào khoảng 200.000 đồng/người/ngày.
Ngồi thảnh thơi bên chén trà, anh Vang nhẩm tính, trừ vật tư và tiền thuê nhân công, 1ha vải anh lãi hơn 100 triệu đồng. “Vậy là còn ít so với nhiều nhà khác trong thôn đấy”, anh Vang nói.
Bớt vải, thêm cam - một hướng lo xa
Hiệu quả của cây vải là thế nhưng vụ tới anh Vang dự định thu hẹp diện tích trồng vải để trồng cam Canh. Anh tính, cam Canh vụ vừa rồi giá khoảng 70.000 đồng/kg mà chỉ mới nguyên tiêu thụ nội địa, nên ít nhất nhu cầu về cam Canh vẫn còn cao trong vài năm tới.
Ông Báo cho biết thêm cam Canh trồng ở Lục Ngạn đã được nghiên cứu kỹ để hợp với thổ nhưỡng ở đây. Cam Canh ở Lục Ngạn quả nhỏ nhưng vỏ mỏng và vị ngọt mát đặc trưng mà không nơi đâu có.
Người dân Lục Ngạn muốn trồng thêm cam Canh vì hiệu quả kinh tế cao, hơn nữa vụ thu hoạch cam vào dịp tết, còn vải thì vào dịp hè giữa năm sẽ giúp người dân thu hiệu quả cao hơn trên cùng 1 diện tích đất và có thu nhập trong cả năm.
Khi được hỏi trồng cam có theo VietGap như trồng vải không, anh Vang nói: “Gap thì Gap, cái đó cũng là tiến bộ khoa học kỹ thuật tốt mà. Giờ phải làm theo khoa học thì mới hiệu quả được”.
Ông Báo hãnh diện nói: “Lục Ngạn giờ là “tập đoàn” cây ăn quả, ngoài vải chúng tôi còn có cam (cam Canh, cam Vinh, cam không hạt), bưởi (bưởi Diễn, bưởi da xanh), táo giống mới của Đài Loan, thanh long ruột đỏ, hồng không hạt”...
Thu hẹp diện tích trồng vải để chuyển đổi trồng cam không phải là mô hình tự phát (như nhà anh Vang). Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây trồng này, Phòng Nông nghiệp huyện Lục Ngạn đã có kế hoạch đến năm 2015 sẽ chuyển đổi khoảng 2.000 ha vải sang trồng các cây ăn quả khác nhằm đa dạng hóa sản phẩm cho thị trường, cùng với đó là việc tăng thu nhập và tránh nguy cơ “mất mùa-tay trắng” cho người dân.
Lãnh đạo huyện cũng đã tính đến việc áp dụng mô hình VietGap cho các cây ăn quả được mở rộng diện tích tại địa phương để từng bước tạo thương hiệu cho hoa quả Lục Ngạn nói riêng và Bắc Giang nói chung.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ