Mô hình kinh tế Đối phó dịch lở mồm long móng

Đối phó dịch lở mồm long móng

Ngày đăng 25/06/2015

Đối phó dịch lở mồm long móng

Dịch gây hại ở nhiều nơi

Ông Bùi Thanh Việt – Trưởng trạm Thú y huyện Thăng Bình cho biết, trong vòng một tuần trở lại đây vi rút gây bệnh LMLM xuất hiện tại thôn Ngọc Sơn Đông, xã Bình Phục khiến 7 con bò và 1 con heo nái bị nhiễm dịch. Ngay sau khi nhận được tin báo, đơn vị lập tức cử các cán bộ kỹ thuật về địa phương hỗ trợ lực lượng thú y cơ sở và người chăn nuôi triển khai cấp bách những biện pháp phòng chống để nhanh chóng khống chế sự phát tán của mầm bệnh. Nhằm sớm khoanh vùng dập dịch, các cơ quan có trách nhiệm ở Thăng Bình đã tiến hành tiêu hủy bắt buộc 1 con heo nái và cách ly 7 con bò bị nhiễm vi rút LMLM ra khỏi đàn để thực hiện việc điều trị, sát trùng những vết thương trên cơ thể. Đồng thời khẩn trương huy động lực lượng, phương tiện, hóa chất tổ chức vệ sinh chuồng trại và phun tiêu độc, khử trùng trên phạm vi rộng.

Không riêng gì huyện Thăng Bình, từ cuối tháng 5 đến nay dịch LMLM cũng đã gây hại rải rác tại nhiều địa phương khác của tỉnh như Quế Sơn, Đại Lộc, Đông Giang, Hiệp Đức khiến ít nhất 80 con gia súc bị mắc bệnh. Theo ngành nông nghiệp, nguyên nhân chủ yếu làm tái bùng phát dịch là việc vận chuyển, buôn bán gia súc trái phép vẫn diễn ra thường xuyên tại nhiều nơi. Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước trong hoạt động sản xuất, kinh doanh giống và chăn nuôi gia súc ở các địa phương không được chú trọng. Ý thức chấp hành pháp luật thú y của người tham gia vận chuyển, kinh doanh động vật chưa tốt. Đặc biệt là khâu tiêm phòng chưa thực hiện theo đúng quy trình và tỷ lệ đàn gia súc được chích ngừa vắc xin trong đợt 1 năm 2015 đạt thấp.

Ông Nguyễn Thành Nam – Chi cục trưởng Chi cục Thú y Quảng Nam cho biết, theo chỉ đạo của UBND tỉnh thì đợt 1 năm 2015 phải đảm bảo có tối thiểu 80% tổng đàn gia súc được tiêm phòng vắc xin LMLM. Thế nhưng, thực tế cho thấy khi kết thúc đợt cao điểm này toàn tỉnh chỉ có 67,57% tổng đàn gia súc được chích ngừa loại vắc xin này. Tuy nhiên, đây chỉ là con số bình quân của tỉnh còn tại một số nơi tỷ lệ tiêm phòng đạt rất thấp, chẳng hạn như Nam Trà My 47,46%, Phước Sơn 51,4%, Nam Giang 52,19%, Thăng Bình 55,64%, Tiên Phước 55,59%, Hội An 57,18%, Đông Giang 59,55%, Duy Xuyên 61,7%.

Nỗ lực đối phó

Theo ông Nguyễn Thành Nam, trước những diễn biến khó lường của bệnh LMLM, thời gian qua Chi cục Thú y tỉnh đã đề nghị chính quyền các địa phương tăng cường công tác chỉ đạo phòng chống dịch nhằm kịp thời ngăn chặn sự phát tán của vi rút gây bệnh. Ông Nam nói: “Ngoài việc điều động các cán bộ kỹ thuật về đứng điểm tại một số nơi để hỗ trợ đội ngũ thú y cơ sở đối phó hiệu quả với dịch, trong những ngày qua chúng tôi cũng đã chi viện cho nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh 5 nghìn liều vắc xin cùng 800 lít hóa chất các loại để tổ chức tiêm phòng bổ sung cho đàn gia súc và thực hiện đồng loạt khâu vệ sinh môi trường, phun tiêu độc khử trùng trên diện rộng”.

Để đảm bảo có tối thiểu 80% tổng đàn gia súc được chích ngừa vắc xin LMLM theo yêu cầu của UBND tỉnh thì trong thời gian tới toàn tỉnh phải tiến hành tiêm phòng bổ sung ít nhất 25 nghìn liều vắc xin. Vậy, liệu nguồn vắc xin có đủ cung ứng cho các địa phương thực hiện đợt tiêm bổ sung này? Về vấn đề trên, ông Nguyễn Thành Nam khẳng định: “Từ nguồn của Trung ương hỗ trợ và của tỉnh mua dự trữ, tôi chắc chắn rằng sẽ chủ động cung ứng đủ lượng vắc xin. Hiện nay tại kho của Chi cục Thú y cũng đang có 4 tấn hóa chất sát trùng các loại, nếu chính quyền các địa phương yêu cầu chi viện thì chúng tôi sẵn sàng đáp ứng”.

Siết chặt công tác kiểm soát giết mổ để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Ảnh: N.S

Ngoài sự vào cuộc quyết liệt của Chi cục Thú y thì lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh cũng có những động thái tích cực trong công tác phòng chống dịch LMLM. Mới đây, ông Lê Muộn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT đã có công văn đề nghị UBND các địa phương trên toàn tỉnh khẩn trương chỉ đạo chính quyền cấp xã tiến hành rà soát các thôn, tổ có tỷ lệ tiêm phòng đạt thấp để nhanh chóng tổ chức tiêm bổ sung, kể cả tiêm nhắc lại mũi thứ 2 sau 3 - 4 tuần đối với những gia súc tiêm lần đầu theo đúng quy trình nhằm đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng đạt tối thiểu 80% tổng đàn.

Cạnh đó, lập cam kết với tất cả đối tượng liên quan đến việc vận chuyển, kinh doanh gia súc trên địa bàn, yêu cầu chấp hành nghiêm những quy định về vận chuyển, kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật. Chú trọng đến khâu khai báo xuất, nhập đàn để quản lý và thực hiện công tác kiểm dịch theo quy định…

Lãnh đạo Sở NN&PTNT còn đề nghị đối với những địa phương đang có bệnh LMLM thì cần huy động mọi nguồn lực xử lý, khống chế nhanh các ổ dịch, không để lây lan diện rộng. Theo đó, tổ chức tiêm phòng vắc xin bao vây, vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng khu chăn nuôi, bãi chăn thả và vận động người dân không được chăn thả gia súc đang còn mắc bệnh LMLM để hạn chế vi rút phát tán. Để việc đối phó với bệnh LMLM mang lại hiệu quả, ngành nông nghiệp tỉnh đề nghị chính quyền các địa phương trên toàn tỉnh khẩn trương phân công từng thành viên trong ban chỉ đạo tăng cường kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc công tác giám sát dịch và khâu tiêm phòng vắc xin bổ sung ở từng địa phương.


Ngư dân kêu cứu Ngư dân kêu cứu Sản xuất vụ mùa, vụ đông ở Thanh Sơn Sản xuất vụ mùa, vụ đông ở Thanh…