Mô hình kinh tế Đối tượng nuôi mới nhiều triển vọng

Đối tượng nuôi mới nhiều triển vọng

Ngày đăng 15/06/2015

Đối tượng nuôi mới nhiều triển vọng

Anh Nguyễn Văn Phụng, ngụ thôn Minh Xuân, xã Long Mai (Minh Long, Quảng Ngãi) cho biết, tuy rằng đã chăm sóc 7ha keo cùng 4 con bò, nhưng anh vẫn muốn lao động nhiều hơn nữa để tăng thu nhập. Vì vậy anh dự định mở rộng thêm mô hình chăn nuôi để phát triển kinh tế.

May mắn trong một lần lên Gia Lai thăm người thân, anh Phụng có dịp tham quan trang trại nuôi rắn hổ trâu. Tại đây, sau khi tìm hiểu kỹ đặc tính của loài rắn này, nhận ra nó có thể giúp mình làm giàu, anh bỏ ra 7 triệu đồng mua 30 con rắn giống về nuôi. Anh Phụng cho biết, rắn hổ trâu là loài bò sát sinh trưởng nhanh, dễ thích nghi với môi trường sống mới. Thức ăn của chúng là những thứ dễ tìm như chuột, ếch, nhái có thể bắt ngoài đồng ruộng và các phế phẩm gia súc, gia cầm… Rắn thích sống trong bóng tối nên chuồng trại cần xây khép kín, tránh ánh sáng, chỉ cần chừa một ô nhỏ để duy trì không khí, nhưng cần rào lưới chắc chắn để rắn không thoát ra ngoài.

“Chi phí chăn nuôi không tốn kém là bao. Chuồng trại cũng không cần đầu tư nhiều. Và đặc biệt hơn nữa là loài rắn này khá hiền, không có độc nên mình rất yên tâm khi nuôi”, anh Phụng chia sẻ thêm.

Sau một năm nuôi, trọng lượng rắn đạt từ 2 - 2,5 kg/con. Rắn 10 tháng tuổi đã sinh sản. Theo anh Phụng, rắn con sau khi nở, cần tách riêng chúng ra. Mỗi con cần bố trí một diện tích nhỏ với bề rộng chỉ cần 15 - 20cm, bên dưới lót ván, xung quanh bọc lưới, để tránh tình trạng con lớn nuốt con bé. “Khi rắn đạt trọng lượng 1,5 kg/con đã có thương lái hỏi mua với giá 3 triệu đồng. Chỉ cần bán 2 con là đã có thể thu lại tiền vốn. Sắp tới mình sẽ xây thêm hồ nuôi ếch, vừa giải quyết được nguồn thức ăn lâu dài cho rắn, vừa là để tăng thêm thu nhập”, anh Phụng nói.

Cũng như anh Phụng, anh Thới Ngọc Trung ở thôn Tân Long Trung, xã Ba Động (Ba Tơ) là người chăm chỉ làm việc. Hằng ngày, ngoài việc đồng áng, trồng keo và nuôi vài con bò, anh luôn dành thời gian truy cập internet tìm hiểu nhiều giống vật nuôi; hoặc có ai giới thiệu ở đâu có mô hình chăn nuôi hay anh đều cất công đi học hỏi. Việc nuôi chồn hương tình cờ đến với anh từ một lần anh sang huyện Nghĩa Hành tham quan trang trại của anh Hồ Duy Trung.

Để gần hơn với ước mơ làm giàu của mình, anh Thới Ngọc Trung mua 2 con chồn hương với giá 3 triệu đồng về nuôi. “Mỗi con chồn mẹ đẻ từ 3 đến 4 lần trong năm. Mỗi lần có thể đẻ đến 8 con. Sau 6 tháng, chồn hương đạt trọng lượng từ 1 đến 1,5 kg/con. Mình cứ nuôi theo phương châm “tích tiểu thành đại”. Chỉ sau một năm, từ hai con giống đến nay mình đã sở hữu đàn chồn hương hơn 30 con”, anh Trung cho biết.

Hiện tại, chồn hương có giá 1 triệu đồng/kg thịt hơi, nhưng anh Thới Ngọc Trung vẫn chưa xuất ra thị trường vì để mở rộng quy mô chăn nuôi. Chồn hương đực trưởng thành anh mang đi trao đổi tại trang trại của anh Hồ Duy Trung để tránh tình trạng cận huyết.

Ông Bùi Công Đức-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ba Động cho biết, chồn hương chỉ ăn một lần vào ban đêm. Mỗi lần chúng ăn đôi ba trái chuối, thêm ít cá, phổi heo, bò nên chi phí không nhiều. Chồn hương ít bị bệnh, rất phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương. Tuy nhiên, bà con nơi đây rất ngại thay đổi, tiếp nhận cái mới, nhưng nhờ anh Trung chịu khó tìm tòi, học hỏi, tiên phong trong chăn nuôi nên bà con làm theo. Nuôi chồn hương không chỉ đem lại lợi nhuận mà còn góp phần bảo vệ, phát triển động vật hoang dã, hạn chế tình trạng săn bắt ngoài tự nhiên.


Giúp hộ dân tộc thiểu số nghèo nuôi dê Giúp hộ dân tộc thiểu số nghèo nuôi… Làm giàu từ mô hình nuôi gà, ngan đẻ trứng Làm giàu từ mô hình nuôi gà, ngan…