Dự báo lũ về sớm, ĐBSCL không nên mở rộng trồng lúa thu đông
Năm nay, dự báo lũ tại vùng ĐBSCL sẽ về sớm và có thể đạt đỉnh lũ cao. Ngành nông nghiệp cảnh báo nông dân các tỉnh dọc hai bên bờ sông Tiền, sông Hậu cần theo dõi sát khuyến cáo của cơ quan chức năng khi mở rộng diện tích lúa thu đông.
Tiêu thụ lúa thu đông ở ĐBSCL đang là bài toán nan giải. Ảnh: Huỳnh Trọng
Lũ sớm giữa mùa khô
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, qua đo đạc, mực nước ở đầu nguồn sông Cửu Long trong các tháng mùa khô luôn ở mức cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) từ 0,45 – 0,55m. Những ngày cuối tháng 5, do ảnh hưởng của lũ tuyến trên kết hợp với triều cường, mực nước đo được tại trạm Tân Châu và trạm Châu Đốc cao hơn rất nhiều so với TBNN cùng kỳ và cao hơn cùng kỳ năm 2000 khoảng 0,1 – 0,3m.
Đặc biệt, trong các tháng mùa khô, lượng mưa tại Tân Châu cao hơn TBNN đến 77%, cao hơn năm 2016 xấp xỉ 50%, cao hơn năm 2015 gần 25%. Trong khi đó, lưu lượng mưa tại Châu Đốc (An Giang) cũng cao hơn TBNN đến 68%, cao hơn năm 2016 khoảng 61%. Dự báo trong tháng 6 và tháng 7, lượng mưa tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ cao hơn TBNN từ 10 – 20% so với cùng kỳ.
Cũng theo Trung tâm Khí tượng thủy văn T.Ư, kết quả sử dụng các phương pháp tính toán dòng chảy và mực nước trên sông Mekong và đầu nguồn sông Cửu Long cho thấy, nhiều khả năng đến cuối tháng 7 năm nay, mực nước tại Tân Châu sẽ cao hơn 2,5m.
Cụ thể, theo tính toán, mực nước cao nhất tháng 7.2017 tại Tân Châu phổ biến ở mức 2,8m, tại Châu Đốc phổ biến trên 2m. Như vậy, mùa lũ ở thượng nguồn sông Mekong khả năng đến sớm hơn TBNN. Lũ đầu nguồn sông Cửu Long cũng đến sớm. Đến cuối tháng 7, mực nước trên sông Tiền tại trạm Tân Châu và sông Hậu tại trạm Châu Đốc có khả năng ở mức 2,5 – 3m.
Nông dân cân lúa bán tại huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An. Ảnh: T.H
Theo TS Đặng Thanh Mai - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, kết quả dự báo đối với tổng lượng dòng chảy 3 tháng chính vụ mùa lũ năm 2017, tại các trạm chính trên sông Mekong ở mức cao hơn TBNN từ 10 – 15%, cao hơn năm 2016 từ 25 - 30%. “Nhiều khả năng, mực nước cao nhất năm tại trạm Tân Châu đạt mức 4,2m. Thời gian xuất hiện mực nước cao nhất năm có khả năng xảy ra vào nửa đầu tháng 10.2017” - TS Đặng Thanh Mai cho biết.
Không mở rộng lúa ở vùng ngoài đê bao
Trước những dự báo về lũ sớm, lũ lớn tại ĐBSCL năm nay, ông Lê Thanh Tùng – Phó Trưởng phòng Cây lương thực – thực phẩm (Cục Trồng trọt - Bộ NNPTNT) cho rằng, lũ đến sớm và đạt đỉnh cao có thể sẽ ảnh hưởng đến việc thu hoạch lúa vụ 3 của nông dân ĐBSCL. Do đó, để tránh trường hợp lúa chìm trong nước lũ, gây thất thoát cả về sản lượng lẫn chất lượng, Cục Trồng trọt đang lên kế hoạch sản xuất, xem xét thay đổi lịch thời vụ để né lũ.
Hơn nữa hiện tại nhu cầu xuất khẩu gạo đang có dấu hiệu “ấm lên”, nông dân một số vùng có thể sẽ tăng diện tích lúa thu đông để vớt vát phần lúa mất mùa trong vụ đông xuân vừa qua. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, nông dân cần tuân thủ lịch thời vụ và các khuyến cáo của ngành nông nghiệp, tuyệt đối không mở rộng sản xuất lúa ở vùng ngoài đê bao an toàn, tránh bị lũ về gây ngập úng.
Ông Lê Ngọc Quyền - Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cũng nhận định, nếu có lũ lớn trong năm 2017 thì cấp độ rủi ro thiên tai có thể đạt cấp 3, cấp 4 cho vùng đầu nguồn và cấp 3 cho khu vực hạ nguồn. Do đó, với hệ thống đê bao như hiện nay, các địa phương và nông dân cần đặc biệt quan tâm đến các vùng đê bao xung yếu, vùng trũng, ven sông, cù lao… nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các cụm, khu dân cư, vùng sản xuất nông nghiệp trong đê bao.
Trong khi đó, nhận xét về tình hình tiêu thụ lúa gạo hiện nay, ông Huỳnh Thế Năng - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) thông tin, sau một thời kỳ dài trầm lắng, xuất khẩu gạo của Việt Nam đang có một số tín hiệu tốt trở lại nhờ những nhu cầu mới. Đơn cử như Philippines đang xem xét nhập khẩu 250.000 tấn gạo để bổ sung tồn kho đệm trong những tháng không thu hoạch từ tháng 7 đến tháng 9. Hay như mới đây, các doanh nghiệp đã đấu thầu cung cấp 40.000 tấn gạo cho Malaysia và Việt Nam cũng đã bán cho Iraq 40.000 tấn gạo jasmines.
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn T.Ư, đến cuối tháng 7.2017, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tại trạm Tân Châu, Châu Đốc có khả năng ở mức 2,5 - 3m, nguy cơ xảy ra ngập lụt ở huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng (Long An) và một số vùng ven sông, ngoài đê bao các tỉnh An Giang, Đồng Tháp. Đỉnh lũ năm ở đầu nguồn sông Cửu Long khả năng ở mức báo động 2, báo động 3.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ