Đổi mới ngành mía đường
“Nâng cao năng lực cạnh tranh mía đường chuẩn bị hội nhập ASEAN” là chủ đề Hội thảo mía đường quốc tế lần thứ 3 do Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) tổ chức ngày 16/7 tại TP Nha Trang.
TS Raffaella Rossetto, Viện Nghiên cứu mía đường Sao Paulo, Brazil, cho biết, Brazin là nước sản xuất và xuất khẩu đường lớn nhất thế giới với diện tích 9 triệu ha, mỗi năm ép 550 – 600 triệu tấn mía nguyên liệu.
Sự dẫn đầu ngành mía đường thế giới của Brazin là nhờ giảm chi phí sản xuất, do năng suất và hiệu quả sản xuất ở cả nông nghiệp và công nghiệp. Ngoài năng suất cao, bình quân đạt 79 tấn/ha, năng suất đường đạt 135kg/tấn mía thì đa dạng hóa sản phẩm đã giúp cho ngành mía đường có giá thành thấp.
Nếu như năm 2006 – 2007 thu nhập từ đường chiếm 57% thì đến năm 2014 thu nhập từ đường chỉ còn 32%, các nguồn thu khác như sản xuất cồn, điện, phân vi sinh... đóng vai trò rất quan trọng.
Ở Brazin ngành đường đã chuyển hóa thành ngành năng lượng nông nghiệp thay thế nhiên liệu hóa thạch và tham gia đóng góp công suất 15% tổng năng lượng tiêu thụ cả nước…
Ông Rangsit Hiangrat, Tổng Giám đốc Cty Sản xuất mía đường Thái Lan cho biết, Thái Lan hiện có 51 nhà máy hoạt động với công suất 940.000 TMN, trung bình mỗi nhà máy đạt 18.000 – 20.000 TMN, tại các nhà máy đường đặt luôn nhà máy phát điện từ bã mía và nhà máy sản xuất cồn để giảm chi phí vận chuyển.
Trong những năm gần đây diện tích mía của Thái Lan tăng nhanh chóng, mỗi năm sản xuất được 103 triệu tấn mía và 11,29 triệu tấn đường, ngành mía đường mỗi năm tạo ra 6 tỷ USD và tạo công ăn việc làm, thu nhập cho 300 ngàn hộ nông dân.
Sự thành công này là nhờ vào yếu tố như giá mía hấp dẫn, chính sách mở rộng và di dời nhà máy tạo điều kiện cho mở rộng vùng nguyên liệu. Mặt khác cơ hội cung cấp đường cho các quốc gia châu Á có nhu cầu lớn trong khi chi phí vận chuyển rẻ đã khiến giá đường Thái Lan có tính cạnh tranh rất mạnh.
Nhờ vậy hiện nay Thái Lan là nước sản xuất đường thứ 5 trên thế giới và thứ 2 về xuất khẩu đường. Mặc dù vậy ngành mía đường nước này hiện cũng gặp không ít thách thức, đó là: Trên 80% diện tích mía phụ thuộc vào nguồn nước mưa, 80% sản lượng mía thu hoạch thủ công khiến chi phí tăng cao do phải nhập lao động từ Myanmar, Lào, Campuchia, hệ thống vận chuyển, cơ sở hạ tầng…
Đối với ngành mía đường Việt Nam, ông Nguyễn Bái Dương, Trưởng phòng Chế biến và Bảo quản nông sản, Cục Chế biến Nông Lâm sản và Nghề muối cho biết, Việt Nam có diện tích mía khoảng 300.000ha, năng suất bình quân vụ cao nhất cũng mới chỉ đạt 65 tấn/ha, chữ đường bình quân đạt 10CCS, cả nước có 41 nhà máy mía đường hoạt động với công suất 140.000 TMN và 1 nhà máy đường tinh luyện từ đường thô.
Thực trạng ngành mía đường Việt Nam hiện nay có sức cạnh tranh yếu là do giá thành nguyên liệu cao chiếm 70 – 80% giá thành sản xuất đường, giá thành mỗi kg đường của Việt Nam từ 8.000 - 10.000 đồng, cao hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực.
Nguyên nhân là do nông nghiệp chưa đạt đến trình độ cao, ruộng đất manh mún, hạ tầng cơ sở yếu . Vì các yếu tố đó nên việc áp dụng cơ giới hóa, tưới và các tiến bộ kỹ thuật về trồng trọt rất hạn chế, năng suất chất lượng mía thấp, chi phí vận chuyển cao.
Mặt khác công nghiệp sản xuất đường hiện nay phần lớn nhà máy ở mức trung bình nên hiệu quả sản xuất thấp, hiện chỉ có 1/3 tổng số nhà máy có công suất lớn.
Ngoài ra việc tận dụng để sản xuất các sản phẩm từ phế, phụ phẩm của ngành đường để nâng cao hiệu quả sản xuất chưa được quan tâm đúng mức. Mặc dù tiềm năng phát điện từ bã mía rất lớn nhưng số nhà máy phát điện từ bã mía hiện nay cũng chỉ có 8 nhà máy...
Những nguyên nhân nội tại ở trên đã khiến cho ngành mía đường Việt Nam còn nhiều yếu kém, nếu không nhanh chóng có những giải pháp sẽ bị thua ngay trên sân nhà.
Với mục tiêu sản xuất đường đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu khi cần thiết. Cụ thể đến năm 2020 giữ ổn định vùng nguyên liệu 300.000ha, năng suất bình quân đạt 75 tấn/ha, chữ đường bình quân đạt 12CCS.
Về sản xuất đường tổng công suất thiết kế các nhà máy đạt 170.000 TMN, rút ngắn thời gian sản xuất của các nhà máy còn 120 ngày/vụ, sản lượng đường đạt 2,1 – 2,2 triệu tấn, trong đó đường tinh luyện chiếm 70%.
Để thực hiện các mục tiêu trên, theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám, ngành mía đường phải có những giải pháp căn bản trong thời gian tới.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản xuất mía nguyên liệu như quy hoạch phát triển mía đường đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; tạo đột phá về giống, nhanh chóng nghiên cứu và đưa vào áp dụng các biện pháp thâm canh cho từng loại giống trên từng địa bàn, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất để tăng năng suất lao động, giảm tổn thất sau thu hoạch, nghiên cứu xây dựng thủy lợi và kỹ thuật tưới cho từng địa bàn…
Đa dạng hóa sản phẩm, tận thu phế phẩm để nâng cao hiệu quả sản xuất; các nhà máy đường phải tiếp tục đầu tư chiều sâu, nâng cao tỷ lệ tự động hóa, áp dụng các thiết bị tiên tiến để nâng cao năng suất lao động, hiệu suất thu hồi vốn, chuyển đổi dần sang sản xuất đường tinh luyện để phù hợp với thị trường; ngoài ra phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật đối với hoạt động sản xuất và kinh doanh mía đường đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc tế, trao đổi học tập kinh nghiệm các nước về tiến bộ trong quản lý, khoa học công nghệ sản xuất mía đường.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ