Dự Án Nâng Cao Năng Suất Và Chất Lượng Kiệu Phù Mỹ Hiệu Quả Về Nhiều Mặt
Dự án do Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Bình Định và Viện KHKT Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ phối hợp thực hiện, nhằm nâng cao năng suất và chất lượng kiệu, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị canh tác, tăng thu nhập, cải thiện đời sống và nâng cao trình độ thâm canh cây kiệu cho nông dân trồng kiệu ở huyện Phù Mỹ.
Dự án “Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình (MH) nâng cao năng suất và chất lượng kiệu” triển khai tại các xã: Mỹ Trinh, Mỹ Hòa, Mỹ Hiệp và Mỹ Quang của huyện Phù Mỹ, thực hiện trong 3 năm (2012 - 2014), kinh phí đầu tư hơn 820 triệu đồng. Dự án có 4 mục tiêu chính: Phân tích và đánh giá được những tồn tại trong canh tác kiệu; xây dựng được MH thâm canh tổng hợp cây kiệu; xây dựng được MH nhân giống kiệu; xây dựng được MH chế biến đóng hộp kiệu ngay tại vùng nguyên liệu phù hợp với yêu cầu của thị trường tiêu thụ.
Thông qua hợp phần xây dựng MH chế biến đóng hộp kiệu, cơ sở sản xuất kiệu Ngọc Lan (ở thôn Bình Trị, xã Mỹ Quang) đã được hỗ trợ một số thiết bị, dụng cụ phục vụ chế biến kiệu đóng hộp với tổng trị giá 125 triệu đồng, gồm: 1 máy rửa rau quả dung tích 200 lít, công suất rửa 200 kg/giờ; hệ thống bể lên men với tổng dung tích 500 lít. Cơ sở còn được cơ quan thực hiện Dự án hỗ trợ 1 tấn kiệu tươi, hướng dẫn kỹ thuật chế biến kiệu muối, phân tích 2 mẫu kiệu muối và hỗ trợ xây dựng 1 bộ tiêu chuẩn cơ sở dùng cho kiệu muối của cơ sở Ngọc Lan. MH chế biến kiệu đóng hộp với sản phẩm chính là kiệu muối mặn và kiệu muối chua.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, chủ cơ sở kiệu muối Ngọc Lan, cho biết: Trên cơ sở vận dụng quy trình chế biến kiệu do Trung tâm Ứng dụng KH&CN tỉnh hướng dẫn, cơ sở sẽ sản xuất theo quy trình bán cơ giới một số khâu (rửa kiệu, lên men kiệu); được xây dựng tiêu chuẩn kiệu chế biến, đăng ký thương hiệu cho sản phẩm kiệu chế biến; đưa công suất lên 6 - 7 tấn/năm, góp phần tạo việc làm cho hơn 10 lao động, tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân.
Riêng hợp phần nhân giống và thâm canh tổng hợp cây kiệu đã giúp nông dân chủ động được nguồn giống tốt, áp dụng tiến bộ KHKT tiên tiến một cách đồng bộ, từ vệ sinh đồng ruộng, làm đất đến xuống giống, chăm sóc bón phân, phòng trừ sâu bệnh và thu hoạch, sơ chế kiệu; không lạm dụng phân, thuốc bảo vệ thực vật; mật độ trồng thưa nên củ kiệu khi thu hoạch to hơn, sâu bệnh ít phát triển, đảm bảo an toàn cho môi trường, sức khỏe người dân và hiệu quả kinh tế tăng rõ rệt.
Ông Nguyễn Văn Hùng, ở thôn Trà Lương, xã Mỹ Trinh, cho biết: Nhà tôi sản xuất 5 sào kiệu, được Dự án hỗ trợ vật tư phân bón, tập huấn kỹ thuật thâm canh nên năng suất kiệu tăng đáng kể, trên 400kg củ/sào, với giá bán kiệu củ hiện nay từ 20.000 - 24.000 đồng/kg, thu nhập trên 8 triệu đồng/sào, lợi nhuận trên 4 triệu đồng/sào.
Ông Ngô Đình Ba, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phù Mỹ, cho biết: Vụ kiệu tết năm nay toàn huyện có trên 600 ha kiệu, trong đó có nhiều diện tích sản xuất lúa thiếu nước, bà con nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng kiệu để tăng thu nhập.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ