Mô hình kinh tế Dịch Hại Tấn Công Lúa Thu Đông

Dịch Hại Tấn Công Lúa Thu Đông

Ngày đăng 26/08/2013

Dịch Hại Tấn Công Lúa Thu Đông

Tình hình mưa nắng xen kẽ và kéo dài trong những ngày qua đã làm cho nhiều diện tích lúa Thu đông trên địa bàn tỉnh bị nhiễm các loại dịch hại và khả năng ảnh hưởng đến năng suất khi thu hoạch.

Đang phun thuốc trên ruộng, anh Nguyễn Thanh Bình, ở ấp 2, xã Vị Bình, huyện Vị Thủy, than: “Mọi năm vào thời điểm này, tôi chỉ phun có 2 lần thuốc, nhưng riêng năm nay, số lần phun đã tăng hơn gấp đôi (lần phun thứ 5), vì lúa bị nhiễm các loại dịch hại khá nhiều, nhất là bệnh đạo ôn lá phát triển mạnh trong những ngày qua”. Vụ lúa Thu đông này, anh Bình canh tác được 1,8ha, với giống OM 4218, hiện lúa trong giai đoạn làm đòng và trổ lác đác.

Việc tốn nhiều chi phí mua thuốc và công lao động đã khiến anh Bình lo lắng về khả năng sẽ không có được nguồn lợi nhuận trong vụ lúa này. Theo tính toán của anh, chi phí đầu tư cho một công đất từ 1,1-1,2 triệu đồng, tuy nhiên, với dịch hại phát sinh mạnh như hiện nay thì chi phí sẽ phải nâng lên không dưới 1,5 triệu đồng/công.

Không riêng gì anh Bình, hiện có rất nhiều nông dân có lúa trong giai đoạn từ đẻ nhánh đến làm đòng đều bị bệnh đạo ôn lá tấn công mạnh. Theo quan sát của người dân, bệnh đạo ôn lá phát sinh nhiều trên các ruộng lúa sạ giống OM 4218, OM 5451 và IR 50404.

Đây đều là những giống lúa đã được ngành nông nghiệp cảnh báo từ trước về khả năng bị nhiễm bệnh nặng hơn các giống khác. Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác có thể làm cho bệnh đạo ôn phát triển mạnh là do thời tiết thất thường như mưa nắng xen kẽ đã tạo độ ẩm cao trong ruộng lúa, nhất là ở những ruộng sạ dày, bón thừa phân đạm, bị ngộ độc hữu cơ do khâu làm đất không kỹ,...

Ông Nguyễn Văn Quốc, ở ấp 2, xã Vị Bình, cho biết: “Năm nay, các loại dịch bệnh xuất hiện trên lúa nhiều hơn các năm trước, mạnh nhất là bệnh đạo ôn lá. Qua một tuần điều trị quyết liệt, hiện bệnh đã tương đối tạm ổn, nhưng với tình hình thời tiết nắng mưa thất thường như hiện nay, nông dân vẫn phải tiếp tục xịt ngừa nhằm ngăn bệnh tái phát”. 

Nếu như những hộ sạ sau lo lắng về bệnh đạo ôn lá hoành hành thì những hộ sạ trước đó lại đang thấp thỏm vì lúa bị bệnh cháy bìa lá và lem lép hạt khá nặng do trổ ngay vào thời điểm mưa dầm, khả năng làm giảm năng suất và chất lượng hạt lúa sau này là rất lớn.

Với vẻ mặt đầy lo âu khi đang thăm lúa, ông Trần Văn Việt, ở ấp 1, xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, cho biết: “Hơn 1ha lúa của gia đình trổ ngay vào thời điểm mưa dầm trong những ngày qua đã làm cho lúa bị lem lép hạt khá nhiều. Do mưa không thể phun thuốc nên lúa cũng bị bệnh cháy bìa lá khá nặng. Tôi vừa xịt thuốc điều trị xong nhưng khả năng năng suất và chất lượng lúa sẽ giảm”.

Ông Việt nhẩm tính, vụ này năng suất lúa cao nhất cũng chỉ khoảng 700-800 kg/công, nhưng lúa đã bị bệnh cháy bìa lá nếu trị hết thì một công mất thấp nhất cũng 100kg lúa. Với diện tích 1,2ha chưa thu hoạch nhưng cầm chắc mất trước khoảng 1,2 tấn lúa. Như vậy, khả năng có được lợi nhuận vào vụ này là rất mong manh.      

Theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, đến ngày 19-8, toàn tỉnh có 1.980ha lúa Thu đông bị nhiễm các loại dịch hại, tăng 434,5ha so với đầu tháng. Đặc biệt, do ảnh hưởng mưa nhiều xen kẽ với nắng trong những ngày qua là điều kiện cho bệnh đạo ôn lá phát triển khá mạnh.

Hiện toàn tỉnh có 936ha lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn, trong đó có 2ha nhiễm nặng ở huyện Châu Thành. Ngoài ra, còn có 100ha bị nhiễm nhẹ rầy nâu (mật độ từ 750-1.500 con/m2); có 262ha bị nhiễm nhẹ sâu cuốn lá, có 143ha bị nhiễm lem lép hạt, tỷ lệ từ 5-10%...

Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Trần Ngọc Thể, cho hay: Trước tình hình thời tiết bất lợi và các loại dịch hại đang phát triển mạnh, Chi cục BVTV tỉnh đề nghị Tổ kỹ thuật ở các xã, phường, thị trấn, trạm BVTV kết hợp với nông dân thường xuyên thăm đồng, đặc biệt chú ý trên các ruộng sử dụng những giống nhiễm, sạ dày và bón thừa phân đạm.

Khi phát hiện bệnh nên sử dụng các loại thuốc đặc trị để phòng trừ và theo nguyên tắc 4 đúng. Ngoài ra, hiện có nhiều trà lúa trong giai đoạn làm đòng và trổ chín, bà con cần quan tâm phòng trị bệnh cháy bìa lá lúa, ngừa đạo ôn cổ bông, đồng thời chú ý theo dõi mật số rầy nâu để có hướng điều trị đạt hiệu quả...


Đẩy Mạnh Kinh Tế Hợp Tác Xã Đẩy Mạnh Kinh Tế Hợp Tác Xã Thấp Thỏm Với Giá Lúa Thấp Thỏm Với Giá Lúa