Mô hình kinh tế Đồng quản lý nghề cá ven bờ góp phần tái tạo nguồn lợi thủy sản

Đồng quản lý nghề cá ven bờ góp phần tái tạo nguồn lợi thủy sản

Ngày đăng 29/10/2015

Đồng quản lý nghề cá ven bờ góp phần tái tạo nguồn lợi thủy sản

Nguồn lợi cạn kiệt

Ông Võ Khắc Én - Phó Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh cho biết, trên địa bàn tỉnh có hơn 9.800 phương tiện đánh bắt thủy hải sản, trong đó có khoảng 12% số tàu thuyền đủ điều kiện khai thác xa bờ, còn hơn 8.500 tàu hoạt động ở vùng ven bờ và vùng lộng.

Số lượng lớn tàu thuyền công suất nhỏ này đã khiến cho nguồn lợi thủy sản ven bờ trở nên suy kiệt, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sinh thái và thu nhập của cộng đồng ngư dân.

Theo ông Phạm Ngọc Khánh - Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Ích (thị xã Ninh Hòa), thời gian qua, do người dân khai thác quá mức nên nguồn lợi thủy sản trong đầm Nha Phu giảm một cách nhanh chóng, chỉ còn khoảng 20 - 25% so với trước đây.

Đặc biệt, không ít người sử dụng các phương tiện đánh bắt hủy diệt như: khai thác bằng chất nổ, giã cào, lờ dây...khiến nguồn lợi bị tận diệt.

Các đầm, vịnh khác như: vịnh Cam Ranh, vịnh Vân Phong hay đầm Thủy Triều, việc khai thác quá mức thủy sản bằng các phương tiện cấm đã trở thành vấn đề nan giải của các địa phương.

Theo ông Nguyễn Tấn Sâm - Phó Chủ tịch UBND phường Ninh Hải (thị xã Ninh Hòa), thời gian qua, tại khu vực vịnh Vân Phong, nạn khai thác thủy sản bằng chất nổ, giã cào vẫn diễn ra, không chỉ gây kiệt quệ nguồn lợi thủy sản mà còn khiến đời sống của nhiều ngư dân vùng bãi ngang gặp khó khăn do thu nhập từ nghề biển giảm sút.

Đồng quản lý nghề cá ven bờ

Với thực trạng này, việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ là cần thiết.

Được sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới, Dự án “Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững (CRSD)” tỉnh được triển khai.

Trong đó, hợp phần xây dựng mô hình đồng quản lý nghề cá ven bờ được kỳ vọng sẽ nâng cao nhận thức, năng lực cho ngư dân địa phương để họ có thể đảm trách được các quyền lợi, nghĩa vụ trong việc duy trì lâu dài sinh kế của mình.

Theo bà Bùi Thảo Nguyên - Phó Trưởng Ban quản lý dự án CRSD tỉnh, sau hơn 1 năm triển khai, Ban quản lý dự án phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng được 10 mô hình đồng quản lý nghề cá ven bờ tại các địa phương.

Trong đó, 2 mô hình ở xã Ninh Ích (thị xã Ninh Hòa), 1 mô hình ở Vạn Hưng (huyện Vạn Ninh) được triển khai thí điểm vào năm 2014; mới đây, thành lập thêm 8 mô hình mới ở các địa phương.

Bước đầu, các mô hình đã góp phần thay đổi nhận thức, nâng cao ý thức cho ngư dân nhằm bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản và ngăn chặn những hành vi làm ô nhiễm môi trường vùng biển; cung cấp thông tin giúp cơ quan chức năng có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm khi khai thác trên biển.

Ông Phạm Ngọc Khánh cho biết: “Mô hình đồng quản lý nghề cá ven bờ tại xã Ninh Ích với 3 tổ đồng quản lý tại các thôn ven biển.

Từ khi được thành lập và đi vào hoạt động, mô hình đã mang lại tín hiệu tích cực.

Trước hết là chuyển biến nhận thức bảo vệ nguồn lợi trong ngư trường của mình, việc sử dụng các ngư cụ cấm để khai thác dần được hạn chế.

Ngư dân trong các tổ đã tăng thêm mối đoàn kết, hợp sức bảo vệ ngư trường”.

Đồng quản lý nghề cá là mô hình mới, ngư dân còn bỡ ngỡ trong quá trình thực hiện, nhưng bước đầu đã mang lại hiệu quả nhất định.

Ông Nguyễn Sanh - Tổ trưởng Tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ thôn Ngọc Diêm (xã Ninh Ích) cho biết: “Trên cơ sở thỏa ước đồng quản lý, ngư dân chúng tôi khi khai thác sẽ tuân thủ kích cỡ mắt lưới, phương tiện, mùa vụ được Nhà nước và cộng đồng tự quản quy định.

Đồng thời, với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng, sẽ tuần tra, ngăn cản những tàu cá bên ngoài xâm nhập ngư trường để đánh bắt và phá hủy ngư cụ của ngư dân địa phương”.

Theo ông Sanh, chỉ tính riêng thôn Ngọc Diêm có khoảng 60 - 70 thuyền máy, trong đó có khoảng 20 chiếc chuyên nghề lờ dây, khoảng 30 chiếc tham gia nghề cào sò.

Từ khi tham gia tổ đồng quản lý, nhiều chủ phương tiện khai thác đã không sử dụng các phương tiện lờ dây, cào sò nữa.

“Mục tiêu của chúng tôi trong năm nay là gắn kết cộng động ngư dân bằng các thỏa ước tập thể, không để phát sinh nghề cấm trong khai thác thủy sản.

Cụ thể, phấn đấu giảm khoảng 20% số lượng tàu thuyền hoạt động các nghề cấm và tiếp tục phấn đấu để giảm trong những năm tiếp theo” - bà Bùi Thảo Nguyên nói.


Nghiên cứu tác động môi trường phát triển bền vững nghề nuôi cá lóc Nghiên cứu tác động môi trường phát triển… Sắp xếp đổi mới các nông lâm trường còn nhiều ách tắc Sắp xếp đổi mới các nông lâm trường…