Đồng Tháp Chủ Động Phòng, Chống Dịch Bệnh Cho Vật Nuôi Thời Điểm Chuyển Mùa
Thời tiết chuyển mùa là điều kiện thuận lợi cho các loại dịch bệnh trên gia súc, gia cầm (GSGC) phát sinh và có nguy cơ lây lan thành dịch. Theo Chi cục Thú y tỉnh Đồng Tháp, đây là thời điểm người chăn nuôi phải chủ động thực hiện nhiều biện pháp bảo vệ, phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.
Hiện nay, thời tiết diễn biến rất phức tạp, đặc biệt ở giai đoạn giao mùa, khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều sẽ khiến vật nuôi không kịp thích nghi nên rất dễ bị nhiễm bệnh. Mùa mưa, mưa lớn kéo dài sẽ là nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh trên đàn GSGC như: tụ huyết trùng, dịch tả, phó thương hàn, lở mồm long móng...
Điều đáng lo ngại là trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều điểm giết mổ GSGC chưa tập trung, tình trạng mua bán, giết mổ GSGC không đảm bảo vệ sinh vẫn còn diễn ra khá phổ biến, ảnh hưởng không tốt đến đàn vật nuôi vì dễ lây lan dịch bệnh. Bên cạnh đó, một bộ phận người chăn nuôi còn có thói quen khi GSGC bị dịch bệnh chết thường đem vứt xác xuống sông, kênh rạch... nên dịch bệnh luôn tiềm ẩn, có thể lây lan ra diện rộng.
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn GSGC trong thời điểm chuyển mùa, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thú y và UBND các huyện, thị, thành tổ chức triển khai các biện pháp phòng, chống. Trong đó, chú ý công tác tiêm phòng vắc-xin các loại dịch bệnh nguy hiểm và thường xuyên tổ chức tiêu độc sát trùng chuồng trại.
Ông Võ Trọng Phước - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Thời gian qua, Chi cục Thú y đã yêu cầu các Trạm Thú y, Trạm Kiểm dịch các huyện, thị, thành trong tỉnh tăng cường công tác kiểm dịch, thực hiện đúng quy trình kiểm dịch, quy trình kiểm soát giết mổ; chú trọng công tác kiểm tra lâm sàng, kiểm tra động vật, sản phẩm động vật nhập vào địa phương, nhằm phát hiện sớm dịch bệnh xảy ra và có các biện pháp chủ động, xử lý kịp thời.
Mặt khác, Chi cục đã yêu cầu ngành thú y các huyện, thị, thành thường xuyên hỗ trợ người chăn nuôi tiêm vắc-xin phòng, chống các loại dịch bệnh GSGC hay phát sinh trong mùa mưa”.
Đến nay, ngành thú y hoàn thành việc tiêm vắc-xin lở mồm long móng, dịch tả, cúm gia cầm cho đàn GSGC trên địa bàn tỉnh. Đối với đàn trâu, bò, toàn tỉnh đã tiêm phòng vắc-xin lở mồm long móng cho hơn 9.000 con, chiếm 29%/tổng đàn. Đối với đàn heo, ngành đã tiêm vắc-xin phòng bệnh tai xanh hơn 13.600 con, chiếm 8,08%/tổng đàn; dịch tả heo là 74.000 con, chiếm 44,29%/tổng đàn.
Bên cạnh đó, ngành thú y còn vận động người chăn nuôi tiêm phòng các loại vắc-xin phòng, chống dịch bệnh khác cho đàn GSGC như: tai xanh, tụ huyết trùng, phó thương hàn... Đối với đàn gia cầm, đã tiêm phòng 1,5 triệu liều vắc-xin dịch tả cho đàn vịt; tiêm phòng cúm đợt I/2014 được gần 364.000 con gà, chiếm 68,49% tổng đàn.
Nhằm phòng tránh các loại dịch bệnh có thể xảy ra trên đàn GSGC thời điểm chuyển mùa, ông Phước yêu cầu: “Các Trạm Thú y địa phương cần tập trung tuyên truyền, hướng dẫn các hộ gia đình vệ sinh chuồng trại chăn nuôi sạch sẽ, giảm mật độ nuôi, có biện pháp làm thoáng chuồng nuôi; thường xuyên thu gom, vận chuyển phân, các chất thải ra khỏi khu vực chăn nuôi và xử lý an toàn trước khi đưa ra môi trường.”
Chi cục Thú y khuyến cáo người chăn nuôi nên áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; tăng thêm khẩu phần ăn đảm bảo chất dinh dưỡng cho đàn GSGC; thường xuyên kiểm tra, theo dõi vật nuôi nếu phát hiện đàn GSGC có dấu hiệu bất thường thì báo ngay cho cán bộ thú y xã phường, chính quyền địa phương để có những biện pháp xử lý kịp thời, không tự ý chữa trị hoặc vứt xác GSGC ra các sông, kênh, mương dẫn nước.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ