Tin nông nghiệp Đột phá mô hình nông nghiệp đô thị xanh

Đột phá mô hình nông nghiệp đô thị xanh

Tác giả Chúc Ly, ngày đăng 02/06/2016

Đột phá mô hình nông nghiệp đô thị xanh

Nở rộ mô hình cho thu nhập cao

Trong phát triển nông nghiệp hướng đô thị, nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng, do đó các đơn vị có liên quan, tổ chức dạy nghề và doanh nghiệp phải chủ động phối hợp với viện, trường để mở các lớp đào tạo, huấn luyện, chuyển giao khoa học kỹ thuật mới, các giống cây con mới cho ND, nhà vườn”.

Ông Nguyễn Thanh Hừng

Theo Sở NNPTNT TP.Cần Thơ, những năm gần đây, trên địa bàn đã hình thành một số mô hình sản xuất theo hướng nông nghiệp đô thị, phù hợp với thực tiễn và mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho ND. Trong đó, phải kể đến các mô hình nổi bật như: Trồng hoa lan (với 49 hộ tham gia sản xuất trên 56.000 chậu lan các loại); sản xuất nấm trong nhà với chủng loại đa dạng (nấm bào ngư, rơm, linh chi…); nuôi cá cảnh (hiện có 7 cơ sở, cung ứng khoảng 13 triệu con cá bột cho thị trường/năm)…

Ông Phan Đức Hiền - chủ cơ sở nuôi trồng hoa Lan T’Ly Orchids (phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng) cho biết: “Những năm gần đây, nhu cầu chơi lan của người dân thành phố tăng cao nên thời gian đầu, tôi bán lan chậu để người dân trồng giải trí. Về sau, bán cả lan cắt cành cho các cửa hàng hoa tươi trong nội ô thành phố, cho thu nhập khá cao và ổn định”.

Hội ND quận Bình Thủy cho biết, thời gian qua, Hội ND quận đã phối hợp các ban, ngành đoàn thể và sự hỗ trợ của cấp trên để xây dựng một số mô hình kinh tế tập thể hoạt động có hiệu quả. Điển hình như Hợp tác xã Rau an toàn khu vực Bình Thường A được đầu tư xây dựng nhà sơ chế đóng gói; làng nghề hoa kiểng Phó Thọ - Bà Bộ được T.Ư Hội hỗ trợ cho 20 hộ vay 500 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ ND... Nhờ đó bà con ND trên địa bàn có điều kiện phát triển sản xuất cả về quy mô và hiệu quả kinh tế.

Hình thành các làng nghề nông nghiệp đô thị

Năm 2013, UBND thành phố đã phê duyệt đề án Phát triển vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh TP.Cần Thơ, với 4 vùng chuyên canh  gồm: Vùng nuôi cá tra; vùng chuyên canh cây ăn trái kết hợp du lịch sinh thái; vùng rau an toàn, vùng hoa kiểng và vùng nông nghiệp đô thị. Các mô  hình được thực hiện trên địa bàn các quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng và huyện Phong Điền trong giai đoạn 2013-2020. ND trong vùng sẽ tận dụng diện tích đất vườn nhà, đất thổ cư thực hiện mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao để nuôi, trồng các loại sinh vật cảnh có giá trị; tạo cảnh quan xanh, sạch đẹp để  hình thành các “làng nghề nông nghiệp đô thị”.

Trao đổi với NTNN, ông Nguyễn Thanh Hừng – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông -khuyến ngư TP.Cần Thơ cho biết: “Phát triển nông nghiệp đô thị, ngoài việc chuyển giao những mô hình có hiệu quả trong điều kiện ít đất sản xuất, Trung tâm sẽ định hướng ND áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích; khuyến khích các thành phần kinh tế tập trung sản xuất theo quy trình GAP nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tại chỗ và hướng đến xuất khẩu”.

Theo ông Phạm Văn Quỳnh - Giám đốc Sở NNPTNT TP.Cần Thơ, trong quá trình canh tác, nông dân ở các vùng nông nghiệp đô thị của thành phố sẽ phải chú trọng giảm sử dụng hóa chất, tăng ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch và công nghệ sinh học nhằm nâng cao năng suất, độ an toàn của sản phẩm... Đây cũng là định hướng phát triển lâu dài, phù hợp với yêu cầu chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp của thành phố.


Hướng dẫn bón phân NPK cho cây vải, nhãn Hướng dẫn bón phân NPK cho cây vải,… Làm VietGAP để vực dậy ngành chè Làm VietGAP để vực dậy ngành chè