Diện Tích Cây Mắc Ca Sẽ Tăng Mạnh
Diện tích cây mắc ca trồng mới từ đầu năm 2014 đến nay chỉ là một con số quá khiêm tốn trong tổng diện tích cây lâu năm trồng mới của tỉnh Lâm Đồng. Tuy nhiên, theo nhận định của lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh, trong thời gian tới, diện tích mắc ca của Lâm Đồng có khả năng tăng mạnh.
Cây “hoàng hậu”, nhưng chậm...
Cụ thể, từ đầu năm 2014 đến nay, cả tỉnh Lâm Đồng chỉ trồng mới được trên dưới 10ha mắc ca trong tổng số hàng ngàn hecta cây lâu năm được trồng mới. Như vậy, trong tổng số hơn 200.000ha diện tích cây lâu năm hiện có của Lâm Đồng, diện tích cây mắc ca chỉ chiếm khoảng hơn 100ha.
Một báo cáo của UBND tỉnh Lâm Đồng gần đây nhất cho thấy: Trong tổng diện tích cây trồng lâu năm hiện có của tỉnh, các loại cây chiếm phần lớn là cà phê (trên 150.000ha), chè (hơn 23.000ha), điều (16.000ha), cây ăn quả (11.000ha), cao su (5.000ha), dâu tằm (3.500ha), ca cao (1.300ha), hồ tiêu (500ha)...; còn diện tích mắc ca được xếp vào hạng một số cây trồng “chiếm tỷ trọng thấp”.
Nhìn vào các số liệu báo cáo, có thể ai đó sẽ bi quan về một loại cây trồng được cho là “hoàng hậu quả khô mắc ca” này. Bởi lẽ, so với những năm 2006 - 2008 (khi lần đầu tiên đưa cây mắc ca về trồng ở Lâm Đồng), diện tích loại cây trồng này hiện nay của tỉnh không tăng bao nhiêu. Con số trồng mới trên dưới 10ha cây mắc ca từ đầu năm đến nay của tỉnh Lâm Đồng là một minh chứng.
Tuy nhiên, trong thực tế, từ đầu tháng 7 đến nay, tình hình có khác: Trên địa bàn các huyện Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lâm... có rất nhiều hộ nông dân đang săn lùng cây giống mắc ca để mua về trồng trong vườn nhà. Nhiều nông dân ở các huyện này cho biết: Mắc ca đang được giá. Nhu cầu hiện nay trên thế giới về trái mắc ca đang rất lớn và còn có khả năng tăng mạnh trong những năm sắp đến.
Thực tế ở những vườn mắc ca của một số hộ trồng thử nghiệm ở Lâm Đồng trong những năm qua cho thấy: Một hecta mắc ca có thể cho nhà nông thu nhập đến cả tỷ đồng.
Tại một hội thảo về phát triển cây mắc ca do Bộ NN-PTNT vừa tổ chức mới đây, các chuyên gia đã đưa ra nhiều số liệu “choáng ngợp”: 1ha đất có thể trồng từ 400 - 500 cây mắc ca; 1 cây mắc ca đến năm cho thu hoạch chính (năm thứ 8) có thể cho đến 70kg hạt; hiện tại, 1kg hạt mắc ca có giá đến 15USD. Như vậy, con số “tỷ đồng trên một hecta mắc ca” (cao gấp nhiều lần so với các loại cây dài ngày khác) không còn là “con số trong mơ”.
Và đây cũng chính là nguyên nhân để nhà nông Lâm Đồng săn lùng cây giống mắc ca trong vòng hơn nửa tháng qua. Tây Nguyên, trong đó có Lâm Đồng, rất có thể sẽ “sốt” nguồn cây giống mắc ca trong thời gian tới là nhận định của nhiều người.
Vấn đề về nguồn giống
Điều đáng lo ngại là trong thời gian qua, việc quản lý nguồn cây giống mắc ca ở các tỉnh Tây Nguyên chưa được chặt chẽ. Trong khi, đây là giống cây ngoại nhập, sau khi trồng đến năm thứ 5 hoặc thứ 8 mới cho trái bói, nếu nhà vườn mua phải giống cây không đạt chất lượng thì hậu quả thật khó lường.
Hiện tại, trên địa bàn một số huyện như Đức Trọng, Lâm Hà, Đơn Dương, Di Linh..., nhiều cơ sở ươm giống tư nhân bắt đầu tự ươm giống cây mắc ca trở lại (thực tế thì nguồn cây giống mắc ca đã lắng xuống trong hai năm qua) để bán cho nông dân.
Theo một cán bộ chuyên môn của Sở NN-PTNT Lâm Đồng, hiện Lâm Đồng có khoảng 20 loại giống mắc ca được nhập về ở Lâm Đồng từ các nước Australia, Trung Quốc và Thái Lan. Năm 2006, lần đầu tiên Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng đưa cây giống mắc ca về trồng ở Lâm Đồng trên 3 tiểu vùng sinh thái khác nhau.
Đến năm sau đó (2007), Công ty Mắt Đá (TP HCM) cũng đã tiến hành trồng thử nghiệm vài chục hecta ở Lâm Hà và Đơn Dương. Nguồn giống mắc ca của hai đơn vị này được đảm bảo nên vườn cây thử nghiệm phát triển tốt, năng suất đạt khá cao.
Tuy nhiên, sau đó, vào những năm 2008 - 2010, phong trào trồng mắc ca ở nhiều huyện trong tỉnh phát triển một cách ồ ạt; nguồn giống trôi nổi được bày bán khắp nơi và hậu quả đã xảy ra là: Không ít nhà vườn mua phải cây giống kém chất lượng nên đến khi cây trưởng thành chỉ cho... gỗ chứ không cho quả.
Đã có không ít nhà vườn ở Lâm Hà, Di Linh... phải đốn bỏ vườn cây mắc ca sau khi trồng và chăm sóc đến hơn 3 năm (ở Lâm Đồng, cây mắc ca sau 3 năm trồng đã cho trái bói, khác với vùng Tây Bắc là phải đến 5 - 8 năm). Làm thế nào để quản lý chất lượng nguồn cây giống mắc ca là vấn đề đang đặt ra trong giai đoạn hiện nay của ngành nông nghiệp tỉnh!
Dự báo, nhu cầu hạt mắc ca của thế giới ngày một tăng. Theo tài liệu của một cán bộ chuyên môn Sở NN-PTNT Lâm Đồng, sản lượng mắc ca trên toàn thế giới hiện chỉ mới đáp ứng được khoảng 25% nhu cầu; trong khi đó, diện tích loại cây trồng này tính bình quân trên toàn thế giới chỉ tăng 15% mỗi năm.
Việt Nam là nước có diện tích cây mắc ca đứng thứ 11 trong tổng số 17 nước có trồng cây mắc ca hiện nay. Chính phủ hiện đã có chủ trương khuyến khích trồng cây mắc ca, nhất là đối với hai địa bàn Tây Bắc và Tây Nguyên.
Cụ thể, Nghị định số 210/2013/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn có hiệu lực từ 10.2.2014 có quy định: “Các dự án trồng cây mắc ca có quy mô từ 50ha trở lên được ngân sách nhà nước hỗ trợ 15 triệu đồng/ha...”. Đây chính là cơ hội để Lâm Đồng và các tỉnh Tây Nguyên mở rộng diện tích cây mắc ca; tuy nhiên, việc quả lý nguồn giống vẫn là điều rất đáng đặt ra trước cơ hội này!
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ