Đồng Tháp làm hợp tác xã kiểu mới
Doanh nghiệp dẫn dắt thị trường
Đồng Tháp đang thúc đẩy kinh tế hợp tác, ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ HTX. Tỉnh đã thành lập Quỹ hỗ trợ HTX để tạo điều kiện cho các HTX tiếp cận được nguồn vốn sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, chúng tôi rất chú trọng đến nâng cao năng lực quản trị cho đội ngũ lãnh đạo và các chức danh khác của HTX. Đặc biệt, có chương trình đào tạo cán bộ ngành nông nghiệp; sinh viên tốt nghiệp các ngành liên quan đến nông nghiệp, quản trị kinh doanh được biệt phái về xã đảm nhận chức danh phó giám đốc HTX trong thời gian 3-5 năm.
Đồng Tháp không rập khuôn, máy móc, áp đặt các mô hình (như kiểu “mặc đồng phục”) cho từng địa phương; tùy điều kiện, quy mô sản xuất, sự “sẵn lòng” của người nông dân và doanh nghiệp, khả năng quản trị của HTX mà xây dựng bước đi phù hợp.
Đến nay, đã có tín hiệu vui là tinh thần hợp tác trong bà con nông dân đã hình thành và lan tỏa. Người nông dân đã nhận thức rằng nếu không hợp tác với nhau sẽ không đủ sức mạnh để cạnh tranh trên thị trường, không đủ sức làm “đối trọng” trong mối liên kết với doanh nghiệp. Từ đó đã xuất hiện nhiều mô hình hợp tác trên tinh thần tự nguyện, tự chủ, đúng nguyên lý, bản chất của HTX kiểu mới. Ngược lại, doanh nghiệp cũng dần nhận ra và thay đổi cách kinh doanh từ thu mua theo mùa vụ sang liên kết với người nông dân thông qua HTX, đầu tư đầu vào và tiêu thụ nông sản một cách căn cơ, ổn định, lâu dài.
Chúng tôi ngày càng nhận ra và khẳng định vai trò dẫn dắt thị trường của doanh nghiệp đối với người sản xuất. Doanh nghiệp, thông qua thị trường, sẽ “đặt hàng” người nông dân theo yêu cầu của thị trường về sản lượng, chất lượng, hình thức nông sản, khắc phục tình trạng “sản xuất mù”, “bán mù” như trước đây.
Để thoát khỏi “bẫy sản xuất nhỏ”
Tuy nhiên, nhìn tổng thể, do tái cơ cấu là một lĩnh vực rộng lớn, đồng bộ, hướng đến tinh thần liên kết bền vững, tăng quy mô sản xuất để thoát ra cái “bẫy sản xuất nhỏ”, nên trong quá trình triển khai có những khó khăn nhất định. Khó trong việc chuyển từ “tư duy mùa vụ”, nghĩ ngắn, đến “tư duy dài hạn”, liên kết bền vững trong điều kiện thị trường luôn có rủi ro, quy luật cung cầu luôn thay đổi. Khó trong việc giải quyết xung đột về cách nghĩ và lợi ích giữa các tác nhân tham gia chuỗi liên kết ngành hàng...
Bên cạnh đó, tính hợp tác và khả năng quản trị của HTX, nhận thức về mô hình HTX kiểu mới vẫn chưa được thẩm thấu trong xã hội nông thôn. Người nông dân chỉ trông chờ vào giá nông sản luôn được cao, mong muốn làm sao không rơi vào tình cảnh “được mùa mất giá” mà ít nghĩ đến chuyện làm sao sản xuất với chi phí thấp hơn, chất lượng nông sản cao hơn, không chỉ bán thô toàn bộ nông sản làm ra mà biết giữ lại một phần để bảo quản, chế biến, làm cho giá trị gia tăng cao hơn, tránh dư thừa lúc chính vụ.
Hiện nay, Đồng Tháp đã thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Đã có nhiều doanh nghiệp đầu tư theo hướng liên kết bền vững, đầu tư công nghệ mới, tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp. Đã có nhiều doanh nghiệp tham gia mua cổ phần trong các HTX để gắn bó lâu bền hơn với người nông dân. Đó là tín hiệu mới, cho thấy ý thức cùng chịu trách nhiệm, cùng chia sẻ lợi nhuận và rủi ro giữa các tác nhân tham gia chuỗi ngành hàng đã hình thành.
Hiện chúng tôi đang đàm phán với Hàn Quốc, Nhật Bản xúc tiến các dự án hợp tác công - tư (PPP) trên lĩnh vực nông nghiệp và xây dựng nông thôn. Đây là những dự án tiềm năng, kỳ vọng mở ra hướng đi hoàn toàn mới trong tiến trình tái cơ cấu, hướng đến một nền nông nghiệp tiên tiến, hiện đại.
Tuy nhiên, so với yêu cầu tái cơ cấu cả ngành nông nghiệp, số lượng doanh nghiệp đầu tư như vậy vẫn còn ít, nhất là doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực công nghệ cao. Chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ lai tạo giống mới, vào lĩnh vực chế biến nông sản, đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp có giá trị gia tăng cao, áp dụng các quy trình canh tác tiên tiến...
Nguyên nhân chính, theo tôi là do các chính sách tác động của Chính phủ vẫn chưa thật sự kích thích các doanh nghiệp đầu tư vào một lĩnh vực luôn chịu nhiều rủi ro về thời tiết, dịch bệnh, chịu tác động mạnh của thị trường nông sản thế giới. Bên cạnh đó, chính sách về đất đai để doanh nghiệp có đủ quy mô vùng nguyên liệu cho sự phát triển ổn định lâu dài; niềm tin về sự hợp tác, liên kết với người sản xuất đang là rào cản lớn trong thu hút đầu tư.
Chính sách hỗ trợ thực hiện tái cơ cấu thời gian qua thường chỉ mang tính ngắn hạn mà chưa đồng bộ, ổn định lâu dài. Các chính sách như “thu mua tạm trữ”, hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp và HTX chưa đủ để các đối tượng này xây dựng một chiến lược đầu tư sản xuất, kinh doanh với tầm nhìn dài hạn, căn cơ. Các chính sách đôi khi thiếu nhất quán; đơn cử như chúng ta khuyến khích doanh nghiệp liên kết với nông dân thông qua xây dựng cánh đồng lớn, nhưng khi phân bổ hạn mức xuất khẩu thì vẫn đánh đồng giữa các doanh nghiệp có liên kết và doanh nghiệp không tham gia liên kết.
Theo tôi, cái mà doanh nghiệp và HTX cần là đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ giống, sinh học, kỹ thuật tiên tiến để làm thay đổi bản chất từ quy trình sản xuất đến xây dựng thương hiệu, tiếp cận thị trường thì chúng ta chưa có một chính sách thật đồng bộ, có tính chiến lược lâu dài. Ngoài ra, có sự “phập phù” trong ban hành và thực thi chính sách giữa các bộ, ngành liên quan nên có chính sách thì thấy hay, nhưng những điều kiện đặt ra lại làm “bó tay” các đối tượng thụ hưởng.
Từ năm 2016...
Chúng tôi đang xây dựng kế hoạch cho năm 2016. Một trong những công việc sẽ tập trung là chuyển đổi mô hình HTX theo Luật HTX năm 2012. Trong quá trình chuyển đổi, sẽ gắn với hỗ trợ kiện toàn nhân lực cho các HTX, giúp các HTX xây dựng chiến lược phát triển dài hạn.
Đồng Tháp tiếp tục mở rộng các mô hình kinh tế hợp tác khác đã có hiệu quả trên tinh thần tự nguyện giữa nông dân, thành viên HTX. Ví dụ như chuyển đổi đất trong dòng tộc, nông dân, thành viên HTX... để cho HTX thuê đất. Tiếp tục xây dựng một số chuỗi ngành hàng cụ thể, trên địa bàn cụ thể và có sự tham gia của doanh nghiệp và HTX cụ thể. Tiếp tục nhân rộng mô hình HTX liên kết với các doanh nghiệp cung cấp giống, vật tư, nguyên liệu đầu vào để giúp người sản xuất tiết giảm chi phí; liên kết với các doanh nghiệp thu mua, bảo quản, chế biến... để giúp ổn định và thích nghi với sự vận động của thị trường. Đây cũng là điều kiện để đăng ký xuất xứ hàng hóa, nhãn hiệu, tiến tới xây dựng thương hiệu. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ hỗ trợ hình thành các “doanh nghiệp nông nghiệp” khi đủ điều kiện.
Ngoài ra, một trong những công việc cần làm, ngay trước mắt và lâu dài, là làm tốt công tác truyền thông về các tác động của các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hay Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC)... giúp cho doanh nghiệp, bà con nông dân nhận thức rõ đâu là thời cơ, thách thức thật sự đến với từng thửa ruộng, mảnh vườn, ao cá, từng nhà máy, phân xưởng; đâu là lợi thế, bất lợi cho từng loại nông sản, từng loại thị trường.
Tôi cho rằng, tái cơ cấu nông nghiệp không chỉ là cuộc cách mạng về kỹ thuật, về kinh tế, mà là một cuộc cách mạng về nhận thức của cả xã hội. Sự thay đổi nhận thức để hình thành nên các yếu tố “hợp tác - liên kết - thị trường” phải được quan tâm thường xuyên, phải kiên trì bền bỉ; phải làm cho các giải pháp “giảm chi phí sản xuất - nâng cao chất lượng nông sản - đa dạng hóa các sản phẩm có giá trị gia tăng cao” trở thành ý thức tự thân của người nông dân, doanh nghiệp và toàn xã hội.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ