Mô hình kinh tế Doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản nhiều khó khăn, thách thức

Doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản nhiều khó khăn, thách thức

Ngày đăng 16/11/2015

Doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản nhiều khó khăn, thách thức

Thiếu nguyên liệu chất lượng

Hiện nay, một số doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản lớn của tỉnh Bình Thuận như: Công ty Hải Nam, Thaimex, Hải Thuận, Sơn Tuyền, Hải Phong Việt, Hải Tiến, Nam Hải...

là những doanh nghiệp chủ lực thuộc Hiệp hội Thủy sản.

Điển hình, Công ty Hải Nam là doanh nghiệp dẫn đầu với kim ngạch xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu chung.

Cụ thể, trong 9 tháng năm 2015, sản lượng xuất khẩu của công ty là 4.600 tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu 20,5 triệu USD.

Dự kiến cả năm, sản lượng xuất khẩu 7.000 tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 27 triệu USD và nộp ngân sách khoảng 5 tỷ đồng.

Tuy nhiên trong năm 2015, sự biến động của thị trường và rào cản kỹ thuật - thương mại của các nước nhập khẩu đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam nói chung và Bình Thuận nói riêng.

Đơn cử, xuất khẩu thủy sản 9 tháng năm 2015 của cả nước giảm 17% so cùng kỳ năm 2014...

Đối với ngành xuất khẩu thủy sản của tỉnh, nguồn nguyên liệu chính cho chế biến, do yếu tố mùa vụ mất mùa, sản lượng khai thác giảm nên giá tăng bình quân trên 5%, đã tạo nên giá thành sản xuất cao.

Theo đại diện Công ty Hải Nam, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp chính là nguồn nguyên liệu đầu vào, do không đạt chất lượng xuất khẩu và giá cao.

Hiện doanh nghiệp chỉ mua được 50% nguyên liệu trong tỉnh, 50% còn lại buộc phải mua từ các tỉnh khác và nhập khẩu từ nước ngoài.

Mặt khác, hiện nay khi Việt Nam tham gia Hiệp định TPP, góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu, nhưng vẫn tồn tại những rào cản về kỹ thuật thương mại (hóa chất cấm), dẫn đến các doanh nghiệp phải bỏ ra chi phí lớn để giải quyết vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đánh giá về hoạt động của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản trong tỉnh thời gian qua, ông Nguyễn Văn Thuận - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản cho biết, các doanh nghiệp thủy sản hầu hết đã có nhiều cố gắng, giữ được hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, để giữ uy tín với khách hàng và đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động, các doanh nghiệp phải cạnh tranh thu mua nguyên liệu.

Đây chính là lý do ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Khó khăn về lao động

Bên cạnh nguồn nguyên liệu đạt chất lượng bị thiếu hụt, hiện nay các doanh nghiệp nhỏ vẫn đang trong tình trạng thiếu mặt bằng, thiếu công nghệ sản xuất, thiếu vốn và còn lúng túng trong việc xúc tiến thương mại và tìm kiếm thị trường.

Hơn thế, tình hình lao động chưa có chiều hướng tích cực.

Nhất là lao động cho ngành sản xuất kinh doanh thủy sản bị tác động và xáo trộn.

Nguyên nhân cơ bản là nguyên liệu không ổn định, dẫn đến việc làm không ổn định.

Sự cạnh tranh lao động của các ngành nghề khác nên rất khó giữ chân người lao động.

Trong khi đó, đào tạo lao động có tay nghề trong ngành chế biến thủy sản cần có thời gian, đầu tư dài hạn hơn các ngành phổ thông khác.

Vì vậy, tình trạng thiếu lao động, nhất là lao động có tay nghề đang đặt ra áp lực rất lớn cho các doanh nghiệp thủy sản...

Nhằm tháo gỡ những khó khăn trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Thanh Cảnh đã đề nghị Hội Nghề cá phối hợp Hiệp hội Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn...

chọn 1 mô hình liên kết, hợp tác chuỗi từ đánh bắt, thu mua đến chế biến, từ đó rút kinh nghiệm để nhân rộng.

Mặt khác, đơn vị chức năng cần xử lý nghiêm, công khai các doanh nghiệp vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm...


Gạo và thủy sản Việt Nam cần làm gì để đón cơ hội từ TPP Gạo và thủy sản Việt Nam cần làm… Doanh nghiệp thủy sản lối mòn xuất khẩu Doanh nghiệp thủy sản lối mòn xuất khẩu