Điểm Nhấn Tái Cơ Cấu Ngành Lúa Gạo Sóc Trăng
Qua 3 năm, tỉnh Sóc Trăng thực hiện Đề án phát triển SX lúa đặc sản, kết quả đã có bước tiến vượt bật.
Vùng trồng lúa thơm đặc sản mở rộng. Nhiều mô hình cánh đồng mẫu SX theo hướng VietGAP, mô hình áp dụng các biện pháp sinh học BVTV...xuất hiện.
Vừa qua, trong chuyến công tác về Sóc Trăng, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đánh giá, tỉnh Sóc Trăng là điểm nhấn điển hình tạo chuyển biến trong tái cơ cấu ngành lúa gạo.
Quyết định mở đường...
Năm 2012, tại kỳ hợp thứ 4 HĐND tỉnh Sóc Trăng khóa VIII (nhiệm kỳ 2011-2016) đã ra Nghị quyết số 12/2012/NQ-HĐND ngày 06/7/2012 thông qua Đề án phát triển SX lúa đặc sản đến năm 2015 với mục tiêu của Đề án đến cuối năm 2015, diện tích lúa đặc sản vùng đề án đạt 52.000 ha trong kế hoạch 70.000 ha của toàn tỉnh.
Trong đó các giống lúa nhóm ST đạt 33.500 ha, lúa Tài nguyên mùa 7.000 ha và các giống lúa thơm nhẹ khác 11.500 ha.
Đề án được triển khai thực hiện ở 34 xã, thị trấn thuộc 4 huyện Trần Đề, Mỹ Xuyên, Thạnh Trị và TX Ngã Năm. Đây là vùng SX thích hợp cho phát triển lúa thơm đạt chất lượng cao và cũng là các địa phương có nền tảng và phong trào SX lúa thơm ST và lúa Tài nguyên mùa khá thành công.
Đến nay, sau 3 năm triển khai thực hiện đề án phát triển lúa đặc sản, diện tích lúa đặc sản, lúa thơm các loại đã từng bước tăng dần từ 57.610 ha năm 2012 lên 92.000 ha năm 2014, trong đó diện tích trồng lúa thơm ST tăng từ 26.632 ha lên 29.531 ha, giống Tài nguyên mùa từ 7.423 ha tăng lên 9.309 ha.
Riêng vùng đề án diện gieo trồng 78.000 ha, trong đó lúa thơm ST đạt 27.300 ha, lúa Tài Nguyên 9.309 ha và các giống thơm nhẹ khác 42.700 ha.
Đề án đã xây dựng được nhiều mô hình SX lúa đạt chất lượng, các đơn vị đã tích cực phối hợp cùng địa phương chuyển giao kỹ thuật về quy trình canh tác, kỹ thuật SX giống và BVTV, góp phần tích cực trong việc nâng cao trình độ về thâm canh lúa đặc sản cho nông dân trong vùng đề án.
Có thể nói bước đầu các mô hình cánh đồng mẫu trong vùng đề án đã tạo được sự liên kết tốt giữa nông dân với nông dân và nông dân với doanh nghiệp. Việc ký kết hợp đồng tiêu thụ giữa nông dân với các doanh nghiệp đã hình thành được các vùng SX giống lúa thơm gắn với tiêu thụ, nhất là các giống lúa thơm ST, lúa Tài nguyên.
Các doanh nghiệp ký hợp đồng thu mua lúa hàng hóa với giá cả hợp lý, mở ra hướng đi bền vững cho người trồng lúa, vừa giúp nông dân tiêu thụ lúa được thuận lợi vừa đạt hiệu quả trong kinh doanh của doanh nghiệp.
Sức lan tỏa
Trên cơ sở đề án phát triển lúa đặc sản của tỉnh, huyện Thạnh Trị đã chủ động xây dựng Đề án phát triển SX lúa đặc sản gắn với xây dựng cánh đồng mẫu giai đoạn 2012 - 2015 trên địa bàn huyện.
Trong quá trình triển khai thực hiện đề án, huyện chủ động tổ chức thực hiện tốt mối liên kết 4 nhà. Đặc biệt là sự liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân để hợp đồng cung ứng vật tư đầu vào, bao tiêu sản phẩm đầu ra các mô hình cánh đồng mẫu trên địa bàn huyện.
Bên cạnh đó, Viện Lúa ĐBSCL hỗ trợ huyện Thạnh Trị trong việc phục tráng giống lúa Tài nguyên và chuyển giao lại cho địa phương. Đến vụ ĐX 2013-2014, huyện Thạnh Trị đã triển khai thực hiện thành công việc chuyển giao 49.300 kg giống lúa Tài Nguyên thuần đưa vào SX trên diện tích 5.000 ha và cho năng suất khá cao, bình quân đạt 7 tấn/ha.
Ở TX Ngã Năm, vụ lúa ĐX 2013-2014 đạt thắng lợi lớn, năng suất đạt 7,81 tấn/ha, sản lượng 143.000 tấn, vượt 10,6% kế hoạch đề ra, trong đó diện tích lúa đặc sản 8.589 ha, đạt hơn 114% kế hoạch. Chính hiệu quả tổ chức SX trên cánh đồng mẫu lớn đã nâng cao chất lượng lúa, thu hút nhiều doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo về Ngã Năm.
Trong 3 năm qua TX Ngã Năm đã hình thành và mở rộng cánh đồng lúa thơm dọc theo các xã hai bên tuyến đường Quản lộ Phụng Hiệp - Cà Mau. Vào vụ lúa ĐX 2014-2015 có 6 doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu với nông dân SX 4.449 ha, tăng 285 ha so với vụ ĐX năm trước.
Kết quả các mô hình SX lúa đặc sản theo mô hình cánh đồng mẫu áp dụng VietGAP có năng suất lúa bình quân đạt 7,2 tấn/ha, cao hơn lúa ngoài mô hình 7 - 10% cùng thời điểm. Giá thành SX lúa thấp hơn mức bình quân chung khu vực thực hiện cánh đồng mẫu 800 - 900 đ/kg (lúa tươi).
Giá lúa đặc sản trong mô hình cánh đồng mẫu cao hơn lúa hạt dài thường tại thời điểm tùy theo giống lúa như: Lúa ST5 cao hơn 500 - 700 đ/kg; lúa RVT cao hơn 800 - 1.000 đ/kg và lúa ST20 cao hơn 1.200 - 1.500 đ/kg. Từ đó lợi nhuận đạt từ 57 - 61% tổng thu nhập trong 2 vụ ĐX 2012-2013 và 2013-2014, mức lợi nhuận trong cánh đồng mẫu cao hơn bên ngoài 6 - 8 triệu đ/ha.
Do có thị trường tiêu thụ tốt nên doanh nghiệp “đặt hàng” SX các giống lúa thơm và các giống lúa chất lượng cao như ST20, RVT, OM 4900, OM 7347, AGPPS 103. Phương thức bao tiêu theo hai cách: Chốt giá 5.400 - 6.400 đ/kg hoặc có một số doanh nghiệp bao tiêu theo giá thị trường.
Nâng cao chất lượng, giá trị
Điểm nổi bật qua 3 năm thực hiện đề án chính là kết quả các hoạt động chuyển giao khoa học -kỹ thuật. Trong công tác giống đã SX được 3.724 kg giống siêu nguyên chủng, 99.000 kg nguyên chủng và hiện đang tiếp tục thực hiện tại trại giống cây trồng Long Phú trong vụ ĐX 2014-2015.
Ngành nông nghiệp tỉnh đã tổ chức tập huấn kỹ thuật SX giống 16 lớp/400 nông dân tham dự; xây dựng 35 mô hình trình diễn giống và hỗ trợ trên 497 ha SX giống xác nhận.
Nhằm nâng cao chất lượng lúa gạo, đề án xây dựng 3 mô hình cánh đồng mẫu SX theo hướng VietGAP trên quy mô 270 ha với 245 nông dân tham gia; Xây dựng 14 mô hình áp dụng các biện pháp sinh học BVTV trên diện tích 900 ha và triển khai 54 lớp tập huấn nâng cao kỹ năng chuyên môn cho cán bộ kỹ thuật và nông dân trong vùng đề án.
Song song đó, đề án đang triển khai xây dựng các mô hình SX lúa đặc sản theo hướng nông nghiệp hữu cơ, trong đó thực hiện 2 mô hình tại 2 huyện Mỹ Xuyên, Ngã Năm trên diện tích 22 ha và 1 mô hình SX lúa Tài Nguyên mùa ứng dụng tiến bộ kỹ thuật “1 phải, 5 giảm” và theo hướng ứng dụng khoa học nông nghiệp hữu cơ tại huyện Thạnh Trị với diện tích 45 ha.
Các địa phương trong vùng dự án đang tiến hành xây dựng mô hình thực hiện thí điểm phương thức thuê chủ nhiệm và kế toán điều hành hoạt động của HTX; Hướng dẫn các HTX, tổ hợp tác xây dựng phương án hợp tác, liên kết SX với các doanh nghiệp.
Ngoài ra phối hợp với các ngành liên quan và các doanh nghiệp tổ chức triển khai xây dựng các cánh đồng mẫu SX lúa đặc sản tập trung trong vùng đề án, thực hiện theo Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết SX gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn.
Nguồn bài viết: http://nongnghiep.vn/diem-nhan-tai-co-cau-nganh-lua-gao-soc-trang-post135668.html
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ