Đồng Hành Cùng Nông Dân
Chuyển đổi cơ cấu bắp giống - lúa giúp nông dân Khmer (Trà Vinh) thoát nghèo.
Tỉnh Trà Vinh là một trong những địa bàn sản xuất hạt giống bắp lai với quy mô lớn tại đồng bằng sông Cửu Long, mỗi năm diện tích đều tăng. Các huyện Cầu Ngang, Trà Cú, Duyên Hải là nơi tập trung diện tích sản xuất hằng năm trong 2 vụ đông xuân và hè thu.
Địa bàn sản xuất đa số là đất cát giồng, nguồn nước chủ yếu từ kênh thủy lợi và giếng khoan, vào mùa khô không đủ để sử dụng cho canh tác lúa lại bị nhiễm phèn, mặn cuối mùa khô nên nhiều nơi đất bị bỏ hoang.
Bao tiêu sản phẩm
Hai huyện Cầu Ngang, Trà Cú có từ 30,32%-36,04% dân số thuộc diện nghèo và cận nghèo, thanh niên phải tìm việc làm ở các thành phố lớn. Người dân trong vùng đa số là đồng bào Khmer (chiếm 36%- 62,8% dân số tại các huyện Cầu Ngang, Trà Cú, các xã trong vùng dự án chiếm đến 70,8%), có tập quán ngụ cư trên vùng đất cát giồng, chủ yếu canh tác lúa 2 vụ, thu nhập thấp, chưa tiếp cận được giống mới, cơ cấu cây trồng, khoa học công nghệ mới.
Nhằm giúp nông dân ở khu vực trên chọn lựa cây trồng phù hợp, phát triển kinh tế, Công ty CP Giống Cây trồng Miền Nam (SSC), vừa tiến hành ký kết với nông dân tại địa phương để giúp họ thoát nghèo. Quỹ “Thách thức doanh nghiệp Việt Nam (VBCF)” đã thỏa thuận tài trợ cho SSC triển khai dự án “Kinh doanh cùng người thu nhập thấp: Chuyển đổi cơ cấu bắp giống - lúa giúp nông dân Khmer tỉnh Trà Vinh thoát nghèo”, với tổng kinh phí toàn dự án là 42,386 tỉ đồng trong đó VBCF tài trợ 9,099 tỉ đồng.
Ông Hàng Phi Quang, Tổng Giám đốc SSC, cho biết trước nay, nông dân Trà Vinh tự để giống lúa theo tập quán, phục vụ nhu cầu gia đình, không chú ý đến chất lượng. Khi tham gia dự án bắp giống, các hộ nông dân sẽ được cấp giống bố mẹ, ứng trước vốn, hướng dẫn biện pháp canh tác bắp giống; nâng cao trình độ thâm canh, được bao tiêu sản phẩm thông qua hợp đồng liên kết 4 nhà.
Thay đổi cơ cấu
Nông dân hợp tác sản xuất hạt giống bắp F1 sẽ dần chuyển đổi tập quán canh tác lúa - lúa sang tập quán canh tác bắp giống - lúa, thay đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên hiện có và chủ trương của nhà nước, duy trì khoảng 100.000 ha bắp ở đồng bằng sông Cửu Long cho đến 2020.
Kết quả sản xuất thử hạt giống bắp của SSC tại địa phương trong thời gian qua cho thấy so với canh tác lúa, trong vụ đông xuân, bắp giống cho thu nhập tăng 57,69%, lợi nhuận tăng 2,9 lần, tương ứng 12,885 triệu đồng/ha.
Dự án tạo thêm việc làm cho người lao động nhờ các công việc phát sinh thêm (khử lẫn, rút cờ, thu hoạch) trong quá trình sản xuất bắp giống F1; qua hoạt động sấy, chế biến của nhà máy, các máy sấy vệ tinh của SSC tại các địa phương. Nông dân dễ dàng tiếp cận được hạt bắp giống F1 của dự án có chất lượng cao, giá thành thấp thông qua hệ thống phân phối rộng khắp cả nước của SSC.
Trong 2 năm 2014 - 2015, dự án có vùng nguyên liệu hạt giống bắp F1 ổn định với 1.100 ha được kiểm soát chất lượng, cung cấp thêm ra thị trường 2.750 tấn hạt bắp giống F1, giá thấp hơn giống nhập khẩu. Đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật trong canh tác tới nông dân.
Nâng cao thu nhập 2,9 lần cho 2.200 hộ nông dân trong vụ đông xuân, trong đó có hơn 1.500 hộ Khmer, từ 6,690 triệu đồng lên 19,575 triệu đồng/ha/vụ. Chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, xây dựng nhà máy sấy, chế biến, đóng gói tại Trà Vinh với công suất ban đầu 2.000 tấn hạt giống/năm và 2 máy sấy vệ tinh tại hợp tác xã, nhóm nông dân.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ