Đồng Tháp tiến tới liên kết sản xuất giúp ngành cá tra phát triển
Theo quan sát thị trường, những tháng đầu năm 2015, giá cá tra giống dao động từ 800 – 1.200 đồng/con, các hộ ương có lãi khoảng 10 – 410 đồng/con. Cùng thời điểm đó, giá cá tra thương phẩm dao động 23.000 – 24.700 đồng/kg, với mức giá này đa số các hộ nuôi đều có lãi khoảng 1.000 – 2.500 đồng/kg. Trong khi hiện nay, giá cá tra giống đang giảm từ 650 – 700 đồng/con, các hộ ương giống bị lỗ khoảng 115 đồng/con. Giá cá tra thương phẩm cũng theo đó sụt giảm, từ 20.000 – 20.300 đồng/kg, trong khi giá thành sản phẩm là trên 22.000 đồng/kg, các hộ nuôi chịu lỗ khoảng 2.000 đồng/kg.
Trước những khó khăn đó, các ngành chuyên môn của tỉnh đã vận động các hộ nuôi cá thể hợp tác liên kết hình thành các hợp tác xã nuôi theo mô hình. Đồng thời, vận động các cơ sở sản xuất giống hình thành theo hướng hợp tác sản xuất giống cá tra chất lượng, liên kết cung ứng giống cho thị trường.
Để đảm bảo cho sản phẩm cá tra đầu ra chất lượng, tỉnh đã nhận gần 83.000 con cá tra giống, chuyển giao cho 40 cơ sở sản xuất giống và Trung tâm Giống thủy sản tỉnh quản lý khai thác, cung cấp cho thị trường khoảng trên 390 triệu con cá bột.
Song song đó, tỉnh đẩy mạnh công tác quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm từ sản xuất đến chế biến. Hiện nay, cá tra thương phẩm được người nuôi áp dụng các tiêu chuẩn phổ biến như GlobalGAP, ASC, VietGAP... Đến nay, diện tích đã được chứng nhận và đang áp dụng các tiêu chuẩn là 936,92ha diện tích nuôi. Trong đó, có 527,42ha được cấp giấy chứng nhận
Nhằm giúp ngành cá tra phát triển, tỉnh đẩy mạnh công tác hỗ trợ vốn. Tính đến cuối tháng 4/2015, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh cho vay theo chính sách đối với chăn nuôi và thủy sản cho hơn 4.300 khách hàng hộ, cá nhân và 20 doanh nghiệp. Dư nợ đạt 4.853 tỷ đồng, tăng 16,18% so với cùng kỳ năm trước. Riêng năm 2014, Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp, Ngân hàng TMCP Xăng Dầu Petrolimex – Đồng Tháp thực hiện gia hạn cho 5 khách hàng với tổng dư nợ gần 27 tỷ đồng.
Ngoài những công tác trên, UBND tỉnh chỉ đạo ngành hữu quan tiến hành công tác “rà soát, điều chỉnh vùng quy hoạch chi tiết nuôi, chế biến cá tra trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020, định hướng đến năm 2025”. Đến nay, tỉnh đã xác nhận được 160 hồ sơ đăng ký nuôi cá tra thương phẩm với tổng diện tích và sản lượng đăng ký trên 480ha, sản lượng dự kiến 185.000 tấn.
Bên cạnh các kết quả đạt được việc sản xuất và tiêu thụ cá tra trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2015 còn gặp những khó khăn, vướng mắc. Việc áp dụng VietGAP và các tiêu chuẩn khác đã làm tăng giá thành sản phẩm nhưng giá bán vẫn không khác so với không áp dụng tiêu chuẩn nên phần lớn các hộ nuôi cá thể chưa thực hiện dù Nghị định 36 của Chính phủ quy định đến cuối năm 2015 các hộ nuôi cá tra thương phẩm phải bắt buộc thực hiện. Ngoài ra, hiện một số hộ nuôi, doanh nghiệp chưa quan tâm đến việc đăng ký diện tích, sản lượng theo quy định. Dù có sự tiếp sức về vốn nhưng các hộ nuôi vẫn thiếu vốn để tái đầu tư. Việc tiếp cận với các nguồn vốn vay của các ngân hàng thương mại là rất khó khăn, sau thời gian thua lỗ bị kéo dài, hộ nuôi không còn tài sản để thế chấp...
Toàn tỉnh có trên 1.300 cơ sở sản xuất, kinh doanh ương giống cá tra. Đến cuối tháng 5/2015, lượng giống sản xuất được trên 770 triệu con và sản lượng cá tra bột sản xuất được gần 7,5 tỷ con; diện tích nuôi toàn tỉnh là 1.500ha, đạt 73,42% kế hoạch năm và tăng 9,22% so với cùng kỳ năm 2014. Sản lượng thu hoạch gần 180 ngàn tấn, tăng 18,28% so với cùng kỳ năm 2014 với năng suất bình quân 333 tấn/ha.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ