Thống kê thủy sản Dự đoán nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc sẽ giảm trong năm 2020

Dự đoán nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc sẽ giảm trong năm 2020

Tác giả Thủy Chung, ngày đăng 24/04/2020

Dự đoán nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc sẽ giảm trong năm 2020

Theo một cuộc thăm dò của Undercurrentnews, hơn 80% các Giám đốc điều hành trong ngành thủy sản Trung Quốc dự đoán Trung Quốc sẽ giảm NK thủy sản trong năm 2020.

Theo cuộc thăm dò với 36 Giám đốc điều hành Trung Quốc, 30 thành viên (tương đương với 83%), dự đoán Trung Quốc sẽ giảm NK thủy sản trong năm 2020 so với năm 2019. Đối với tôm, 72% những người tham gia khảo sát cho rằng sản lượng tôm NK thấp hơn trong khi đó 67% dự đoán NK cá hồi sẽ giảm.

Trong năm 2019, Trung Quốc đã NK thủy sản trị giá 106 tỷ NDT (15,3 tỷ USD), trở thành nhà NK thủy sản lớn thứ 2 trên thế giới sau Mỹ. Trung Quốc cũng là nhà NK tôm lớn nhất thế giới tính theo khối lượng.

Theo số liệu được tổng hợp bởi Undercurrennews, tôm, cá hồi, tôm hùm Mỹ và cá tra là những mặt hàng thủy sản NK hàng đầu của Trung Quốc. NK những mặt hàng này trong năm 2019 đạt giá trị 6,24 tỷ USD.

Theo cuộc thăm dò, 64% người tham gia cho rằng NK tôm hùm Mỹ và cá tra Việt Nam trong năm 2020 cũng sẽ giảm. Năm 2019, NK hai mặt hàng này đạt giá trị hơn 1 tỷ USD.

Trong khi đó, chỉ có 2 người tham gia khảo sát dự đoán NK thủy sản của Trung Quốc trong năm 2020 sẽ tăng trong khi 4 người khác cho biết rất khó để dự đoán.

Mối quan tâm về nguồn cung

Cuộc thăm dò thu hút sự tham gia của nhiều nhân vật hàng đầu trong ngành thủy sản của Trung Quốc trong đó có sự tham gia của Chủ tịch Liên minh chế biến và tiếp thị thủy sản của Trung Quốc. Cuộc thăm dò đã cung cấp cái nhìn sâu sắc của các nhà điều hành Trung Quốc về triển vọng thị trường.

Sự quan tâm ngày càng tăng đối với thị trường thủy sản của Trung Quốc vì hiện tại các quốc gia khác trên thế giới hiện đang áp đặt các biện pháp phong tỏa nhằm ngăn chặn dịch Covid-19.

Trong số các mối quan tâm chính của các Giám đốc điều hành thủy sản Trung Quốc nguồn cung là yếu tố được quan tâm nhất. Cuộc thăm dò cho thấy gần một nửa người tham gia tin rằng nguồn cung tôm, cá hồi, cá tra và tôm hùm Mỹ cũng như nhu cầu ở Trung Quốc cho các sản phẩm này sẽ giảm trong năm 2020.

Nói một cách đơn giản, các nhà điều hành Trung Quốc lo ngại các công ty dù muốn XK sang Trung Quốc cũng khó làm điều đó vì lệnh phong tỏa trong nước.

Các nhà điều hành cho rằng nguồn cung sẽ giảm trong năm 2020 đối với các sản phẩm thủy sản. Đối với sản phẩm tôm, 53% dự đoán cả nguồn cung tôm và nhu cầu tôm của Trung Quốc sẽ thấp hơn trong năm 2020. Trong khi đó, 22% dự đoán nguồn cung tôm sẽ giảm, nhưng nhu cầu của Trung Quốc sẽ tăng. Để so sánh, chỉ 8% dự đoán nguồn cung tôm sẽ tăng kết hợp với nhu cầu tôm của Trung Quốc giảm. 14% không đưa ra đánh giá.

Nói cách khác, 75% các nhà điều hành ngành thủy sản Trung Quốc dự kiến có vấn đề về nguồn cung tôm trong năm 2010 trong khi chưa đến 10% dự đoán nguồn cung tôm sẽ tăng. Các dự đoán với các loài khác cũng tương tự.

Nỗi lo từ nguồn cung Ecuador

Số liệu thống kê về XK trong tháng 2/2020 của Ecuador cho thấy nhu cầu của Trung Quốc vẫn được duy trì dù nước này đang áp dụng các biện pháp phong tỏa vào thời điểm đó. Trong tháng 2/2020 Ecuador thậm chí đã XK tôm đến Trung Quốc nhiều hơn so với cùng kỳ năm 2019.

Tuy nhiên, hiện tại lo lắng về nguồn cung của Trung Quốc đã xuất hiện khi Guayaquil – thành phố lớn thứ 2 của Ecuador đồng thời là trung tâm sản xuất tôm chính đang bị ảnh hưởng bỏi dịch Covid-19. Giá tôm có thể tăng khi các nhà máy của quốc gia này đã đóng cửa.

Năm 2019 Trung Quốc nhập khẩu thủy sản trị giá 16 tỷ USD

Theo phân tích NK thủy sản của Trung Quốc được thực hiện bởi Undercurrentnews, các nhà cung cấp các loài giáp xác (như tôm, cua ghẹ, tôm hùm) cho Trung Quốc có thể được hưởng lợi khi quốc gia này gỡ bỏ lệnh phong tỏa và hoạt động trở lại, bên cạnh đó một số nhà cung cấp khác cũng có cơ hội bù đắp những thiệt hại trước đó.

Trung Quốc NK một lượng khổng lồ sản phẩm thủy sản sẽ tạo ra cơ hội cho các nhà cung cấp đang chịu thiệt hại. Tuy nhiên, cơ quan điều hành ngành thủy sản Trung Quốc cũng lo ngại đại dịch Covid-19 cũng đang ảnh hưởng đến nguồn cung.

Năm 2019, Trung Quốc đã NK các loài giáp xác với giá trị 7,03 tỷ USD, tương đương với 45% tổng lượng thủy sản NK của Trung Quốc. NK các loài khác như nhuyễn thể (mực, bạch tuộc, sò điệp), cá nguyên con đông lạnh, cá tươi/ướp lạnh… với giá trị 8,59 tỷ USD (chiếm 55% tổng lượng thủy sản NK).

Năm 2019, NK thủy sản của Trung Quốc đã tăng 39% lên 106 tỷ NDT (15,6 tỷ USD), trở thành nước NK thủy sản lớn thứ 2 trên thế giới sau Mỹ. Trung Quốc cũng là nhà NK tôm lớn nhất thế giới theo khối lượng.

Giá trị NK cá đông lạnh nguyên con như cá minh thái Alaska hay cá tuyết đông lạnh cũng tương đối lớn với 4,94 tỷ USD (tương đương với 31% tổng lượng thủy sản NK). Hầu hết cá đông lạnh nguyên con được chế biến ở Trung Quốc phục vụ tái xuất.

Tôm là loài giáp xác được Trung Quốc NK nhiều nhất, các sản phẩm tôm NK bao gồm: tôm nước lạnh/nước ấm tươi, đông lạnh. Năm 2019, khối lượng tôm NK của Trung Quốc tăng gần gấp 3 lần, đạt 718.000 tấn với giá trị 4,44 tỷ USD. Ecuador và Ấn Độ là những nhà XK tôm hàng đầu cho Trung Quốc.

NK cua sống, tươi hoặc ướp lạnh của Trung Quốc (như sản phẩm cua hoàng đế NK từ Nga hay cua nâu NK từ Anh) giảm 2% so với cùng kỳ năm 2018 đạt 778 triệu USD.

NK cua đông lạnh (chủ yếu từ Chile) đạt 210 triệu USD, giảm 24% so với cùng kỳ năm 2018.

NK tôm hùm đá tươi, sống, ướp lạnh (chủ yếu từ Australia và New Zealand) tăng 3% đạt 941 triệu USD. NK tôm hùm sống, tươi và ướp lạnh từ Mỹ cũng tăng 7% lên 475 triệu USD.

Trong khi đó, NK mực ống và mực nang đông lạnh tăng 63% lên 862 triệu USD vào năm 2019. Số liệu này không gồm sản lượng mực được khai thác bởi đội tàu khai thác ở vùng nước xa của Trung Quốc. Trung Quốc cũng NK 117 triệu USD mực nang và mực ống bảo quản hoặc sơ chế.

NK cá hồi Đại Tây Dương tươi của Trung Quốc tăng 5% lên 686 triệu USD trong năm 2019, trong khi NK cá hồi Đại Tây Dương đông lạnh giảm 1% xuống còn 90 triệu USD.

Đối với NK cá tra nuôi từ Việt Nam - một sản phẩm được yêu thích khác ở Trung Quốc, NK sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh đã tăng 68% so với cùng kỳ năm 2018 lên 449 triệu USD trong khi NK sản phẩm cá tra đông lạnh nguyên con tăng 23% đạt 60 triệu USD.

Nhập khẩu phục vụ tái xuất

Trung Quốc NK nhiều loài thủy sản đông lạnh nguyên con phục vụ cho hoạt động chế biến và tái xuất.

Với sản phẩm cá thịt trắng, trong năm 2019, NK cá minh thái Alaska đông lạnh nguyên con tăng 44% đạt 941 triệu USD, nguyên nhân chính do giá cao hơn. Tuy nhiên, NK cá haddock đông lạnh nguyên con và cá tuyết đông lạnh nguyên con giảm lần lượt 12% xuống chỉ còn 641 USD và 13% đạt 131 triệu USD.

Trong khi đó, NK cá hồi Thái Bình Dương đông lạnh nguyên con – sản phẩm được khai thác tự nhiên ở Nga và Alaska, giảm 43% đạt 326 triệu USD, nguyên nhân do sản lượng thu hoạch thấp hơn. NK cá flatfish cũng giảm 6% xuống chỉ đạt 275 triệu USD.

NK cá thu (Đại Tây Dương và Thái Bình Dương) của Trung Quốc tăng 19% lên 200 triệu USD, trong khi NK cá trích tăng 25% lên 110 triệu USD.

NK cá ngừ vằn đông lạnh nguyên con vào Trung Quốc giảm 34% xuống còn 93 triệu USD, số liệu này không bao gồm sản lượng cá ngừ cập cảng bởi các tàu khai thác của Trung Quốc. Hầu hết cá ngừ được chế biến phục vụ tái xuất, đặc biệt là sản phẩm thăn cá ngừ chín.

NK cá đông lạnh nguyên con của Trung Quốc (như cá bơn lưỡi ngựa – halibut và cá toothfish) cũng tăng trưởng đáng kể. NK cá toothfish đông lạnh của Trung Quốc tăng 32% lên 167 triệu USD, trong khi NK cá bơn lưỡi ngựa Greenland tăng 24% lên 408 triệu USD. NK cá tra nguyên con đông lạnh tăng 23% so với cùng kỳ năm 2018 lên 60 triệu USD.


Nhập khẩu mực, bạch tuộc của Hà Lan, T1-T3/2017, theo khối lượng Nhập khẩu mực, bạch tuộc của Hà Lan,… Quý 1/2020 xuất khẩu thủy sản sang đa số các thị trường sụt giảm Quý 1/2020 xuất khẩu thủy sản sang đa…