Đột nhập ma trận nấm mối được ủ bằng chất kích thích
Món nấm mối tự nhiên giá bạc triệu ở khu vực Tây Nguyên được nhiều người ưa chuộng đã được trồng bằng cách ủ vào mùn cưa rồi bơm chất kích thích.
Gần đây bên cạnh món nấm mối miền Tây thì món nấm mối tự nhiên ở khu vực Tây Nguyên được rất nhiều người ưa chuộng. Và, việc khách hàng tấp nập mua chở về TP. HCM và các tỉnh miền Đông khiến giá bán cũng vì vậy lên cao.
Nhiều người nhân cơ hội này đã trồng nấm bằng cách ủ vào mùn cưa rồi bơm chất kích thích chứ hoàn toàn không phải tự nhiên khiến nhiều người tiêu dùng mất tiền triệu nhưng không mua được thực phẩm như ý.
Nấm mối rừng tự nhiên sẫm màu và nhỏ.
Điên đảo vì nấm mối
Chuyên gia săn nấm mối Nguyễn Linh Chung ở Pleiku, Gia Lai cho biết, mỗi năm nấm mối chỉ có một mùa bắt đầu từ tháng 7 đến tháng 9 dương lịch. Trước kia tìm mua nấm mối đơn giản, giá cũng rẻ, người ta bán nấm mối như bán các món rau thông thường.
Nhưng gần đây, được đồn là bổ dưỡng, có tác dụng chống lão hóa, giảm nguy cơ mắc ung thư nên hàng trăm người đổ xô đi đi săn nấm mối nhưng không săn được thì tìm cách biến nấm tự trồng thành nấm tự nhiên.
Theo kinh nghiệm của những người săn nấm, nấm mối chỉ xuất hiện ở nơi có nhiều mối đất sinh sống, làm ổ. Mối đất có ổ to như trái dừa khô, hình dáng từng hốc đất, ổ mối có màu trắng hoặc hơi ngả vàng.
Muốn biết có phải nấm mối hay không thì chỉ cần đào khoảng đất nhỏ xung quanh, nếu thấy có mối đất sinh sống thì chắc chắn đó là nấm mối. Nấm mối chỉ có từ tự nhiên và chỉ mọc vào đầu mùa mưa nên rất hiếm và được xem như là đặc sản của đất.
Ông Lê Công Tính (trú làng Ốp, phường Hoa Lư, TP Pleiku) kể, từ khi giá nấm mối được đẩy lên 500 đến 600.00 đồng/kg thì hàng trăm người dân ở phố núi này điên đảo vì nấm mối.
Mấy ngày nay, em trai ông Tính cũng lùng sục vào khắp các khu rừng để săn nấm mối tự nhiên bán cho được giá, nhưng có khi đi mấy ngày cũng chỉ tìm được 1kg nấm nên sinh ra chán nản và không đi nữa. Nhưng lạ thay người đàn ông này vẫn có nấm mối để bán đều đều như thường.
Không chỉ được đồn thổi có nhiều công dụng, bổ rẻ mà nấm mối dễ chế biến, dễ dùng. Nấm mối có thể nấu thành nhiều món khác nhau như: xào, nướng, đổ bánh xèo, nấu cháo. Nếu mua được nhiều có thể bảo quản ở ngăn mát trong tủ lạnh được khoảng 1 tuần, còn muốn để ăn dần, phải sơ chế sạch, bỏ vào túi hay hộp rồi cho vào bảo quản trong ngăn đá tủ lạnh, khi ăn cứ thế bỏ nấm ra.
Chính vì sự thuận tiện này nên nhiều tiểu thương và các đầu mối ở TP. HCM và miền Đông cũng ồ ạt lên Tây Nguyên để thu gom nấm mối với số lượng lớn mang về tiêu thụ cho các đại lý bán lẻ.
Ông Bảo Toàn ở xã Biển Hồ, Gia Lai cho biết: “Chúng tôi là những người rành rẽ về đường đi lối lại trong các khu rừng, các khu rẫy cao su nhưng săn giỏi lắm thì mỗi ngày cũng chỉ được 1kg thôi vì càng ngày càng hiếm, có hôm phải về tay trắng. Nhiều người dân khác, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số cũng đổ xô đi săn nhưng không được nên họ không săn nữa”.
Thế nhưng một điều khó hiểu là nấm mối được bán dọc quốc lộ 14 và bán ngay trước cổng chợ Pleiku nhiều vô kể, có những hôm nhiều đầu mối gom lại hàng trăm ký để chuyển đi TP. HCM. Từ những ngày giữa tháng 8 đến nay, hàng chục người dân ở Chư Pah, Gia Lai cũng điên đảo vì nấm mối. Hàng chục thanh niên và những lao động chính trong các gia đình túa hết đi săn nấm mối.
Theo nhiều thợ săn nấm mối thì nấm mối thường mọc ở những vùng rừng có độ ẩm cao hoặc trong các rẫy cao su, len lỏi một ít trong rẫy cà phê. Ban đêm búp nấm đẩy lớp mùn đất mọc lên, gặp ánh đèn sẽ tạo ra hiện tượng phản quang nên dễ phát hiện.
Nấm mới mọc bán đắt hơn so với đã nở. Là loài thực vật hoang, mọc không cố định, nên mỗi lần vào rừng, nông dân phải đi bộ hàng km để tìm, rất vất vả. Công hiệu của nấm mối thì không biết thực hư thế nào nhưng cứ thấy người này sùng sục đi tìm thì người khác cũng bắt trước theo.
Giữa “ma trận” thật giả
Cũng bởi giá nấm mối được đẩy lên cao liên tục nên nhiều tiểu thương đã lợi dụng điều này để biến nấm trồng thành nấm tự nhiên. Hoặc trộn lẫn một ít nấm mối tự nhiên vào khối lượng lớn nấm mối tự trồng bán cho các đầu mối ở TP. HCM.
Có mặt ở ngay trước chợ Chư Sê, Gia Lai ngày 22/8 từ sáng sớm tinh mơ chúng tôi đã thấy có nhiều người thồ hàng bao tải nấm mối tập kết về, sau đó một chiếc xe trọng tải 2,5 tấn đến bốc đi và di chuyển về hướng TP. HCM.
Một tiểu thương ở chợ Chư Sê cho biết, điều kiện thổ nhưỡng và thời tiết ở đây rất thích hợp để trồng nấm. Có nhiều loại nấm trồng giống y hệt nấm mối tự nhiên. Họ trồng rồi bơm chất kích thích vào cho lên nhanh sau đó khoác mác nấm mối tự nhiên bán cho các tiểu thương.
Chúng tôi tiếp cận một tài xế chở nấm mối thuê về TP. HCM thì được tài xế này cho biết: “Nấm mối tự nhiên ở khu vực Tây Nguyên này bây giờ ít lắm. Chủ yếu người đồng bào dân tộc thiểu số đi rừng nhiều ngày mới kiếm được, còn phần lớn là người ta tự trồng sau đó phun thuốc kích thích vào thôi.
Nấm trồng có hình dạng cũng không hề khác nấm tự nhiên mấy nên người mua khó mà phát hiện được”.
Ông Lê Chính, một người từng nhiều năm sử dụng nấm mối cho biết: Nấm mối tự nhiên có sức đề kháng tốt, vả lại vừa mọc xong là được hái ngay. Còn nấm tự trồng thường hay bị nhiễm bệnh do thời tiết.
Chính vì thế, để đảm bảo nấm sinh trưởng và phát triển tốt, hình thức đẹp, các chủ trồng nấm thường dùng thuốc tím hoặc nặng phải dùng Bennomyl, Zineb, validacin. Ngoài ra còn các côn trùng phá nấm như ruồi, mạt gà, bọ nhảy, cuốn chiếu, kiến, gián, phải dùng thuốc Furadan để diệt. Khi nấm đã tạo hình thì phun các loại thuốc kích thích sinh trưởng như Komix, Mimix, Atonic, Bioted…
Trong các loại thuốc bảo vệ và kích thích sinh trưởng nói trên, có nhiều loại trong danh mục được phép sử dụng trong quá trình trồng nấm, tuy nhiên liều lượng như thế nào, thời hạn từ lúc phun cho tới khi thu hoạch ra sao mỗi người trồng nấm áp dụng một kiểu nên phần nào có tác hại không tốt đến sức khỏe.
Theo chân một tiểu thương chuyên đi thu gom nấm mối tự trồng ở Gia Lai chúng tôi được biết nấm tự trồng rất đơn giản, chỉ cần ủ vào mùn cưa, cho nấm nhú lên, phun thuốc bảo quản vào và mang đi bán.
Loại nấm tự ủ này chỉ được phép nhú lên, dạng búp thì mới giống y như nấm mối. Giá các loại nấm trồng này thấp hơn nấm mối tự nhiên rất nhiều nên tiểu thương dễ dàng kiếm lời. Trung bình 1kg nấm trồng bán với giá chỉ có 120.000 đồng/kg.
Nấm mối trồng bằng mùn cưa và thuốc kích thích nhạt màu và to.
Ông Lê Tám, người chuyên thu gom nấm mối tự nhiên cho biết nấm mối trồng có tỷ lệ dinh dưỡng chỉ thấp bằng 1/3 nấm tự nhiên. Tuy nhiên điều quan trọng nhất là chất bảo quản cũng như chất kích thích người trồng phải sử dụng đúng liều lượng thì mới an toàn cho người sử dụng.
Cách để phân biệt nấm mối tự nhiên với nấm mối trồng cũng không quá khó khăn. Nấm mối tự nhiên thường mọc ở các ùng mối nên chân nấm thường có các lỗ, xù xì không thẳng tắp và nhẵn như nấm mối tự trồng.
Nấm tự nhiên có đường kính của vành rộng nhất chỉ 4-5 cm, trên chóp có màu nâu sẫm, thân to nhất cũng chỉ bằng ngón tay út, đuôi nấm có khi dài tới 12 cm vì nó ăn sâu xuống các ùng mối. Nấm này ăn rất ngon, có mùi của lá mục tự nhiên. Khi người tiêu dùng bỏ tiền triệu ra để mua 1kg nấm mối tự nhiên thì nên tìm hiểu kỹ trước các đặc tính của nấm.
Để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe thì dù là nấm gì cũng nên ngâm vào nước muối loãng trước khi sử dụng. Nếu như là nấm trồng, có chất kích thích thì khi ngâm nấm vào nước muối loãng, trên mặt nước sẽ nổi lên một lớp váng như váng dầu và xé cây nấm ra thì thân cây nấm không được dai.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ