Đồng Tháp Tổ Chức Sản Xuất Vùng Nuôi Cá Theo Mô Hình Liên Kết Chuỗi
Trong năm 2014, sản xuất cá tra trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như nguyên liệu đầu vào tăng, giá bán sản phẩm thấp, thị trường tiêu thụ khó khăn, người nuôi thiếu vốn đầu tư tái sản xuất... Nhưng sản xuất cá tra vẫn phát triển ổn định, hiện có hơn 1.980ha, tăng 107ha so với cùng kỳ, sản lượng thu hoạch trên 350.000 tấn; sản lượng thủy sản xuất khẩu đạt gần 200.500 tấn, tăng 34.240 tấn so với cùng kỳ, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 504 triệu USD.
Tuy nhiên, việc sản xuất và quản lý chất lượng con giống còn nhiều hạn chế: toàn tỉnh hiện có trên 1.600 cơ sở sản xuất, kinh doanh ương cá tra giống, sản lượng giống cá tra sản xuất được 18,9 tỷ con cá bột (giảm 1,3 tỷ con so với cùng kỳ), 1,19 tỷ con cá giống (tăng 51 triệu con); giống cá tra bố mẹ thoái hóa do cận huyết nên tỷ lệ sống thấp, ảnh hưởng đến giá thành; công tác kiểm tra chất lượng con giống còn bỏ ngõ dẫn đến chất lượng con giống không đảm bảo.
Để củng cố lại chất lượng đàn cá giống, thời gian qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiếp nhận 60.500 con cá tra qua chọn lọc di truyền từ Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II, chuyển giao cho 40 cơ sở sản xuất giống cá tra có đủ điều kiện trên địa bàn. Qua quá trình thử nghiệm, hiện số cá còn lại là 48.200 con (tỷ lệ hao hụt 20,31%). Các cá thể còn lại đang sinh trưởng tốt và bắt đầu sinh sản, cung ứng cho thị trường khoảng 2.665 triệu con cá bột. Chất lượng đàn cá bột được đánh giá tốt hơn so với giống thông thường.
Ngoài củng cố chất lượng đàn cá giống, tỉnh còn thực hiện quy hoạch tổ chức lại sản xuất. Toàn tỉnh hiện có 4 hợp tác xã nuôi trồng thủy sản, 4 huyện hội và 17 chi hội nghề cá ở các địa phương. Thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, đến nay, toàn tỉnh có 1 doanh nghiệp (Hùng Cá) được tham gia thí điểm cho vay vốn thực hiện mô hình liên kết. Hiện ngành nông nghiệp đang vận động xây dựng mô hình liên kết chuỗi giữa Công ty TNHH Cỏ May (công ty cung cấp thức ăn) - Công ty CP thủy sản Phát Tiến (nhà máy chế biến) cùng với tổ hợp tác với 20 hộ dân đang áp dụng VietGAP ở huyện Châu Thành.
Tỉnh đang có giải pháp phát triển bền vững nghề nuôi cá tra bằng việc hình thành chuỗi liên kết chặt chẽ giữa 3 nhà (người nuôi cá, nhà máy sản xuất thức ăn, nhà máy chế biến và xuất khẩu). Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng, quy hoạch, nhân lực, giá cả. Đặc biệt là thiếu vốn sản xuất nên người nuôi gặp rất nhiều khó khăn, trong khi việc tiếp cận các nguồn vốn vay ngân hàng vẫn còn nhiều hạn chế do vướng về điều kiện thế chấp, bởi phần lớn chi phí đầu tư sản xuất là vốn lưu động, thức ăn...
Theo Hiệp hội Thủy sản tỉnh, để giải quyết những khó khăn này, tỉnh kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm từ các chương trình, dự án để đầu tư một trại giống có quy mô vùng để cung cấp, cải tạo đàn cá tra bố mẹ đạt chất lượng tốt, sạch bệnh, tăng sức đề kháng; kiểm tra về quản lý chất lượng giống, chất lượng thức ăn, thuốc thú y dùng trong nuôi trồng thủy sản; tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ về kỹ thuật, quản lý giống thủy sản; hỗ trợ về cơ sở hạ tầng cho các vùng sản xuất giống; đẩy mạnh chính sách hỗ trợ vốn với lãi suất ưu đãi, thời gian vay trung hạn hoặc dài hạn để người nuôi cá có nguồn vốn tiếp tục tái sản xuất.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ