Đồng Bằng Sông Cửu Long gỡ khó xuất khẩu nông thủy sản
Khó khăn từ nhiều phía
Theo Bộ NN-PTNT, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 5-2015 ước đạt 2,37 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 5 tháng đầu năm là 11,4 tỷ USD, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm 2014. Đáng lo ngại là nhiều mặt hàng chủ lực đồng loạt sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, khối lượng gạo xuất khẩu 5 tháng đầu năm ước đạt 2,4 triệu tấn, giá trị 1,05 tỷ USD, giảm 11,4% về khối lượng và giảm 14,6% về giá trị; thủy sản xuất khẩu đạt 2,41 tỷ USD, giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái; cà phê ước đạt 1,2 tỷ USD, giảm 38,2%; cao su ước đạt 464 triệu USD, giảm 5,2%...
Giải thích về nguyên nhân xuất khẩu nông thủy sản giảm mạnh, Bộ Công thương cho rằng, thời gian qua nguồn cung các mặt hàng nông thủy sản trên thế giới dồi dào, dẫn đến tính cạnh tranh gay gắt. Chẳng hạn như xuất khẩu gạo của Việt Nam phải cạnh tranh dữ dội với Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan; trong khi các thị trường chủ lực như Trung Quốc, Malaysia, Indonesia… đang “đóng băng”, những thị trường xa thì chưa có dấu hiệu khởi sắc. Đối với xuất khẩu tôm phải căng sức với Thái Lan, Ấn Độ, bởi 2 nước này có sản lượng tôm phục hồi khá mạnh. Có thể nói, những thị trường lớn của nước ta như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản đều giảm nhu cầu nhập khẩu, trong khi một số thị trường mới, thị trường tiềm năng thì chưa phát huy. Mặt khác, do tác động của giá dầu thô trên thế giới giảm, đồng USD tăng… khiến việc xuất khẩu nông thủy sản không như mong muốn.
Ông Lê Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, trăn trở, xuất khẩu tôm từ đầu năm đến nay ì ạch, kim ngạch giảm tới 32% so cùng kỳ, bởi thị trường EU, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc… giảm nhập khẩu; thế là các doanh nghiệp ùn ùn đưa hàng sang thị trường Hoa Kỳ dẫn tới giá tôm tại thị trường này liên tục giảm. Do xuất khẩu chậm đã kéo giá tôm nguyên liệu giảm mạnh, làm cho hàng loạt hộ nuôi gặp khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Gò Đàng, cho biết: “Cá tra của Việt Nam dù được xem là mặt hàng “một mình một chợ” trên thế giới nhưng xuất khẩu luôn gặp khó, đơn hàng từ đầu năm đến nay giảm nhiều. Nguyên nhân chính là do thị trường châu Âu giảm nhập khẩu, đồng eur mất giá, nên cá tra không bứt lên được. Xuất khẩu không khả quan nên người nuôi cá ở ĐBSCL tiếp tục phập phồng, bởi giá cá dao động ở mức thấp”.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, từ quý 3 trở đi, nhất là thời điểm đầu quý 4 hàng năm là giai đoạn “bứt phá” của xuất khẩu thủy sản. Mặc dù, những tháng qua tình hình xuất khẩu giảm, nhưng với bản lĩnh và kinh nghiệm nhiều năm trên thương trường thì các doanh nghiệp thủy sản luôn biết “chạy nước rút” để về đích. Theo ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Gò Đàng, các doanh nghiệp đang hy vọng tín hiệu thị trường tiêu thụ sản phẩm cá tra sẽ khởi sắc trở lại trong thời gian tới và nếu châu Âu phục hồi tốt thì mọi việc sẽ rất thuận lợi. “Ngành cá tra đang dồn sức để vượt qua giai đoạn khó khăn này. Cùng với việc khôi phục thị trường truyền thống, xúc tiến thương mại thị trường mới… Vấn đề quan trọng không kém là các doanh nghiệp cần tái cấu trúc về quản trị; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để chế biến nhiều sản phẩm giá trị gia tăng, giảm xuất khẩu sản phẩm phi lê đông lạnh như lâu nay” - ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam nói.
UBND tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh: Khôi phục thị trường xuất khẩu là nhiệm vụ cấp bách hiện nay. Song về lâu dài, Đồng Tháp đang thay đổi một cách mạnh mẽ về nghề nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra phù hợp với tình hình mới. Chủ trương của tỉnh là tăng cường liên kết giữa người nuôi và doanh nghiệp, thông qua sự hỗ trợ vốn của ngân hàng, sự thống nhất quy hoạch của ngành chức năng.
Đối với con tôm, các doanh nghiệp xuất khẩu dự báo: Hiện tại sản lượng tôm tồn kho của các nước nhập khẩu vẫn còn và dự báo tiêu thụ đến hết tháng 6 này, cộng với yếu tố bất lợi về tỷ giá đang giảm dần… Vì thế, nhiều khả năng xuất khẩu tôm sẽ sôi động trở lại từ quý 3-2015. Tuy nhiên, trở ngại lúc này là sản lượng tôm của Thái Lan, Trung Quốc… đang chiếm tỷ trọng lớn sẽ dẫn tới áp lực cạnh tranh gay gắt và giá xuất khẩu sẽ khó tăng cao như các năm 2013 và 2014. Trước tình hình trên, UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo các ngành liên quan theo dõi chặt diễn biến thị trường, kịp thời thông tin về giá cả, nhu cầu về chủng loại tôm sú hay tôm thẻ, kích cỡ nhỏ lớn… để doanh nghiệp và người nuôi nắm, nhằm có phương án xuất khẩu phù hợp.
Ngoài ra, việc Việt Nam vừa ký kết Hiệp định thương mại tự do với Liên minh kinh tế Á - Âu thì hàng hóa Việt Nam, nhất là thủy sản sẽ có nhiều cơ hội xuất khẩu vào thị trường này. VASEP lưu ý, những năm qua Nga cho thấy là thị trường quan trọng của thủy sản Việt Nam. Việc ký hiệp định lần này sẽ giúp thuế suất hàng thủy sản Việt Nam vào Nga giảm từ 10% xuống 0%; đây là một thuận lợi lớn cho hàng thủy sản, nhất là sản phẩm cá tra. Mới đây, tại buổi gặp gỡ các doanh nghiệp đầu tư vào Liên bang Nga. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhắc nhở: Liên bang Nga là thị trường quan trọng với hơn 140 triệu dân. Hiện tại nhu cầu tiêu thụ sản phẩm của người Nga khá cao, do đó các doanh nghiệp cần thay đổi suy nghĩ, không xem Nga là thị trường dễ tính nữa. Vì vậy, cần tăng cường chế biến các sản phẩm chất lượng cao để xuất khẩu vào thị trường Nga; có như vậy mới đem lại hiệu quả.
Theo Cục Trồng trọt, hiện tại vụ hè thu 2015 nông dân các tỉnh ĐBSCL gieo sạ khoảng 1.659.985ha, giảm 8.315ha so cùng kỳ. Mặc dù, Cục Trồng trọt và Hiệp hội Lương thực Việt Nam khuyến cáo các địa phương chỉ nên sử dụng giống lúa IR 50404 trong vụ hè thu này không quá 10% diện tích, nhưng thực tế nông dân ĐBSCL vẫn ào ạt gieo sạ lúa IR 50404 với tỷ lệ hơn 24%. Đáng lo ngại là nhiều diện tích trồng kiểu tự phát, không có hợp đồng hoặc theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Trong khi vụ hè thu thường thu hoạch vào thời điểm mùa mưa, sẽ ảnh hưởng chất lượng gạo. Nếu thị trường xuất khẩu gạo tới đây chậm cải thiện thì việc tiêu thụ lúa dự báo sẽ gặp khó.
Xung quanh việc 2 tấn vải thiều của Việt Nam lần đầu tiên vừa được xuất khẩu đi Hoa Kỳ và sắp tới sẽ đi Australia, ngày 1-6, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, đây là các thị trường chặt chẽ, khó tính với các mặt hàng nông sản và quy trình để làm thủ tục đưa mặt hàng mới thường mất 5 - 8 năm (quả vải sang hai nước này cũng mất 4 - 5 năm). Do vậy, việc xuất khẩu vải vào Hoa Kỳ, Australia đánh dấu nỗ lực lớn trong việc mở thị trường, sự phối hợp vùng sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, việc kỳ vọng xuất khẩu lượng lớn vải vào các nước nêu trên sẽ khó có thể tiến hành trong 1 - 2 năm.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ