Doanh nghiệp gỗ gặp khó vì nguyên liệu
Từ giữa năm 2016, giá nguyên liệu gỗ liên tục leo thang khiến nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất sản phẩm gỗ gặp khó khăn vì đầu vào tăng cao, đầu ra lại giữ nguyên. Với những đơn hàng xuất khẩu đã ký từ trước, DN đành phải chịu huề vốn hoặc lỗ.
Trong ảnh: Sản xuất sản phẩm gỗ xuất khẩu của Công ty TNHH Hố Nai ở phường Long Bình, TP.Biên Hòa.
Sản phẩm gỗ là một trong 3 ngành xuất khẩu chủ lực của Đồng Nai với tổng kim ngạch mỗi năm lên đến trên 1 tỷ USD. Các DN trong tỉnh đã xuất khẩu được sản phẩm gỗ sang hơn 30 quốc gia trên thế giới, trong đó có các thị trường xuất khẩu lớn: Hoa Kỳ, Nhật Bản, các nước châu Âu, Canada, Hàn Quốc.
* Điêu đứng với đơn hàng đã ký
Theo Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, năm 2017 Trung Quốc đóng cửa toàn bộ rừng tự nhiên nên nguồn nguyên liệu thiếu hụt lớn. Vì thế, việc DN Trung Quốc vào Việt Nam, đặc biệt khu vực Tây Nguyên và Đông Nam bộ ào ạt mua gỗ cao su trong năm 2017 là khó tránh khỏi. Các DN sản xuất gỗ Trung Quốc có vốn lớn nên những DN nhỏ của Việt Nam trên lĩnh vực này rất khó cạnh tranh. Năm 2016, gỗ cao su xuất khẩu sang Trung Quốc tăng gấp 2 lần so với năm 2015.
Từ giữa năm 2016 đến nay, giá nguyên liệu gỗ tăng khoảng 20-30%. Trong sản xuất các sản phẩm gỗ, giá của nguyên liệu gỗ chiếm khoảng 60% giá thành. Vì vậy, khi giá nguyên liệu tăng mạnh đã đẩy giá thành sản phẩm gỗ tăng thêm 10-12%. Những đơn hàng DN đã ký trước khi giá nguyên liệu biến động đều phải đàm phán lại với phía đối tác để chia sẻ khó khăn. Tuy nhiên, có những nơi khách hàng thông cảm chấp nhận điều chỉnh giá đơn hàng để bớt thiệt cho nhà sản xuất, song cũng có những khách hàng không chấp nhận, DN đành phải chịu thua lỗ.
Đa số các DN xuất khẩu sản phẩm gỗ tại Đồng Nai đều nhận đơn đặt hàng trước 5-10 tháng để chủ động sản xuất, nên khi giá nguyên liệu gỗ biến động lớn đều ảnh hưởng đến những đơn hàng đã ký. “Sản phẩm giường, tủ, bàn của công ty chủ yếu xuất sang thị trường Hoa Kỳ, châu Âu và khách hàng yêu cầu dùng nguyên liệu gỗ cao su trong nước. Nhưng từ cuối năm 2016, giá gỗ cao su tăng cao nên công ty đành phải yêu cầu khách hàng đổi nguyên liệu gỗ khác hoặc tăng giá sản phẩm. Có đối tác chấp nhận, song cũng có đối tác không đồng ý nên dù đơn hàng hòa vốn hay lỗ công ty cũng phải làm để giữ chữ tín” - ông Nguyễn Ngọc Em, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu Công ty TNHH Sanlim furniture Việt Nam ở Khu công nghiệp Bàu Xéo (huyện Trảng Bom), cho biết.
Một số DN sản xuất gỗ lâu năm tiết lộ, khoảng 2 năm trở lại đây sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam cạnh tranh gay gắt với hàng của Trung Quốc nên đầu ra bị hạn chế, giá không tăng. Để giữ khách và có thêm đơn hàng mới, nhiều DN gỗ đành chấp nhận giảm lợi nhuận xuống, thậm chí chỉ còn 5-6%/đơn hàng. Thế nhưng, giá nguyên liệu gỗ cao su đột ngột leo cao, đẩy giá thành sản phẩm thêm 10-12% khiến DN trở tay không kịp.
Bà Nguyễn Thị Diễm, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Đại Huy Hoàng ở ấp Lộ Đức (xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom) chuyên cung cấp gỗ, cho hay: “Rất nhiều DN tại Đồng Nai chọn gỗ cao su là nguyên liệu sản xuất chính nên khi thương nhân Trung Quốc vào Việt Nam ồ ạt mua gỗ cao su đã đẩy giá tăng cao, gây khó cho DN trong nước. Công ty đã nhận một số đơn đặt hàng sử dụng nguyên liệu gỗ cao su, đành chấp nhận lỗ”.
* Khó cạnh tranh
Giá gỗ cao su leo thang kéo theo các loại gỗ nguyên liệu khác cũng tăng trên 8%. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho xuất khẩu sản phẩm gỗ trong năm 2016 của Việt Nam chựng lại. Hiện giá gỗ cao su trong nước dao động 6,5-8 triệu đồng/m3 nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với Trung Quốc. DN Trung Quốc đã ồ ạt vào Việt Nam mua gỗ nguyên liệu. Theo các chuyên gia kinh tế, trước đây sản phẩm gỗ Việt Nam cạnh tranh được với Trung Quốc là nhờ có nguồn nguyên liệu gỗ trồng trong nước rẻ hơn, nhưng nay bị cạnh tranh nguyên liệu ngay tại sân nhà thì sẽ gặp khó khăn hơn.
Ông Lê Xuân Tân, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu Công ty TNHH gỗ Hạnh Phúc ở Khu công nghiệp Tam Phước
(TP.Biên Hòa), chia sẻ: “Gỗ cao su biến động lớn, nhiều DN sẽ chuyển sang dùng các loại gỗ khác góp phần đẩy gỗ nguyên liệu tăng theo. Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu gỗ nhập khẩu từ Chile và một số nước khác về Việt Nam cũng tăng nên năm 2017 xuất khẩu của sản phẩm gỗ tiếp tục gặp khó”. Ông Tân còn cho biết thêm, dù giá nguyên liệu tăng cao nhưng các sản phẩm gỗ xuất khẩu phần lớn vẫn giữ nguyên. Để tồn tại và phát triển được DN đành phải sử dụng tiết kiệm nguyên liệu, quản trị tốt các khâu khác và đẩy cao năng suất.
Theo ông Cao Văn Bình, chủ Doanh nghiệp tư nhân Cao Bình ở ấp Ngũ Phúc (xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom), các DN sản xuất gỗ ở Đồng Nai đa phần có quy mô nhỏ và vừa, nguồn vốn có hạn, kho bãi chật hẹp nên chỉ mua nguyên liệu trước 1-2 tháng. Giá gỗ nguyên liệu tăng cao khiến nhiều DN lỗ tiền tỷ chỉ trong thời gian ngắn.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ