Đưa chính sách đến sát nông dân
Hội thảo do Hội Nhà báo Việt Nam, Báo Nông Thôn Ngày Nay cùng CLB Phóng viên 3N-Club tổ chức.
30 năm, 3 giai đoạn chính sách
Chúng ta cứ nói “Nông dân là chủ thể”, nhưng trong đàm phán hợp đồng không có bóng dáng của nông dân, thì chủ thể kiểu gì. Làm chủ thì phải sở hữu tài sản, đất đai, quyền định đoạt giá sản phẩm của mình...”.
Nhà báo Hoàng Trọng Thủy
Mở đầu buổi hội thảo, TS Đặng Kim Sơn – nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Phát triển nông thôn (IPSARD) chia sẻ, chính sách đóng vai trò quyết định trong thành công đột phá của nông nghiệp Việt Nam. Thành tựu nổi bật nhất trong 30 năm đổi mới của Việt Nam là từ thiếu lương thực đến vị trí quốc gia xuất khẩu (XK) hàng đầu thế giới về 5-7 mặt hàng, tạo ổn định chính trị xã hội, chủ yếu do nông nghiệp, nông dân, nông thôn đóng góp.
Trong 30 năm qua, có 3 giai đoạn chính sách. Một là cởi trói, trả quyền cho dân tự do hóa thương mại. Chính phủ trực tiếp chỉ đạo từ trên xuống dưới, tạo nên sức mạnh trong dân.
Đầu tư nông nghiệp giảm nhưng mức độ tăng trưởng kỷ lục trên thế giới, khoảng 13,5%. Hai là chính sách tạo hành lang, chính phủ không cầm tay chỉ việc nhiều mà chuyển sang quản lý, giám sát định hướng giúp xử lý, ngăn chặn các trường hợp thiên tai địch họa, gian lận thương mại…
Đây là điều kiện để đẩy mạnh xuất khẩu, tiến vào thị trường thế giới ngoạn mục, thay đổi hẳn bộ mặt nông thôn. Ba là, Chính phủ kiến tạo, mở đường phối hợp phục vụ cho người dân. Sức ép đầu tư theo kiểu trợ cấp cho nông dân rất lớn, ngay ở các nước có nền kinh tế thị trường cũng rơi vào tình trạng này, chứ không riêng gì các nước chuyển đổi sang kinh tế thị trường.
TS Sơn nhấn mạnh: “Điển hình là Thái Lan trợ cấp cho nông nghiệp nặng nề, lúa gạo trợ cấp cả đầu vào lẫn đầu ra. Trong vùng Đông Nam Á không chính phủ nào không trợ cấp cho nông nghiệp. Cho thẳng tiền mua phân, giống, mua nông sản với giá cao, làm méo mó thị trường... Trung Quốc, Nga cũng làm mạnh việc này, sau đó lấy thuế từ đô thị đầu tư trở lại cho nông dân. Vậy Chính phủ Việt Nam có nên thế không?”.
“Kéo” doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp
Nhiều ý kiến cho rằng để các mô hình phát triển, đời sống của người dân được nâng cao, ngoài việc hỗ trợ cho người dân trực tiếp sản xuất, Nhà nước cần có một cơ chế thông thoáng, “kích cầu” nhằm kéo các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
TS Nguyễn Trí Ngọc – Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Tổng hội NNPTNT Việt Nam quan tâm vấn đề tạm trữ lúa gạo: “Khi lúa được mùa, nhiều báo cáo, báo chí cho là vai trò của quản lý nhà nước tốt. Nhưng khi giá thấp, trách nhiệm lại thuộc về nhà nước.
Tôi cho rằng, trong giai đoạn mới nhà nước phải thay đổi quyết liệt tư duy làm chính sách, lợi ích nhóm và nếu không thay đổi thì chắc chắn không mang lại hiệu quả. Và tôi cũng đề nghị các cơ quan báo chí nên phân tích theo khía cạnh đó, thay đổi tư duy làm chính sách giúp bộ, ngành như công thương, NNPTNT làm chính sách để chính sách đi vào cuộc sống”.
Nhà báo Hoàng Trọng Thủy - nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Nông Thôn Mới cho rằng, chính sách có vai trò dẫn đường. Từ 2009-2014, Nhà nước ban hành 28 chính sách lớn về đất đai, vốn tín dụng, khuyến nông, thương mại, nông sản, dân sinh, nông thôn mới… Nhìn vào cơ cấu chính sách thì thấy, về KHKT quá ít, trong khi người nông dân phải vượt qua 4 đỉnh núi-vốn, KHKT, thương hiệu và thị trường. Mâu thuẫn là sản xuất nhỏ và thị trường lớn.
Ông Thủy cho rằng: “Về báo chí, tôi cho rằng cách tiếp cận chính sách là có nhưng chỉ chạy theo thông tin, còn việc phân tích tại sao như vậy thì thiếu cây bút sắc sảo, cách tiếp cận với chuyên gia còn ngại ngần, bài báo ít số liệu minh chứng cụ thể... Do đó tôi cho rằng, để phản biện chính sách các nhà báo cần phải đầu tư thêm”.
Chia sẻ vấn đề này, nhà báo Lan Hương (Đài Tiếng nói Việt Nam) cũng cho rằng: “Thực tế, mỗi chính sách mới mà Nhà nước ban hành thường rất được báo chí, công chúng và người dân quan tâm, hy vọng, nhưng khi đi vào thực hiện thì mới thấy có rất nhiều vấn đề.
Đơn cử như chính sách về bảo hiểm nông nghiệp hay hỗ trợ cơ giới hóa và giảm tổn thất sau thu hoạch… lúc mới ban hành, ai cũng nghĩ nông nghiệp thay đổi đến nơi, nông dân sướng đến nơi rồi, nhưng thực tế thì lại thất bại”. Do đó, theo nhà báo Lan Hương, bên cạnh việc tuyên truyền về các chính sách mới, các nhà báo cũng cần phải có những bài phản biện, góp ý xây dựng chính sách sao cho thực tế hơn với người nông dân.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ