Dịch Rệp Sáp Bột Hồng Ăn Mòn Cây Sắn Vùng Cùa
Thời gian qua, do khí hậu khắc nghiệt, hạn hán kéo dài, lượng mưa thấp... là điều kiện thuận lợi cho rệp sáp bột hồng phát triển mạnh và lây lan trên diện rộng ở nhiều thôn vùng Cùa thuộc xã Cam Chính, huyện Cam Lộ (Quảng Trị).
Theo số liệu thống kê có khoảng 11 ha sắn ở các thôn: Tân Chính, Minh Hương, Đốc Kỉnh, Mai Lộc 1, Mai Lộc 2, Mai Lộc 3, bị nhiễm bệnh. Hiện tại rệp sáp có nguy cơ lây lan và gây hại ở thôn Thượng Nghĩa, Thiết Xá, Mai Đàn, diện tích bị nhiễm tăng lên 30 ha.
Anh Nguyễn Văn Phượng, cán bộ khuyến nông xã Cam Chính, cho biết: “Bệnh rệp sáp bột hồng xuất hiện lần đầu tại địa bàn xã thuộc hai thôn Minh Hương và Tân Chính vào khoảng tháng 5/2013. Nhưng lúc bấy giờ quy mô còn nhỏ, chưa bùng phát thành dịch lây lan trên diện rộng và đang nằm trong phạm vi khống chế được.
Sang đầu tháng 6/2014, trong một lần đi kiểm tra tình hình phát triển cây sắn trên địa bàn, tôi phát hiện bệnh rệp sáp bột hồng xuất hiện trên một số diện tích sắn ở thôn Mai Lộc 2, với biểu hiện ban đầu như cây sắn bị chùn đọt, lá quăn queo, xuất hiện nhiều mảng trắng trên thân, cây yếu đi nhưng không chết”.
Với chức trách được giao, anh Phượng tiếp tục theo dõi quá trình dịch bệnh trong những ngày tiếp theo và nhận thấy rệp sáp bột hồng lan rộng khá nhanh. Đặc biệt, diện tích sắn ở thôn Mai Lộc 3 có diễn biến dịch bệnh phức tạp hơn so với các thôn khác, có nguy cơ lây lan trên diện rộng.
Tại thôn Mai Lộc 3, cây sắn là cây trồng chủ lực của thôn, nhưng thực trạng rệp sáp đang hoành hành trên diện rộng, có nguy cơ gây thiệt hại nặng. Đến thôn này, chúng tôi nhận thấy nhiều diện tích cây sắn bị hư hại do rệp sáp gây ra và có cắm bảng cảnh báo dịch cho người dân biết.
Ông Trần Kim Đá, hộ bị thiệt hại nặng nhất tại thôn, cho biết: “Cách đây khoảng 1 tháng, trong một lần chăm cây sắn tôi bắt gặp rất nhiều dấu hiệu lạ trên cây, khi xem kĩ thấy rệp sáp bột hồng ăn đọt sắn. Tôi liền kiểm tra trên toàn bộ diện tích thì hầu như cả 7 sào sắn của gia đình bị nhiễm nặng. Tôi huy động cả gia đình ra phân loại từng cây thật kĩ, ngắt đọt những cây bị rệp sáp ăn và tiêu hủy bằng phương pháp đốt cháy để tránh lây lan”.
Ông Đá cho biết thêm, năm 2013, gia đình ông chỉ bị rệp sáp phá gần 2 sào nhưng sản lượng vẫn đạt được 0,5- 1 tấn sắn/sào. Tuy nhiên với tình hình hiện nay, sản lượng sắn thu hoạch năm nay có thể giảm mạnh so với năm ngoái. Dù biết có dịch rệp sáp nhưng gia đình vẫn phải triển khai trồng sắn, vì đây là cây trồng chính của gia đình.
Cùng chung cảnh ngộ với ông Đá, gia đình chị Nguyễn Thị Hoài có gần 4 sào sắn bị nhiễm bệnh. Chị Hoài cho hay, tháng 5/ 2013, rệp sáp bột hồng chỉ có hiện tượng ở quanh vườn, gây thiệt hại cho cây trồng nhưng không đáng kể.
Nhưng năm nay, dịch rệp sáp bột hồng bùng phát trên diện rộng, gia đình chị trước mắt vẫn tiến hành phòng trừ bằng cách ngắt chồi và tiêu hủy (đốt cháy) như những hộ gia đình khác. Còn về sản lượng sắn năm nay, chắc chắn sẽ bị giảm sút nhiều.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Trưởng thôn Mai Lộc 3, cho biết: “Sau khi người dân tại thôn phản ánh về tình trạng rệp sáp lây lan trên diện rộng, tôi có báo cáo với Trạm Khuyến nông- Khuyến ngư huyện Cam Lộ về sự việc trên. UBND xã có công văn về việc tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi và phòng trừ rệp sáp bột hồng gây hại trên cây sắn.
Thực hiện chỉ đạo của xã, tôi trực tiếp huy động bà con trong thôn trước mắt thu gom tàn dư cây sắn để tiêu hủy bằng phương pháp đốt, vệ sinh đồng ruộng, bờ lô sạch sẽ”.
Theo như phân tích ban đầu của ông Thắng, nguồn gốc của bệnh rệp sáp bột hồng xuất phát từ các xã miền núi. Mầm bệnh lây lan vào xã Cam Chính theo đường giao thông, cùng với các phương tiện vận chuyển, đây có thể là nguyên nhân chính.
Ngoài ra dịch bệnh bùng phát là do điều kiện khí hậu nắng nóng, đặc biệt gió Tây Nam thổi mạnh, tạo thuận lợi cho dịch bệnh phát triển với mức độ lây lan nhanh. Ông Thắng cho biết, vài ngày tới đây, thôn sẽ họp bàn cụ thể phát động người trồng sắn tiến hành phun thuốc đại trà để dập dịch triệt để.
Theo ông Phạm Đa, Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Cam Lộ, cây sắn là cây chủ lực của huyện với tổng diện tích gần 242 ha. Tại xã Cam Chính có diện tích sắn khoảng 68 ha. Hiện 3 ha diện tích sắn bị tiêu hủy vì bệnh rệp sáp bột hồng. Đây là một đối tượng đang được cảnh báo là rất nguy hiểm có thể làm giảm năng suất sắn đến 85%, thậm chí nếu gây hại sớm có thể thiệt hại toàn bộ vườn sắn.
Ông Phạm Đa cho biết: “Tôi đã chỉ đạo các xã triển khai phòng trừ dịch bệnh, tiến hành điều tra trên tất cả vùng trồng sắn của huyện để nắm diện tích vùng có rệp xuất hiện. Mở thêm các lớp tập huấn cho trưởng thôn, cộng tác viên khuyến nông để phát hiện và tư vấn biện pháp phòng trừ cho nhân dân vùng trồng sắn. Tổ chức tiêu hủy sắn bị bệnh, xử lý sắn ở vùng bị bệnh bằng thuốc hóa học, bảo vệ diện tích sắn hiện có để không lây lan trên diện rộng”.
Loài rệp sáp bột hồng (Phenacoccus manihoti), loài rệp gây hại cho sắn nhiều nhất được phát hiện tại Việt Nam từ tháng 7/2012 sau khi được phát hiện tại Thái Lan (2008) và Campuchia (2009). Rệp sáp bột hồng được cho là xâm nhập vào Việt Nam qua việc trao đổi hom giống sắn ở vùng biên giới với Campuchia. Hiện tại, loài rệp này đã được phát hiện trên sáu vùng trồng sắn quan trọng của Việt Nam cũng như Lào, Campuchia, Myanmar và Indonesia.
Theo các chuyên gia, rệp sáp bột hồng có khả năng lây lan rất nhanh (qua hom giống, phát tán theo gió, trôi theo nguồn nước, bám dính trên cơ thể động vật, người, công cụ và phương tiện vận chuyển...) nên rất khó phòng ngừa.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ