Đổ nợ vì tôm nuôi tự phát chết hàng loạt
Tại xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình mặc dù ngay từ đầu vụ 2015, chính quyền địa phương liên tục khuyến cáo, thậm chí không cấp thêm đất để hạn chế tình trạng ồ ạt đào hồ nuôi tôm trên cát nhưng nhiều hộ dân ở đây vẫn theo nhau đi thuê đất ở các địa phương lân cận “đánh bạc” với nghề nuôi tôm thẻ chân trắng.
Ông Phạm Văn Liệu, Chủ tịch UBND xã Hải Ninh cho biết, phong trào nuôi tôm tự phát không theo quy hoạch của người dân địa phương đã biến các vụ nuôi tôm trên cát thành thảm họa nợ nần.
Số liệu thống kê mới nhất, 400 hộ dân xã Hải Ninh học nhau đào hồ trên cát nuôi tôm, một số vụ đầu có thu hoạch tốt nhưng từ năm 2014 trở lại đây, tôm nuôi mắc bệnh chết toàn diện ngay từ đầu vụ hoặc gần thời điểm thu hoạch khiến người dân lao đao. Hiện 400 hộ nuôi tôm đều là những hộ có kinh tế khá giả nhất xã, nhưng giờ đã cầm chắc số tiền thất bát hơn 151 tỷ đồng.
Trong số đó, nhiều hộ nợ đến 3 tỷ đồng. Nhiều gia đình cầm cố sổ đỏ, vay ngoài với lãi suất rất cao tiếp tục đầu tư nuôi thêm để gỡ gạc nhưng tôm thả xuống hồ lại chết. Với món nợ mà các hộ nuôi tôm ở Hải Ninh đang mắc phải thì sắp tới chắc chắn số hộ nghèo của địa phương sẽ tăng lên đột biến.
Hàng ngàn hộ nuôi tôm tự phát tại Bắc miền Trung lao đao vì tôm chết hàng loạt, nợ lần chồng chất
Trong khi đó ở Quảng Trị những ngày gần đây, hàng trăm hécta tôm nuôi bị nhiễm bệnh, chết sạch khiến nhiều người nuôi trồng thủy sản nghĩ đến việc bỏ nghề. Tại buổi kiểm tra thực tế chỉ đạo công tác dập dịch tại các ao hồ nuôi tôm trên địa bàn huyện Triệu Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sĩ Đồng yêu cầu chính quyền các xã lập phương án, đề xuất giải pháp thực hiện, trình UBND huyện để huyện có đề xuất UBND tỉnh tìm hướng khắc phục, giải quyết.
Thống kê từ Phòng NN-PTNT huyện Triệu Phong, vụ nuôi trồng thủy sản năm 2015, địa phương thả nuôi khoảng 445ha diện tích thủy sản nước lợ, mặn. Tuy nhiên do diễn biến thời tiết bất thường đã khiến hơn 100 hộ nuôi tôm tại các xã Triệu Lăng, Triệu An và Triệu Phước bị ảnh hưởng do dịch bệnh hoại tử gan tụy cấp tính ở tôm bùng phát, với tổng diện tích thiệt hại hơn 46ha.
Nhiều hộ nuôi đã và đang chuẩn bị thả vụ nuôi 2 trong khi thời tiết biến đổi thất thường cộng với việc khi có dịch bệnh không xử lý dập dịch mà thải nước trực tiếp ra môi trường nên khả năng thời gian tới, dịch bệnh rất dễ bùng phát và lây lan trở lại trên diện rộng, tiếp tục gây thiệt hại lớn cho sản xuất.
Tương tự, nhằm hạn chế dịch bệnh trên tôm nuôi bùng phát trên diện rộng, phòng NN-PTNT huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế cùng với việc cử cán bộ, chuyên viên về tận 77ha ao tôm chết vì dịch bệnh tìm nguyên nhân xử lý, đơn vị này còn phân cấp khẩn cấp 2,2 tấn thuốc cloruamin để xử lý dịch bệnh. Đồng thời, hướng dẫn người nuôi tôm không được tháo nước từ các hồ tôm bị bệnh thải ra ngoài làm dịch bệnh lây lan đến diện tích ao hồ xung quanh; tiến hành rải vôi, vệ sinh hồ. Khi thấy tôm có dấu hiệu bất thường và tiếp tục chết, người nuôi tôm cần thông báo, cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng hoặc phải vớt ngay tôm chết ra khỏi ao và tiến hành tiêu hủy. Nếu tôm đủ lớn khẩn trương thu hoạch để giảm tối đa thiệt hại.
Hàng loạt bãi biển miền Trung bị ô nhiễm do hàng ngày phải “đón” khối lượng nước thải khổng lồ chưa qua xử lý từ ao hồ nuôi tôm thẻ chân trắng
Theo ghi nhận của phóng viên Báo SGGP, nghề nuôi tôm thẻ chân trắng ở khu vực miền Trung với diện tích khoảng 1.500ha đang bộc lộ nhiều bất cập về hạ tầng vùng nuôi chưa đảm bảo, hầu hết những hộ nuôi nhỏ lẻ, chưa có ao chứa lắng đọng. Đặc biệt, tình trạng xả thải bừa bãi nguồn nước từ các ao hồ nuôi tôm chưa qua xử lý ra môi trường ven biển không chỉ tạo điều kiện cho dịch bệnh dễ lây lan mà còn khiến nhiều bãi biển đẹp ở đây bị ô nhiễm, nguy cơ cạn kiệt nguồn nước ngầm...
Tại diễn đàn khuyến nông về phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp theo hướng an toàn ở vùng cát ven biển miền Trung tổ chức tại Huế, các chuyên gia cho rằng, để phát triển bền vững nghề nuôi tôm trên cát, tại các tỉnh miền trung cần có những giải pháp tổng thể về quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng, khoa học-công nghệ.
Cụ thể, các địa phương cần quy hoạch cụ thể vùng nuôi tôm trên cát tập trung một cách hợp lý. Phát triển nuôi tôm trên cát tại các vùng hoang hóa, không chặt phá rừng phòng hộ ven biển. Chỉ nuôi tôm trên cát ở những vùng có nguồn nước ngọt bề mặt.
Ðối với những vùng phải sử dụng nước ngầm cho nuôi tôm cần đánh giá trữ lượng nước ngầm làm căn cứ cho việc đầu tư, xây dựng vùng nuôi tôm trên cát. Ðầu tư cơ sở hạ tầng vùng nuôi tôm trên cát phải bảo đảm kiên cố, phù hợp với vùng cát và quy trình nuôi thâm canh, siêu thâm canh.
Có hệ thống cấp thoát nước riêng biệt, hệ thống xử lý nước thải và chất thải nuôi tôm. Về khoa học-công nghệ, nghiên cứu và đưa vào áp dụng công nghệ cao như nuôi khép kín, ít thay nước để tái sử dụng và hạn chế lượng nước ngầm phải sử dụng. Tập trung nghiên cứu các biện pháp phòng và phát hiện bệnh sớm nhằm hạn chế thiệt hại.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ