Doanh nghiệp vừa và nhỏ trước thách thức từ TPP
Đàm phán Hiệp định đối tác thương mại tự do Xuyên Thái Bình Dương - TPP kết thúc đã mở ra cho doanh nghiệp Việt Nam những cơ hội bước vào thị trường rộng lớn với hơn 790 triệu dân, được đa dạng hóa thương mại với nhiều nước và hưởng các ưu đãi về thuế quan.
Tuy nhiên, từ đây, các doanh nghiệp trong nước cũng chịu sự cạnh tranh khốc liệt với doanh nghiệp nước ngoài, trong khi các hàng rào phi thuế quan như kỹ thuật, quy định về xuất xứ hàng hóa của Việt Nam cũng chưa vững mạnh để tạo lợi thế cho các doanh nghiệp tận dụng, phát huy.
Đây là thách thức với các doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp vừa và nhỏ khi ra nhập TPP.
Vậy các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần làm gì để có thể đối mặt với khó khăn, tận dụng thời cơ phát triển trong sân chơi mới khi TPP chính thức có hiệu lực? Đây là câu hỏi được những nhà quản lý kinh tế cũng như các doanh nghiệp quan tâm thời gian qua.
Cả nước hiện có 400.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Mặc dù có số lượng không nhỏ nhưng các doanh nghiệp này lại yếu về vốn, công nghệ, năng lực quản lý, kinh nghiệm tiếp cận thị trường.
Cạnh tranh trong nước đã khó, khi Hiệp định TPP có hiệu lực và phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ doanh nghiệp lớn bên ngoài, những điểm yếu của khối doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ càng được bộc lộ rõ nét.
Chuyên gia kinh tế Đỗ Thiên Anh Tuấn cho biết: “Thực tế cho thấy, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động, từ việc tiếp cận nguồn lực như vốn, đất đai, tài nguyên và các cơ chế chính sách.
Họ sẽ gặp rất nhiều sức ép bất lợi khi đối mặt với sự hội nhập trong TPP, nơi mà cơ hội mở ra lớn nhưng thách thức cũng không hề nhỏ”.
Theo cam kết trong Hiệp định TPP, hàng hóa xuất khẩu vào thị trường này phải đạt tỷ lệ nội địa hóa từ 55% giá trị trở lên.
Do đó, yêu cầu về xuất xứ là thách thức với nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp đã chủ động nâng cao năng lực, sản xuất hàng hóa chất lượng cao.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đa phần các doanh nghiệp vẫn đang mù mờ thông tin về Hiệp định TPP.
Hạn chế này sẽ khiến doanh nghiệp gặp khó khăn, thậm chí thua thiệt về mặt pháp lý khi xảy ra tranh chấp kiện tụng.
“Sau khi chấm dứt đàm phán TPP, Việt Nam có đưa ra một số điểm nhưng chỉ là vắn tắt, chưa rõ ràng, trong khi mỗi ngành, mỗi doanh nghiệp đều cần hiểu rõ ràng những vấn đề liên quan tới họ", ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp TP.HCM cho biết.
Trên quan điểm này, TS Nguyễn Văn Ngãi - Trưởng khoa Kinh tế, ĐH Nông lâm TP.HCM - đã đưa ra một số kiến nghị đối với các cơ quan Nhà nước nhằm giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp:
“Các cơ quan Nhà nước cần hỗ trợ thông tin ngay cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cảnh báo về những thách thức của TPP.
Từ đây, doanh nghiệp sẽ hiểu sản phẩm của mình đang sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, thuận lợi gì khi hội nhập vào TPP..
Hỗ trợ thứ hai rất quan trọng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ là hỗ trợ về mặt pháp lý".
Tuy có quy nhỏ, gặp nhiều bất lợi so với các tập đoàn đa quốc gia trong quá trình tham gia sân chơi TPP nhưng có thể thấy, ưu điểm quan trọng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ nằm ở sự linh hoạt.
Tiếp nối những bài học từ WTO, dù lúc đầu còn khó khăn, nhưng Việt Nam đã có nhiều thương hiệu vươn ra thế giới đến từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Đồng thời, số lượng các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng không ngừng tăng theo từng năm.
Đây sẽ là cơ sở quan trọng để doanh nghiệp Việt Nam đặt hy vọng khi TPP có hiệu lực.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ