Vú sữa Điều Khiển Cho Cây Vú Sữa Ra Trái Sớm

Điều Khiển Cho Cây Vú Sữa Ra Trái Sớm

Ngày đăng 04/12/2013

Điều Khiển Cho Cây Vú Sữa Ra Trái Sớm

Cũng giống như nhiều loại cây ăn trái khác, nếu muốn các bạn cũng có thể điều khiển cho cây vú sữa ra trái sớm để thu được lợi nhuận cao.  

Sau đây xin giới thiệu với các bạn kinh nghiệm của anh Lê Văn Đông (Tổ trưởng Tổ sản xuất vú sữa đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, ấp Long Trị, xã Bàng Long, huyện Châu Thành, Tiền Giang) để các bạn tham khảo và áp dụng thử.

Cách làm của anh như sau:

Vào khoảng cuối tháng 12 (âm lịch), khi trên cây vẫn còn một số trái (trái cuối mùa, xấu, chất lượng kém) thì tiến hành lặt bỏ trái. Quét sạch vườn. Cắt bỏ những cành vô hiệu (cành bị sâu bệnh, cành chết khô, cành bên trong tán ít có khả năng cho trái…), để tạo lại tán. Những cành này lớn cỡ ngón tay. Nếu muốn nhân dịp này tạo lại tán cho cây tròn trịa thì cũng có thể cắt bỏ cả những cành lớn cỡ cổ tay.

Tạo tán xong, rút hết nước trong mương vườn (xiết nước), để đất vườn khô cằn lại. Sau khi xiết nước 10-15 ngày, khi thấy lá cây sắp héo thì tiến hành bơm nước vào đầy vườn (bơm lùa), giữ nước trong vườn để nước ngấm hết vào trong liếp đất. Khoảng nửa ngày sau, khi thấy nước rút cạn thì bơm tiếp lần 2.

Khi nào thấy nước của lần bơm thứ 2 vừa cạn thì bón cho mỗi cây 5 kg vôi bột (cây 5-10 năm tuổi), bằng cách rải đều vôi trên mặt vườn. Sau khi bón vôi một tuần, tiếp tục rải bón cho mỗi cây 10-15 kg phân chuồng đã được ủ hoai mục. Sau bón phân chuồng 7-10 ngày, hốt bùn mương rải và xoa đều lên mặt vườn một lớp mỏng 3-5 cm. Khi lớp bùn khô nứt, thì rải bón cho mỗi cây 2,0-2,5 kg phân NPK (loại 15-15-15). Ba ngày đầu sau khi rải phân, mỗi ngày tưới nước một lần cho phân tan và ngấm dần xuống đất. Sau đó cứ cách 3 ngày lại tưới một lần. Sau 5 lần tưới (cách 3 ngày) thì chuyển sang tưới 5 ngày một lần cho đến khi mùa mưa xuống (trong mùa mưa, nếu gặp đợt hạn kéo dài phải tưới bổ sung, đảm bảo đất vườn luôn đủ ẩm).

Sau khi bón phân NPK khoảng một tháng thì cây vú sữa ra tược non và ra hoa.

Tại 3 thời điểm: khi trái lớn cỡ đầu ngón tay, khi trái lớn cỡ trứng vịt và trước khi thu hoạch trái khoảng một tháng, tại mỗi thời điểm này bón thêm cho mỗi cây 2-3 kg phân NPK (loại phân như trên) để nuôi trái (nhớ khi bón xong phải tưới mỗi ngày một lần (tưới 3 ngày liền) để phân tan, ngấm xuống đất).

Về phòng trừ sâu bệnh: khi trái lớn cỡ ngón tay tiến hành xịt thuốc Regent để trừ sâu đục trái, rệp sáp... Khi trái lớn cỡ trứng vịt, xịt thuốc Regent và Anvil để phòng trừ sâu, bệnh trước khi bao trái. Sau khi xịt thuốc 3 ngày thì dùng bao giấy hoặc bao chuyên dùng bao trái lại, để phòng ngừa sâu đục trái, ruồi đục trái, bệnh thối trái…

Làm cách này cây vú sữa sẽ cho thu hoạch trái vào đầu tháng 9 đến đầu tháng 10 (âm lịch), giá bán cao gấp 3-4 lần lúc chính vụ (rằm tháng 11 đến rằm tháng 1 năm sau).

Trên đây là kinh nghiệm của anh Đông đã áp dụng thành công trên mảnh vườn của gia đình anh. Cũng như nhiều loại cây ăn trái khác, thành công của việc xử lý đôi khi còn phụ thuộc vào tình hình đất đai, chế độ tưới tiêu, tuổi cây, tập quán canh tác của mỗi chủ vườn… vì thế các bạn có thể tham khảo kinh nghiệm này rồi nghiên cứu trên diện hẹp, nên “gia giảm” thêm cho phù hợp với mảnh vườn nhà mình, khi nào đạt kết qủa mới áp dụng trên diện rộng cho cả vườn. Chúc các bạn thành công.


Kỹ thuật trồng cây vú sữa đúng cách cho năng suất cao nhất Kỹ thuật trồng cây vú sữa đúng cách… Quy Trình Quản Lý Tổng Hợp Bệnh Thối Rễ Cây Vú Sữa Tại Các Tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long Quy Trình Quản Lý Tổng Hợp Bệnh Thối…