Tin nông nghiệp Đồng bào vùng cao không còn bỏ vốn ống tre

Đồng bào vùng cao không còn bỏ vốn ống tre

Tác giả Trần Giáp - Phương Đông, ngày đăng 06/07/2016

Đồng bào vùng cao không còn bỏ vốn ống tre

Hướng dẫn bà con sử dụng vốn

Thanh An là 1 trong những xã khó khăn của huyện Điện Biên. Để chuyển tải vốn vay ưu đãi tới đồng bào đã khó, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bà con sử dụng hiệu quả còn khó gấp nhiều lần. Chị Nguyễn Thị Châu - cán bộ tín dụng Ngân hàng CSXH huyện Điện Biên phụ trách xã Thanh An, chia sẻ: “Trước kia, đồng bào chỉ thuần sản xuất tự cấp tự túc nên khó dứt được nghèo đói. Đồng bào vay vốn, chúng tôi lại phải cùng chính quyền, Hội đoàn thể hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật để bà con mạnh dạn đầu tư chăn nuôi, trồng trọt…”.

Anh Tòng Văn Dũng, bản Phiêng Ban, xã Thanh An cho biết: “Mình làm Tổ trưởng tổ tiết kiệm vay vốn (TKVV) đã hơn 6 năm. Hiện tại trong tổ có 49 tổ viên, dư nợ vốn tín dụng chính sách hơn 1,1 tỷ đồng. Những năm trước, không mấy hộ dám vay vốn đâu, bởi bà con hỏi: “Vay vốn chẳng biết làm gì, hay lại bỏ ống tre nhé…”. Phải tuyên truyền nhiều lần, bản thân cán bộ phải làm gương, đầu tư nuôi trâu, bò, có lãi mua sắm được cái nọ, cái kia để bà con thấy, tin mà làm theo…”.

"Sau hơn 13 năm hoạt động, đến nay Ngân hàng CSXH tỉnh Điện Biên đã giúp hơn 256.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn ưu đãi, trong đó có hơn 78.000 hộ đã cải thiện cuộc sống; tạo việc làm cho 80.000 lượt lao động…”.

Ông Đàm Xuân Triệu

Chị Bạc Thị Thúy - Chủ tịch UBND xã Quài Nưa thổ lộ: “Những năm qua, hộ nghèo, hộ đói ở xã giảm nhiều. Vốn vay ưu đãi đã có Nhà nước hỗ trợ, địa phương có trách nhiệm hướng dẫn, tập huấn để bà con biết sử dụng vốn hiệu quả. Giả dụ, Nhà nước không có các chương trình tín dụng ưu đãi ở những nơi xa xôi như Quài Nưa chưa biết bao giờ đồng bào mới khá lên được…”.

Thoát nghèo nhờ nuôi trâu, trồng cà phê

Dẫn chúng tôi đi thăm một số hộ dân vay vốn tín dụng chính sách, anh Lò Văn Biến - Tổ trưởng tổ TKVV bản Noong Giáng, xã Quài Nưa thông tin: “Căn cứ vào nhu cầu của bà con và mục đích sử dụng, Tổ TKVV tổ chức họp và bình xét công khai, dân chủ. Danh sách hộ vay vốn được trình lên UBND xã phê duyệt rồi Ngân hàng CSXH xuống tận nơi giải ngân...”.

Giống như nhiều người dân khác ở trong bản, trước kia, gia đình ông Lò Văn Ngoài (bản Noong Giáng, xã Quài Nưa) là 1 trong những hộ nghèo đói triền miên. Năm 2009, khi Hội Nông dân xã triển khai chương trình ủy thác với Ngân hàng CSXH, ông mạnh dạn vay 30 triệu đồng. “Tôi mua 1 con trâu sinh sản, còn đâu cải tạo 2,5ha đất để xuống giống cà phê, đào ao thả cá. Hai năm nay, sau khi bán nghé, cà phê, cá, sau khi trừ chi phí lãi 80 triệu đồng/năm…”-anh Ngoài phấn khởi khoe.

Ông Đàm Xuân Triệu-Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Điện Biên khẳng định: “Thời gian qua, mức sống, thu nhập của hộ dân nói riêng và sự thay đổi tích cực của các bản, làng vùng cao có sự góp phần không nhỏ của các chương trình tín dụng ưu đãi. Không ít hộ nhờ sử dụng vốn vay hiệu quả, được vay vốn nhiều chương trình đã từ diện nghèo vươn lên hộ khá, giàu...”.


Muốn gặp lợn phải cách ly trước 3 ngày, qua phòng sát trùng Muốn gặp lợn phải cách ly trước 3… Cách xử lý rơm rạ sau thu hoạch lúa xuân Cách xử lý rơm rạ sau thu hoạch…