Tin nông nghiệp Điều kiện cần để áp dụng tiến bộ kỹ thuật: Tích tụ ruộng đất

Điều kiện cần để áp dụng tiến bộ kỹ thuật: Tích tụ ruộng đất

Tác giả Dương An Như, ngày đăng 20/12/2016

Điều kiện cần để áp dụng tiến bộ kỹ thuật: Tích tụ ruộng đất

Có thể khẳng định, những tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất đang từng ngày làm thay đổi diện mạo nền nông nghiệp. Song, có nơi, có lúc người dân vẫn e ngại hoặc chậm áp dụng. Vậy vì sao lại dẫn đến tình trạng này?

Trong ảnh: Nông dân Bắc Ninh sử dụng chế phẩm sinh học BTS xử lý môi trường ao nuôi thủy sản.

Sản xuất nhỏ, ngại thay đổi....

Đến địa bàn huyện Gia Lâm (Hà Nội), nơi có Học viện Nông nghiệp Việt Nam đứng chân, tưởng rằng nhiều tiến bộ kỹ thuật sẽ được áp dụng ở đây nhưng khi trò chuyện với nông dân xã Dương Xá, nơi đang khôi phục 120ha giống lúa nếp cái hoa vàng cổ truyền, chúng tôi rất ngạc nhiên khi bà con vẫn thờ ơ với việc áp dụng lối cấy mới.

Một số xã viên cho biết, nguyên nhân khiến họ không muốn cấy theo mô hình SRI là do mất nhiều thời gian hơn, phải đúng kích thước, hàng rộng, hàng hẹp xen kẽ, trong khi cấy theo lối truyền thống vừa nhanh vừa đơn giản. Mặt khác, đồng đất ở đây trũng, cấy thưa sợ cây đổ, nên họ không thích “mạo hiểm” thử nghiệm. Ở đây mỗi hộ chỉ có 1 vài sào ruộng, chủ yếu cấy lúa nếp để phục vụ gia đình, nếu mất mùa, bà con là người phải chịu hậu quả trước, chờ được đền bù thì phiền phức và chưa biết đến bao giờ mới có, thủ tục thanh toán lại rườm rà.

Trên thực tế, nông dân ở Gia Lâm không còn thiết tha với đồng ruộng vì có nhiều khu công nghiệp. Đi làm công nhân lương bình quân đạt 4 triệu đồng/tháng, bằng bà con vất vả cả vụ, có khi là cả năm. Nông nghiệp không phải là nghề chính nên họ ngại không muốn áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới. Cán bộ HTX Nông nghiệp Dương Xá nêu một thực tế, xã viên mỗi  nhà chỉ có vài sào ruộng, khi HTX tổ chức tập huấn dù đã có kinh phí hỗ trợ (10.000 - 20.000 đồng/người) nhưng rất ít xã viên tham gia.

Kỹ thuật mới làm thay đổi diện mạo sản xuất

Ở những nơi quy mô sản xuất nông nghiệp không lớn như Dương Xá, nông dân có tâm lý ngại áp dụng tiến bộ kỹ thuật nhưng ở những vùng sản xuất chuyên canh, tiến bộ kỹ thuật đã góp phần làm thay đổi diện mạo sản xuất. Tại Đồng Tháp, nhờ tham gia mô hình “3 giảm, 3 tăng”, áp dụng kỹ thuật trồng lúa SRI, bón phân đúng tỷ lệ, bà con đã tiết kiệm được 20kg lúa giống/ha; giảm được 800.000đồng/ha chi phí phân bón. Nhờ giảm phân, giống, đồng ruộng thoáng đãng nên lúa phát triển tốt, ít hoặc không còn sâu bệnh, do vậy còn giảm được 1,7 lần phun thuốc bảo vệ thực vật­, tiết kiệm được 1 triệu đồng/ha. Những hộ tham gia thử nghiệm mô hình năng suất lúa đạt 6,3 tấn/ha, cao hơn các hộ không làm mô hình 400kg/ha, lợi nhuận tăng so với các hộ ngoài mô hình là 5 triệu đồng/ha. 

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Văn Sơn, Trưởng bộ môn Dạy rèn nghề, Trung tâm Thực nghiệm và Đào tạo nghề, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, cho biết: “Ứng dụng khoa học công nghệ mới là rất cần thiết nhưng “khó vào” do người dân còn e ngại cái mới. Thực tiễn cho thấy, ở đâu sản xuất nông nghiệp là nguồn thu nhập chính thì bà con rất hào hứng, còn ngược lại, bà con không mấy mặn mà. Mặt khác, nông nghiệp Việt Nam vẫn chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ, thu nhập quá ít ỏi, nếu đưa tiến bộ kỹ thuật mới vào một vài sào ruộng, chênh lệch chỉ vài chục nghìn đồng, số tiền không quá lớn nên người dân bỏ qua. Nếu mỗi gia đình có hàng chục hecta trở lên, sản xuất thành trang trại, gia trại thì bắt buộc phải tăng hàm lượng kỹ thuật thì mới thu được lợi nhuận. Thậm chí nhiều người còn tự tìm đến các cơ quan khoa học để tiếp cận tiến bộ mới, có những nông dân phải thuê kỹ sư giám sát kỹ thuật.

Ông Sơn cho biết thêm, thời gian qua, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng đã hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân vùng cam Văn Chấn (Yên Bái). Những hộ trồng cam đã thành lập câu lạc bộ trang trại, người ít nhất 1ha, nhiều lên đến 30ha, thuê kỹ sư chuyên theo dõi quá trình phát triển của cây, từ khâu chăm sóc đến thu hoạch, bảo quản. Học viện cũng tư vấn kỹ thuật cho nông dân vùng lúa Thạch Thành (Thanh Hóa). Nông dân được tư vấn chu đáo, tỷ mỷ; các kỹ sư xuống tận ruộng, chỉ dẫn bà con rất nhiệt tình, bà con được tư vấn sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng quy trình, liều lượng nên đạt hiệu quả tốt.

Tại Bắc Ninh, ông Bùi Hữu Thơ, cán bộ Trung tâm Thông tin và Ưng dụng tiến bộ khoa học công nghệ tỉnh, cho biết, việc đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất ở địa phương khá nhịp nhàng ăn ý.  Theo đó, những tiến bộ kỹ thuật mới thường được  đưa xuống các huyện, thành phố qua Phòng Kinh tế (ủ rơm rạ làm phân hữu cơ, ủ men vi sinh, giảm thiểu đốt rơm rạ bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường...). Trong nuôi trồng thủy sản, trung tâm đã đưa các chế phẩm sinh học xuống xử lý đáy ao để khắc phục ô nhiễm nguồn nước do sử dụng thức ăn công nghiệp quá nhiều; chế phẩm sinh học cũng được phối trộn vào thức ăn chăn nuôi gia súc gia cầm để tăng cường sức đề kháng cho vật nuôi, phân thải của gà, lợn không bốc mùi hôi thối. Có những hộ chưa được tiếp cận sản phẩm, chỉ nghe qua bạn bè, đã gọi điện đến trung tâm để được tư vấn và liên hệ mua hàng. Hiện, nông dân trên 8 huyện, thành phố của tỉnh Bắc Ninh luôn chủ động học hỏi, tiếp cận các thành tựu khoa học mới, ứng dụng vào sản xuất để tăng năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi.

Từ thực tiễn sản xuất ở các địa phương, theo ông Sơn, để các tiến bộ kỹ thuật mới được áp dụng rộng rãi, nhất thiết phải đẩy mạnh sản xuất lớn. “Muốn đấy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ phải tích tụ ruộng đất, doanh nghiệp, nông dân, người sản xuất lớn phải ngồi lại với nhau để cùng đưa khoa học vào đồng ruộng, có như vậy mới thành công”, ông Sơn nói.


Giá rau củ quả quá cao Giá rau củ quả quá cao Dùng keo lai cấy mô: Hướng đi mới cho người trồng keo lai ở Bình Định Dùng keo lai cấy mô: Hướng đi mới…