Độc đáo những vườn cây liên kết
Ngay trên những vùng đất phèn đỏ quạch, đất đồi núi khô cằn ở huyện Tri Tôn, nhiều nông dân (ND) đã mạnh dạn cải tạo, phát triển thành những vườn cây ăn trái xanh um, trĩu quả. Đây là hướng đi mới mang lại giá trị kinh tế cao.
Mô hình kết hợp trồng chanh không hạt, trồng bưởi giữa hồ nước
Vườn cam cặp rừng tràm
Đó là hình ảnh rất thú vị khi có dịp tham quan rừng tràm Bình Minh (xã Tà Đảnh, Tri Tôn). Trên con đê ngút ngàn giữa 2 bên là tràm và ruộng lúa, đến cuối rừng tràm bỗng xuất hiện căn biệt thự bề thế, 1 nhà nuôi yến được xây dựng vững chãi cùng vườn cam rộng hơn 5ha đang cho trái. Những thân cam mới được khoảng 2,5 năm tuổi, có cây còn thấp hơn đầu người nhưng sai trĩu quả, nhìn mê mắt.
Đó là vườn cam của ông Nguyễn Thanh Tâm, người gắn bó nhiều năm với khu vực ven rừng tràm Bình Minh với trang trại bò và nghề trồng lúa. Dù lúa ở vùng đất phèn đạt năng suất khá nhưng nhận thấy hiệu quả chưa cao nên ông Tâm quyết định chuyển đổi sang vườn cam. Ông bỏ kinh phí đầu tư hệ thống đê bao trên diện tích hơn 5ha, thuê xáng múc lên liếp, nghiên cứu lắp đặt hệ thống péc phun sương tự động… Để kiểm tra sự thích ứng của cây cam với vùng đất phèn, ông cùng những người thợ làm vườn xuống Tiền Giang tham quan mô hình, mua giống cam sành về trồng thử nghiệm trên 4 công đất cặp căn biệt thự. “Vườn cam thử nghiệm này đã thu hoạch được 2 đợt trái, năng suất từ 5 - 6 tấn/công tầm cắt (gần 1.300m2). Năm rồi, thương lái vào thu mua với giá khoảng 14.000 - 15.000 đồng/kg. So với những cây trồng khác, đây là mô hình cho hiệu quả cao hơn rất nhiều” - anh Huỳnh Công Chánh (thường gọi là Lợi, quản lý vườn cam của ông Tâm) chia sẻ.
Nhận thấy cây cam thích ứng tốt với vùng đất phèn, cách nay khoảng 2,5 năm, ông Tâm quyết định mang giống từ Tiền Giang về trồng toàn bộ diện tích đã đê bao. Việc chăm sóc vườn khá đơn giản bởi đã có hệ thống tưới tự động. Vườn cam hiện cho trái bình quân bằng cổ tay, dự kiến khoảng tháng 2 (âm lịch) năm Kỷ Hợi (2019) sẽ cho thu hoạch. “Cây cam sành từ khi ra trái đến khi thu hoạch khoảng 9 tháng. Thường cam cho 2 đợt trái chín/năm. Cam là loại cây ít bệnh nên dễ quản lý” - anh Lợi thông tin.
Theo người quản lý vườn cam, chi phí đầu tư bình quân cho 1 công cam khoảng 40 triệu đồng, sau 2 - 3 năm mới có thể thu hoạch. Tuy nhiên, đây là loại cây có năng suất, giá bán cao nên giá trị kinh tế mang lại rất lớn (doanh thu hơn 70 triệu đồng/công). Để đa dạng hóa cây trồng, ông Tâm còn kết hợp trồng chanh không hạt quanh bờ bao, trồng bưởi da xanh, bưởi Năm Roi trong những ô đất giữa hồ nước nơi đầu vườn cam.
Mạnh dạn chuyển đổi
Trên tuyến đường cặp kênh Võ Văn Kiệt (kênh T5 trước đây), giữa mênh mông là ruộng lúa, ông Nguyễn Văn Sao quyết định đầu tư hệ thống đê bao, lên liếp trồng 6ha mãng cầu xiêm ghép gốc bình bát, xen canh bưởi da xanh ở khu vực ấp Vĩnh Thành (xã Vĩnh Phước, Tri Tôn). Vườn cây được hơn nửa năm tuổi tỏ ra thích ứng tốt với vùng đất còn nhiễm phèn khá nặng. “Trước đây, tôi làm lúa 2 vụ nhưng thấy hiệu quả không được cao nên chuyển sang làm vườn. Tính ra chi phí đầu tư làm đê bao, lên liếp, tự thiết kế hệ thống tưới nhỏ giọt, thuê nhân công, cây giống… đến nay hết khoảng 900 triệu đồng. Đối với kỹ thuật ghép mãng cầu xiêm trên gốc bình bát, tôi đi học ở Tiền Giang rồi về tự áp dụng. Tôi trồng mãng cầu xiêm với khoảng cách giữa các cây khoảng 4m, cứ cách 2 hàng lại trồng xen bưởi da xanh nhưng chủ yếu là mãng cầu xiêm” - ông Sao thông tin.
Theo lời ông chủ vườn sinh năm 1968, khoảng 2 năm nữa, vườn mãng cầu xiêm sẽ cho thu hoạch. Qua tham quan mô hình, ông nhận thấy mãng cầu xiêm ghép gốc bình bát cho năng suất cao, giá bán tốt, thị trường tiêu thụ khá rộng nên kỳ vọng sẽ đạt hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều mô hình khác.
Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tri Tôn Lý Văn Chính cho biết, việc chuyển đổi những vùng trồng lúa kém hiệu quả sang vườn cây ăn trái đang được địa phương khuyến khích, nhất là các vùng đất còn nhiễm phèn, đất ven triền núi điều kiện canh tác khó khăn. “Ngoài các vùng ND tự lên đê bao trồng vườn cây ăn trái ở Vĩnh Phước, Tà Đảnh, huyện Tri Tôn đã quy hoạch vùng trồng 1.000ha nhãn Ido ở vùng đất phèn xã Tân Tuyến, hiện nay đã trồng được khoảng 50ha, hiệu quả khá tốt. Ngoài ra, còn phát triển được hơn 230ha chuối cấy mô ở Vĩnh Phước, Vĩnh Gia, Tân Tuyến… Trước đây, ở các vùng đất dưới chân núi Dài, núi Cô Tô, người dân có trồng xoài nhưng hiệu quả chưa cao. Huyện đã khuyến khích ND liên kết lại, chọn lựa các giống xoài có giá trị cao như: xoài cát Hòa Lộc, xoài ba màu, xoài keo… Đến nay, Tổ hợp tác làm vườn bến Bà Chi (xã Lê Trì) đã phát triển được 120ha, xã Ô Lâm 30ha, xã Lương Phi 200ha… Đây là hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập cho ND cũng như tăng giá trị trên cùng đơn vị diện tích” - ông Chính nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ