Mô hình kinh tế Đồng Bằng Sông Cửu Long Tìm Lời Giải Để Phát Triển Ca Cao Bền Vững

Đồng Bằng Sông Cửu Long Tìm Lời Giải Để Phát Triển Ca Cao Bền Vững

Ngày đăng 09/09/2014

Đồng Bằng Sông Cửu Long Tìm Lời Giải Để Phát Triển Ca Cao Bền Vững

Hơn 10 năm qua, cây ca cao có bước phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng, góp phần tăng thu nhập đáng kể cho người nông dân. Song, cũng như các loại cây trồng khác, việc phát triển trong giai đoạn đầu trải qua không ít khó khăn, cần rút kinh nghiệm, tìm giải pháp phát triển bền vững cây trồng này trong thời gian tới.

THOÁI TRÀO

Bến Tre là tỉnh đi đầu trong cả nước về phát triển cây ca cao, chủ yếu theo hình thức xen canh vườn dừa. Mô hình xen canh này trong những năm qua đã cho thấy tính hiệu quả, giúp tăng thu nhập đáng kể cho người dân. Tuy nhiên, thời gian gần đây, hàng loạt diện tích ca cao trong tỉnh này đã bị chặt bỏ.

Bà Phan Thị Thu Sương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre, cho biết: Thống kê vào cuối năm 2012, toàn tỉnh có 10.000 ha ca cao. Từ năm 2013 đến nay, diện tích ca cao giảm xuống còn 5.100 ha. Hầu hết diện tích ca cao bị chặt bỏ ở những vườn không được quan tâm chăm sóc hay chăm sóc không đúng kỹ thuật; công tác hướng dẫn về kỹ thuật, thông tin thị trường và giá cả chưa tốt; diện tích trồng manh mún dẫn đến giá thành tăng.

Mặt khác, cây ca cao bị các loại cây ăn trái cạnh tranh mạnh mẽ, trồng ca cao ở vùng bị ảnh hưởng mặn dẫn đến hiệu quả thấp, đặc biệt năm 2013 - 2014, giá ca cao xuống thấp, gây bất lợi cho người trồng. Còn theo Sở NN&PTNT Cần Thơ, do ảnh hưởng của lũ, giá giảm mạnh, diện tích ca cao của thành phố đã giảm từ 50 ha xuống còn 24 ha.

Trong những năm qua, Tiền Giang cũng là một trong những tỉnh phát triển mạnh về cây trồng này. Tính đến trước năm 2013, toàn tỉnh đã phát triển lên đến 2.000 ha ca cao. Song, cũng như các tỉnh, thành khác, thời gian gần đây, phong trào trồng ca cao rơi vào thoái trào. Theo uớc tính, diện tích ca cao của tỉnh giảm 100 ha trong 2 năm trở lại đây.

Bên cạnh vấn đề kỹ thuật, thị trường, ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang cho rằng, nguyên nhân sâu xa dẫn đến hiện trạng này là vì ca cao là cây trồng mới nên thiếu sự chỉ đạo của chính quyền và ngành chuyên môn; thiếu cán bộ kỹ thuật am hiểu, người trồng thiếu kinh nghiệm; hệ thống tổ chức quản lý, chỉ đạo sản xuất còn phân tán, hiệu quả chưa cao; quy mô sản xuất còn nhỏ nên còn nhiều trở ngại trong chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ; khi phát triển quy mô lớn sẽ đối mặt với phát sinh dịch hại.

Thông tin về thực trạng sản xuất, chính sách, tiến bộ kỹ thuật mới, thị trường tiêu thụ… đã thiếu lại còn không được cập nhật; mạng lưới thu mua tập trung là các thương nhân chưa có nhà máy chế biến nên gây khó khăn cho việc liên kết sản xuất với tiêu thụ, chế biến nhằm hình thành nên chuỗi giá trị.

TRIỂN VỌNG VÀ GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC

Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho rằng, cây ca cao đang có triển vọng lớn do nhu cầu đối với trái cây này trên thế giới ngày càng tăng. Từ đầu năm đến nay, giá ca cao trên thế giới liên tục tăng.

Khẳng định thêm về điều này, ông Nguyễn Việt Thành, Giám đốc Ngành hàng ca cao của Cargill cho biết, thế giới liên tục bị thiếu hụt ca cao trong những năm qua. Niên vụ năm 2012 - 2013, thế giới thiếu 137 ngàn tấn ca cao, năm 2013 - 2014 tiếp tục bị thiếu với sản lượng lớn. Dự đoán, niên vụ năm 2014 - 2015, thế giới sẽ thiếu 150 ngàn tấn ca cao.

“Ca cao Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn, bởi nhiều nước đang bắt đầu tiêu dùng mạnh loại trái này dẫn đến tăng nhu cầu, trong khi nguồn cung không những không tăng mà có xu hướng giảm do một số nước giảm diện tích cây trồng này. Dự đoán, giá ca cao trong thời gian tới sẽ tăng chứ không giảm” - ông Thành nói.

Trước triển vọng của cây trồng này, nhiều tỉnh, thành ĐBSCL đã xác định ca cao xen canh là giải pháp giảm rủi ro; đa dạng hóa, tăng thu nhập trên đơn vị diện tích và đang quy hoạch lại vùng trồng, nỗ lực tìm giải pháp phát triển bền vững cây trồng này.

Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre cho biết, tỉnh đang tập trung vào công tác tuyên truyền cho người dân hiểu, chuyển đổi cây trồng ở những nơi phù hợp, tăng cường tập huấn cho nông hộ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật trồng.

“Thực tế cho thấy, trong vùng dự án, chăm sóc đúng kỹ thuật, năng suất ca cao và không có diện tích bị chặt, ngành nông nghiệp đang và sẽ nhân rộng mô hình này. Nhưng trên hết theo tôi, muốn trồng ca cao hiệu quả, người trồng phải xác định ca cao là cây phụ nhưng phải chăm sóc như cây chính; lợi ích giữa người trồng và doanh nghiệp thu mua phải đảm bảo hài hòa” - bà Sương nói.

Còn Tiền Giang định hướng phát triển lên đến khoảng 5.000 ha ca cao trong thời gian tới với mô hình trồng chủ yếu là xen canh vườn dừa và cây ăn trái.

Theo ông Hóa, trồng ca cao không khó, nếu được chăm sóc và đầu tư đúng mức, cây sẽ cho trái tốt, năng suất cao.

Để phát triển bền vững cây trồng này, cần phải đi vào chiều sâu; hướng đến hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến người tiêu dùng; có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn;

Tăng cường liên kết dọc (doanh nghiệp với đại diện nông dân), liên kết ngang (các doanh nghiệp với nhau, nông dân với nông dân); công bố giá mua để người trồng an tâm sản xuất;

Mở rộng thị trường, xây dựng và quảng bá thương hiệu ca cao; ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, giống, bảo quản sơ chế, chế biến, phòng trừ dịch hại; nâng cao năng lực cán bộ quản lý đối với cây trồng này.

Về phía Trung ương, ông Hóa đề nghị không chỉ dừng lại ở xuất khẩu thô, các bộ, ngành Trung ương cần hướng đến việc chế biến tinh ca cao tại Việt Nam.

Việc chặt bỏ ca cao ồ ạt thời gian qua có nguyên nhân từ phát triển ca cao ở những vùng không thích hợp. Các nhà quản lý, chuyên gia chỉ ra rằng, các địa phương không nên phát triển ồ ạt mà chỉ phát triển ở những vùng phù hợp; xây dựng vùng nguyên liệu ca cao trên cơ sở hình thành cánh đồng lớn như trên lúa; tăng cường giới thiệu và nhân rộng các mô hình trồng ca cao hiệu quả.

“Việc quảng bá các mô hình phát triển bằng nội lực, những mô hình thực tế mà người dân tự vươn lên... sẽ tăng niềm tin, sự gắn bó của nông dân đối với ca cao” - TS. Mai Thành Phụng (Trung tâm Khuyến nông Quốc gia) nói.

Cây ca cao đang có triển vọng rất lớn. ĐBSCL được xác định có nhiều điều kiện thích hợp trồng ca cao. Nếu được quan tâm đầu tư đúng mức, thích hợp, tiềm năng phát triển đối với cây trồng này rất lớn.

Thời gian qua, Tiền Giang đã thiết lập mạng lưới thu mua ca cao trên khắp các vùng trồng của tỉnh. Hợp tác xã ca cao huyện Chợ Gạo là điểm thu mua chính với hàng chục điểm thu mua vệ tinh, điểm ủ lên men. Hiện nay, Tiền Giang đang phối hợp với Tổ chức Helvetas (Thụy Sĩ) xây dựng mô hình sản xuất ca cao hữu cơ ở xã Hòa Định (huyện Chợ Gạo) và xã Vĩnh Hựu (huyện Gò Công Tây), quy mô 18 ha.


Đẩy Mạnh Hợp Tác Nông Nghiệp Việt Nam - Cu Ba Đẩy Mạnh Hợp Tác Nông Nghiệp Việt Nam… Đồng Tháp Nỗ Lực Bảo Vệ Lúa Hè Thu, Thu Đông Đồng Tháp Nỗ Lực Bảo Vệ Lúa Hè…