Tin nông nghiệp Định hướng và giải pháp phát triển nông nghiệp đô thị

Định hướng và giải pháp phát triển nông nghiệp đô thị

Tác giả Thanh Xuân, ngày đăng 27/06/2022

Định hướng và giải pháp phát triển nông nghiệp đô thị

Những sản phẩm của nông nghiệp đô thị không chỉ cung cấp lương thực, thực phẩm mà còn tạo ra không gian xanh, đô thị trong lành; đồng thời tạo cảnh quan, kiến trúc môi trường, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Ở Việt Nam, tuy đã có những mô hình nông nghiệp thông minh, nhưng quy mô nhỏ và hầu như chưa hoàn chỉnh.

Nhiều kết quả tích cực

Khuyến nông đô thị là hoạt động tiêu biểu của Câu lạc bộ Khuyến nông Đô thị do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thành lập từ năm 2001, nhiệm vụ chính là giúp nâng cao năng suất, chất lượng để phát triển sản xuất theo hướng bền vững, góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa nông nghiệp, nông thôn. 

Đánh giá hiệu quả hoạt động của khuyến nông đô thị trong 20 năm qua, bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khuyến nông Đô thị, cho biết, cùng với xu thế phát triển của đô thị ở Việt Nam, nhiều chính sách, cơ chế mới phù hợp của các địa phương trong cả nước đã tạo điều kiện cho hoạt động khuyến nông đô thị ngày càng hiệu quả. Cụ thể như các chính sách chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp; chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; chính sách phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp...

Theo đó, sau một thời gian triển khai, có nhiều mô hình tiêu biểu như: Trồng hoa, cây cảnh tại Lập Thạch và Vĩnh Tường, sản xuất chuỗi liên kết thịt lợn sạch tại TP. Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc); mô hình nông nghiệp đô thị ứng dụng công nghệ cao tại huyện Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh); mô hình sản xuất rau theo hướng hữu cơ kết hợp du lịch sinh thái trải nghiệm tại huyện Hòa Vang (TP. Đà Nẵng), mô hình sản xuất rau hữu cơ tại trang trại Hoa Viên, Hợp tác xã rau hữu cơ Cuối Quý (Hà Nội)…

Cụ thể, một số mô hình nông nghiệp đô thị đạt hiệu quả cao tại một số tỉnh như: nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh hai giai đoạn, năng suất bình quân đạt 55 tấn/ha/vụ, lợi nhuận khoảng 2,3 tỷ đồng/ha/năm tại TP. Hồ Chí Minh; trang trại nuôi cá vàng trên sân thượng của anh Nguyễn Hữu Thắng (quận 6, TP. Hồ Chí Minh) với gần 20 bể cá trên sân thượng rộng gần 200m2, nuôi hàng trăm con cá vàng quý hiếm trị giá từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng/con; hoặc các mô hình áp dụng phương pháp trồng hoa trong bầu, chậu không cần nhiều đất đai phù hợp với xu hướng phát triển nông nghiệp đô thị giúp bà con dễ dàng áp dụng tại tỉnh Thái Nguyên…

Trong 20 năm qua, nhiều chính sách đã được đẩy mạnh, đơn cử như chính sách chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp thông qua hoạt động khuyến nông. Với các hoạt động như: Bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo; chính sách thông tin tuyên truyền; chính sách xây dựng và nhân rộng mô hình; chính sách khuyến khích hoạt động tư vấn, dịch vụ khuyến nông, chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp... đã góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, giúp nông dân tìm đầu ra ổn định và nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm nông nghiệp.

Đơn cử, về công tác tác đào tạo, các thành viên Câu lạc bộ đã tổ chức được trên 33.000 lớp tập huấn, đào tạo cho hơn 1.555.700 lượt người tham gia.   Nội dung tập huấn chủ yếu giới thiệu giống mới, tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản… Các phương pháp tập huấn khuyến nông được giới thiệu trong giai đoạn này là phương pháp tập huấn có sự tham gia, tập huấn hiện trường.

Không ít khó khăn

Bên cạnh những thuận lợi thì trong thời gian qua, hoạt động khuyến nông  đô thị cũng gặp phải một số khó khăn nhất định.

Hệ thống khuyến nông trên địa bàn các tỉnh, thành phố còn thiếu về nhân lực, nhất là cán bộ khuyến nông cấp cơ sở. Số cán bộ am hiểu sâu về lĩnh vực nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao và lĩnh vực hoa - cây cảnh, cá cảnh, chế biến bảo quản nông sản còn hạn chế. Do đó, cần thiết phải được quan tâm đào tạo và bồi dưỡng nâng cao trình độ.

Sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do tình hình thời tiết diễn biến bất thường; dịch bệnh gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng lớn đến hiệu quả chăn nuôi và tiến độ triển khai mô hình.

Hầu hết các mô hình khuyến nông đô thị bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng thực tế đất sản xuất nông nghiệp manh mún, không tập trung nên rất khó trong khâu cơ giới hóa để giảm chi phí sản xuất, người nông dân thiếu nguồn vốn tích lũy để tái đầu tư hay mở rộng quy mô nên khi có điều kiện chuyển sang kinh doanh ngành nghề khác (thương mại, dịch vụ,…), nông dân sẽ chuyển hướng kinh doanh, do đó các mô hình này cũng khó mang tính bền vững.

Ngoài ra, một số mô hình nông nghiệp đô thị như trồng lan, cá cảnh, mô hình ứng dụng công nghệ... đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao, vốn đầu tư nhiều, chậm thu hồi vốn nên tốc độ phát triển rất chậm cả về quy mô sản xuất và số hộ tham gia thực hiện.

Việc liên kết trong khâu tiêu thụ sản phẩm còn lỏng lẻo, hầu như các sản phẩm của nông dân sản xuất ra phải tự tiêu thụ, nên thường bị thương lái ép giá. 

Giá cả đầu ra sản phẩm không ổn định, giá cả đầu vào luôn tăng cao, hiệu quả kinh tế từng loại cây, con biến động qua từng năm, do dó nông dân chưa yên tâm đầu tư mở rộng quy mô sản xuất...

Hướng đến xây dựng một nền nông nghiệp thông minh tích hợp công nghệ tiên tiến

Định hướng phát triển trong thời gian tới, các chuyên gia cho rằng, nông nghiệp đô thị còn phải hướng đến xây dựng  nền nông nghiệp thông minh tích hợp các công nghệ tiên tiến, do vậy, các địa phương cần tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản; bảo vệ môi trường, sinh thái; nâng cao thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn; đảm bảo an ninh lương thực.

Đặc biệt, phát triển nông nghiệp đô thị cần có mục tiêu xuyên suốt là tạo ra sự phát triển cân bằng và bền vững, kết nối không gian đô thị và nông thôn, giá trị truyền thống và hiện đại, đồng thời thúc đẩy lối sống hòa đồng của con người với thiên nhiên; tổ chức sản xuất nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại.

Phát biểu tại hội nghị tổng kết 20 năm hoạt động khuyến nông đô thị (2001 - 2021), TS. Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chúc mừng và đánh giá cao hoạt động khuyến nông đô thị của Câu lạc bộ khuyến nông Đô thị trong thời gian qua.

Ông Thanh cho rằng:  Để thực hiện mục tiêu phát triển nền nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thích ứng với biến đổi khí hậu và kết nối bền vững với chuỗi giá trị nông sản toàn cầu, trong giai đoạn 2021 - 2025, hoạt động khuyến nông, nhất là khuyến nông đô thị, phải hướng tới sự phát triển và định hướng tái cơ cấu của ngành, của địa phương, trong đó chú trọng tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực, góp phần phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị sinh thái, bền vững, có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao để có khả năng cạnh tranh cao.

“Hoạt động khuyến nông đô thị cần tập trung đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao khoa học kỹ thuật và tuyên truyền nâng cao nhận thức về đô thị hiện đại, phát triển bền vững gắn với nông nghiệp công nghệ cao, đô thị thông minh, nông thôn mới và các mục tiêu bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu”, ông Thanh nhấn mạnh.


Hai điểm sáng trong tiêu thụ nông sản chính vụ Hai điểm sáng trong tiêu thụ nông sản… Để nông nghiệp là trụ đỡ vững chắc Để nông nghiệp là trụ đỡ vững chắc