Đổ xô nuôi cá Koi, coi chừng dội chợ
Với điều kiện nước và thổ nhưỡng thích hợp để nuôi cá Koi, cá chép Nhật, huyện Bình Chánh đang được TP.HCM tập trung đầu tư xây dựng thành vùng nguyên liệu nuôi các loại cá trên.
Đua nhau nuôi cá kiểng
Trong cơn mưa lất phất, anh Nguyễn Tấn Phong (ấp 1, xã Bình Lợi) – nông dân có gần chục năm nuôi cá kiểng vẫn đứng chỉ đạo công nhân cho máy nạo vét đám ruộng gần 3ha để làm ao nuôi cá Koi, cá chép Nhật.
Nếu hoàn thành khu này, anh Phong sẽ nâng tổng diện tích nuôi lên 8ha.
Theo tính toán của anh Phong, để nuôi các loại cá trên, trung bình chủ trang trại phải đầu tư khoảng 100 triệu đồng/ha (công đào ao, giống, lưới…).
Khảo sát của PV cho thấy, hiện tại ấp 1 xã Bình Lợi có gần 20ha và ấp 2 có khoảng 30ha diện tích mặt nước nuôi cá kiểng nằm rải rác dọc các con kênh thủy lợi trong ấp.
Theo anh Phong, nếu so sánh giá trị nuôi cá kiểng và cá thịt thì cá kiểng gấp gần chục lần và thị trường, giá cả cũng ổn định hơn.
Hiện với 5ha mặt nước nuôi cá Koi, cá chép Nhật, mỗi tháng anh Phong bán ra khoảng 300kg, giá trung bình 250.000 đồng/kg, anh có doanh thu gần 100 triệu đồng.
Tại xã Tân Nhựt bà con cũng nuôi gần 20ha cá kiểng.
Anh Nguyễn Văn Thiệt (ấp 2) đang đầu tư nuôi 4ha diện tích mặt nước nuôi các loại cá này cho biết, ở TP.HCM nếu nuôi cá Koi, cá chép Nhật thì chỉ có ở huyện Bình Chánh mới cho cá đạt chuẩn và màu sắc tốt nhất.
Cũng theo anh Thiệt, tỷ lệ nuôi đạt của cá Koi chỉ bằng 1/3 cá chép Nhật, nhưng giá trị thì cao gấp 2-3 lần cá chép Nhật.
Hiện, ngày nào anh Thiệt cũng có cá bán ra thị trường, tính ra mỗi năm thu lợi khoảng 1 tỷ đồng.
Coi chừng “dội chợ”
Trung tâm Khuyến nông TP.HCM cho biết, hiện trên địa bàn huyện Bình Chánh có hơn 20ha diện tích mặt nước nuôi cá Koi, cá chép Nhật.
Nhằm giúp bà con nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả, bền vững, Trung tâm Khuyến nông thành phố đã đầu tư xây dựng mô hình trình diễn “Nuôi cá chép Nhật, cá Koi thương phẩm hỗ trợ nông thôn mới”, theo đó hỗ trợ con giống, thức ăn và kỹ thuật nuôi cho 3 hộ dân.
Theo ông Võ Ngọc Anh – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông TP.HCM, sau 6 tháng nuôi, cá phát triển rất tốt, tỷ lệ sống trung bình 76%, lợi nhuận khá.
Trung tâm sẽ tiếp tục triển khai mô hình này trên địa bàn thành phố, nhất là ở huyện Bình Chánh – nơi có lợi thế nuôi tốt các đối tượng cá này.
Tuy nhiên, theo ông Tống Hữu Châu – một nghệ nhân nuôi cá kiểng ở TP.HCM, bà con nên thận trọng phát triển đại trà việc nuôi cá Koi, cá chép Nhật bởi mô hình này đầu tư lớn nhưng tỷ lệ cá sống khó đạt cao.
Trong khi đó, giới chơi cá Koi, cá chép Nhật không nhiều bởi giá cá tương đối cao và diện tích xây dựng hồ nuôi hạn chế.
Chưa hết, theo giới nuôi cá cảnh ở TP.HCM, nhiều khả năng nông dân thành phố sẽ “đụng hàng” với nông dân nuôi cá Koi, cá chép Nhật thương phẩm ở các tỉnh lân cận.
Anh Nguyễn Tấn Phong cho biết, trong tháng 8 vừa qua, nông dân ở huyện Tân Hưng (Long An) đã chuyển về TP.HCM một lượng lớn cá Koi, cá chép Nhật bán thương phẩm với giá… 60.000 đồng/kg.
“Mình nuôi và chỉ bán với giá cá kiểng.
Họ nuôi và bán giá cá thương phẩm thì làm sao chịu nổi” -anh Phong chia sẻ.
Cá Koi là một loại cá chép (Cyprinus carpio) thông thường đã thuần hóa, lai tạo để nuôi làm cảnh, được nuôi phổ biến tại Nhật Bản, có quan hệ họ hàng gần với cá vàng.
Cá chép Koi và các mảng màu trên cá được người Nhật coi là điềm may mắn, được xem là “quốc ngư”.
Do cá Koi của Nhật thuộc loại xuất sắc, nổi tiếng nên chúng rất đắt giá.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ