Đo Chữ Đường Cây Mía Thiếu Minh Bạch Nông Dân Chịu Thiệt
Đã qua, người trồng mía trong tỉnh Cà Mau lao đao vì giá mía giảm. Đã vậy, họ còn bị nhà máy đường Thới Bình tính chữ đường thấp, làm cho nhiều hộ nông dân không còn mặn mà với cây mía. Diện tích trồng mía vì vậy ngày càng thu hẹp.
“Ép giá” như… ép mía
Huyện Thới Bình là nơi có nguồn mía nguyên liệu lớn nhất của tỉnh với khoảng 1.800 ha, tập trung ở các xã: Trí Lực, Trí Phải và xã Biển Bạch Đông. Vụ mùa vừa qua, khi mía đến kỳ thu hoạch nhưng một số người trồng mía kéo dài thời gian với mong muốn giá mía nâng lên và việc đo chữ đường của nhà máy minh bạch hơn.
Thương lái thu mua mía tại rẫy chỉ với giá 500-750 đồng/kg. Với mức giá trên, nhiều gia đình trồng mía trở nên trắng tay sau một năm vun trồng, chăm sóc. Giá mía rẻ phần lớn là do đo chữ đường thấp, nhà máy ép giá thương lái, thương lái ép giá nông dân và nông dân chính là người gánh chịu tất cả.
“Chúng tôi cũng đâu muốn ép giá nông dân làm chi, đó là nguồn sống của chúng tôi mà. Nhưng ngặt nỗi, nhà máy đánh giá chữ đường thấp nên chúng tôi buộc phải hạ giá mới mong có cơm, có cháo mà ăn. Còn thương lái nào chịu khó hơn thì chở lên Nhà máy Hoả Lựu, TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, chữ đường cao hơn.
Tuy nhiên, như vậy thì tốn thêm khoảng chi phí vận chuyển, thường xuyên bị giao thông chốt chặn và phạt vạ lắm”, thương lái Đỗ Chí Tình, xã Vĩnh Hoà Hưng Nam, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang, bức xúc.
Với 5.000 m2 đất trồng mía, anh Trần Văn Suốt ở ấp 6, xã Trí Phải dự định bán mía sẽ có được số tiền để xoay sở trong gia đình sau một năm vun trồng. Tuy nhiên, với giá mía 500 đồng/kg thì rẫy mía của anh chỉ bán được 8 triệu đồng, trừ chi phí anh Suốt lỗ hơn 10 triệu đồng.
Thương lái ép giá, chử đường bị Nhà máy đường Thới Bình đo quá thấp nên giá mía của anh Suốt ở mức rẻ bèo. Hiện tại, anh Suốt ngậm ngùi chuyển đổi diện tích trồng mía của mình sang nuôi tôm.
Mỗi hecta mía đầu tư chi phí khoảng 40-50 triệu đồng, đến kỳ thu hoạch nếu giá đạt 750 đồng/kg thì người trồng mía có thể lãi được 20 triệu đồng. Có lợi nhuận hay không là phụ thuộc hoàn toàn vào việc đo chữ đường và giá mía; khoảng 10 chử đường thì có giá 750 đồng/kg, nếu sụt xuống 1 chữ đường thì giá giảm xuống khoảng 100 đồng/kg. Nhà máy đo chữ đường thấp thì nông dân lỗ vốn, kể cả thương lái mua mía cũng có khi phải chịu lỗ.
Anh Đỗ Chí Tình, một lái mía ở tỉnh Kiên Giang cho biết, có lần anh đã phải chịu lỗ vốn vì cách đo chữ đường không rõ ràng của Nhà máy đường Thới Bình. Cùng một đám mía anh thu mua của người dân, anh Tình bán ở Nhà máy đường Thới Bình đo giảm hơn 2 chữ đường so với Nhà máy Hoả Lựu. Anh Tình khẳng định: “Một đám mía không thể có chênh lệch lớn như vậy được.
Nhà máy đường Hoả Lựu có các camera giám sát việc lấy mẫu và đo chữ đường để trình chiếu trực tiếp cho người dân xem, còn Nhà máy đường Thới Bình thì không. Ai biết trong quá trình đo có sự sai lệch hay không khi không có camera để theo dõi!”.
Ép dân trồng mía
Giảm chữ đường ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập. Trung bình giảm 1 chử đường sẽ giảm lợi nhuận 80.000 đồng/tấn mía. Như vậy, chỉ cần giảm 1 chữ đường, nông dân sẽ mất hơn 5 triệu đồng/ha.
Trước thực trạng chữ đường thấp kéo theo giá mía thấp, nhiều người dân ở các xã Trí Phải, Trí Lực và Biển Bạch Đông đã ban bờ mía xuống nuôi tôm và trồng lúa. Thực tế trồng lúa và nuôi tôm sẽ cho thu nhập cao hơn trồng mía nhưng vì chỉ tiêu huyện giao nên UBND xã Trí Phải đã cố gắng vận động người dân duy trì diện tích trồng mía, dù đời sống người trồng mía còn nhiều khó khăn.
“Chủ trương đặt ra là phải duy trì và bảo đảm 200 ha trồng mía nên phải thực hiện. Biết là dân trồng mía giờ khổ lắm mà biết làm sao bây giờ. Mình cũng không có chính sách nào hỗ trợ được người trồng mía”, ông Phan Văn Diễn, Phó Chủ tịch UBND xã Trí Phải, huyện Thời Bình, trăn trở.
"Các ngành có liên quan cần có kế hoạch kiểm tra chất lượng máy đo chữ đường, chứ để kiểu này hoài chắc cây mía sẽ bị “xóa sổ” trong nay mai”, một số người dân xã Trí Phải, bức xúc.
Số phận của những rẫy mía bạt ngàn ở huyện Thới Bình đang phụ thuộc hoàn toàn vào giá mía, phụ thuộc vào sự kiểm tra tính minh bạch trong việc đo chữ đường của Nhà máy đường Thới Bình.
Đặt câu hỏi về vấn đề chất lượng máy đo chữ đường của Nhà máy đường Thới Bình, các ngành chức năng tỉnh Cà Mau như Sở Công thương, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng tỉnh đều trả lời là không biết. “Ở đây không quản lý về vấn đề đó, có chăng là hệ thống nhà máy đường Trung ương quản lý”, ông Huỳnh Vũ Phong, Phó giám đốc Sở Công thương Cà Mau, cho biết.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ