Độc đáo máy làm tiêu sọ và chưng cất tinh dầu
Tiêu sọ (tiêu trắng), luôn có giá bán cao hơn nhiều so với tiêu đen. Vì thế, nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh từ lâu đã chú trọng chế biến ra loại tiêu này. Tuy nhiên, cách chế biến tiêu sọ theo kiểu truyền thống thường gây ô nhiễm môi trường, hiệu quả kinh tế không cao.
Kỹ sư Nguyễn Minh Trúc giới thiệu máy chế biến tiêu sọ và chưng cất tinh dầu tiêu
Mấy năm nay, 2 kỹ sư Nguyễn Minh Trúc và Trần Vũ Hoàng, Cty TNHH 6H & T (số 28 Phan Đình Phùng, quận Tân Phú, TP.HCM) đã chế tạo thành công một loại máy làm tiêu sọ vừa mang hiệu quả kinh tế cao, vừa giải quyết được bài toán môi trường.
Máy chế biến tiêu sọ được kỹ sư Trúc và người thày là kỹ sư Hoàng bắt tay vào nghiên cứu chế tạo từ năm 2013. Ý tưởng chế tạo máy được nảy sinh một cách tình cờ. Giữa năm đó, khi đến giúp một nhà máy chế biến điều ở Bình Phước làm công nghệ chưng cất dầu vỏ hạt điều, 2 kỹ sư chợt thấy ở một góc sân nhà máy, người ta đang làm tiêu sọ. Nhìn cách làm tiêu sọ theo kiểu ngâm nước, vừa rất tốn nước, mất nhiều thời gian và gây ô nhiễm môi trường, 2 kỹ sư đều cho rằng cần phải chế tạo ra một cái máy làm tiêu sọ giải quyết được những vấn đề trên.
Sau mấy tháng mày mò, nghiên cứu, 2 kỹ sư đã chế tạo ra được một cái máy chế biến tiêu sọ. So với cách sản xuất tiêu sọ truyền thống, máy chế biến tiêu sọ của 2 kỹ sư thể hiện nhiều ưu điểm vượt trội. Trước hết, về mặt thời gian, trước đây, để làm được tiêu sọ từ tiêu đen, người ta phải mất ít nhất là 1 tuần ngâm tiêu trong nước.
Hiện tại, 2 kỹ sư vẫn đang làm những cái máy chỉ chế biến tiêu sọ theo đơn đặt hàng của các công ty. Đồng thời, họ đang hy vọng sớm có được sự quan tâm, đặt hàng của các doanh nghiệp về cái máy làm vừa làm tiêu sọ vừa chưng cất tinh dầu, khi mà những doanh nghiệp đó đã tìm được đầu ra cho sản phẩm tinh dầu tiêu.
Còn với cái máy này, chỉ hơn 1 tiếng đồng hồ, nhà sản xuất đã thu được sản phẩm tiêu sọ từ những hạt tiêu đen. Do không cần ngâm trong nước, nên sử dụng máy chế biến tiêu sọ không gây ra ô nhiễm môi trường nguồn nước. Lượng nước sử dụng trong quá trình chế biến tiêu sọ bằng máy rất ít, chỉ khoảng 0,6 lít/kg.
Tỷ lệ thu hồi và chất lượng tiêu sọ làm bằng máy của 2 kỹ sư cũng gây ấn tượng tốt. Lượng tiêu sọ thu hồi được đạt tới 78 - 80% (100kg tiêu đen thu được 78 - 80kg tiêu sọ), trong khi cách làm tiêu sọ kiểu cũ chỉ thu về 75%. Sở dĩ có điều này là vì khi làm tiêu sọ kiểu cũ, do ngâm nước nhiều ngày, những hạt tiêu sữa, tiêu còn non... sẽ bị tan hết. Còn làm tiêu sọ bằng máy, có thể thu hồi được tiêu sọ từ những hạt tiêu này. Tiêu sọ làm theo cách cũ, sau khi thu hồi, vẫn còn mùi hôi và chua. Khi làm bằng máy, tiêu sọ sau khi thu hồi có mùi thơm.
Với những ưu điểm vượt trội như trên, máy chế biến tiêu sọ của 2 kỹ sư đã thuyết phục được nhiều doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tiêu. Từ cuối năm 2015 đến nay, xưởng cơ khí của Cty 6H & T luôn bận rộn với đơn đặt hàng sản xuất máy chế biến tiêu sọ, mà khách hàng là những công ty đến từ các vùng sản xuất tiêu trọng điểm như Gia Lai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu... Trung bình mỗi tuần 2 kỹ sư làm được một cái máy chế biến tiêu sọ.
Một số doanh nghiệp lớn trong ngành hồ tiêu cũng đã tìm đến xưởng của 2 kỹ sư, xem xét máy móc và đề nghị đặt hàng với số lượng không nhỏ. Có một doanh nghiệp lớn đã đề nghị 2 kỹ sư không chỉ làm máy chế biến tiêu sọ mà làm hẳn một dây chuyền khép kín với nhiều khâu như sấy, rửa, tẩy ...
Không dừng lại ở đó, 2 kỹ sư còn nghiên cứu, tích hợp vào máy chế biến tiêu sọ bộ phận chưng cất tinh dầu tiêu. Ý tưởng này được nảy sinh từ một lần 2 kỹ sư làm hệ thống chiết xuất tinh dầu trầm hương cho một công ty nọ. Nhớ ra vỏ tiêu cũng chứa nhiều tinh dầu quý, 2 kỹ sư lên mạng tìm hiểu về vấn đề này và thấy người ta rao bán tinh dầu tiêu (dùng trong mỹ phẩm) với giá tới 19 triệu đồng/lít. Nhận thấy đây là một sản phẩm phụ nhưng lại có giá trị kinh tế lớn, 2 kỹ sư đã mày mò nghiên cứu, chỉnh sửa lại máy chế biến hạt tiêu theo hướng vừa tách bóc vỏ hạt tiêu để ra tiêu sọ, vừa chưng cất lấy tinh dầu tiêu. Đến nay, họ đã chế tạo thành công máy chế biến tiêu sọ và chưng cất tinh dầu tiêu. Cứ mỗi 1 tấn hạt tiêu đen, khi đem chế biến thành tiêu sọ, có thể lấy ra được 1 lit tinh dầu tiêu chất lượng tốt.
Theo ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) công nghệ chế biến tiêu sọ và chưng cất tinh dầu tiêu của 2 kỹ sư Trúc và Hoàng là một sáng chế độc đáo, hiện chưa thấy có trên thế giới. Với công nghệ này, nhà sản xuất, xuất khẩu hạt tiêu đã có thể sản xuất được tiêu trắng không gây ô nhiễm nguồn nước và đạt hiệu quả kinh tế cao.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ