Mô hình kinh tế Dưa Điền Công Bội Thu

Dưa Điền Công Bội Thu

Ngày đăng 03/06/2014

Dưa Điền Công Bội Thu

Về Điền Công những ngày này, ai cũng dễ dàng cảm nhận được không khí rộn ràng, phấn khởi bao trùm khắp mọi đường thôn, ngõ xóm. Dọc con đường “Nông thôn mới” kéo dài gần 6km, từ Quốc lộ 18A vào đến trung tâm xã, ô tô - xe máy chất đầy những quả dưa căng mọng nườm nượp vào ra, tạo nên một bức tranh ngày mùa vui, rộn ràng...

Từ nhiều năm nay, mỗi khi nhắc đến dưa hấu, dưa bở v.v... là người ta lại nghĩ ngay đến Điền Công (Uông Bí - Quảng Ninh). So với dưa trồng ở nơi khác, dưa Điền Công luôn có chất lượng vượt trội.

Quả dưa to, tròn, chắc nịch với vị ngon, giòn và ngọt đậm đà. Dưa Điền Công đang dần trở thành một thương hiệu có uy tín trên thị trường hoa quả ở TP Uông Bí nói riêng, Quảng Ninh nói chung. Chính vì thế, cây trồng “một vốn - bốn lời” này ngày càng được bà con nông dân ở đây trồng nhiều hơn. Dẫn chúng tôi đi thăm một số vùng trồng dưa tập trung ở thôn 2, Phó Chủ tịch UBND xã Điền Công, chị Bùi Thị Huấn tâm sự: “-Cây dưa được bà con Điền Công trồng nhiều có lẽ bắt đầu từ những năm 1983-1984.

Nhưng lúc bấy giờ, chủ yếu bà con trồng để phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày cho gia đình. Thế rồi, thấy cây dưa phù hợp với thổ nhưỡng ở đây, nhất là chất lượng dưa thì “miễn chê”, nên các hộ dân đua nhau trồng. Đến nay, trồng dưa đã trở thành “cây chủ lực” vụ xuân hè của xã Điền Công…”.

Hiệu quả kinh tế của nghề trồng dưa thì đã rõ. Tuy nhiên, trên thực tế, người dân Điền Công vẫn chỉ trồng manh mún, nhỏ lẻ theo hướng tự cung, tự cấp chứ chưa tạo được vùng trồng tập trung, sản xuất ra sản phẩm hàng hoá. Từ đó, năm 2012, trong Đề án phát triển sản xuất theo chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2013, định hướng đến năm 2015, xã Điền Công đã thực hiện dự án xây dựng và phát triển cây dưa trên địa bàn toàn xã.

UBND xã đã tổ chức quy hoạch lại theo vùng, hướng dẫn kỹ thuật chăm bón và hỗ trợ toàn bộ giá giống cho người dân trong suốt hai năm đầu thực hiện dự án. Theo đó, dự án trồng dưa đã được triển khai từ tháng 2-2012 trên tổng diện tích 15ha ở cả ba thôn (thôn 1, thôn 2 và thôn 3) với tổng kinh phí trên 740 triệu đồng. Trong đó, vốn từ ngân sách xã là trên 56 triệu đồng và nguồn kinh phí đối ứng của dân là 684 triệu đồng.

Song song với việc thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về kiến thức và kỹ năng trồng dưa, xã cũng đã chỉ đạo các cán bộ khuyến nông đôn đốc và theo dõi sát sao quá trình thực hiện dự án. Nhờ đó, chỉ sau hơn ba tháng trồng, dưa thương phẩm đã cho thu hoạch, đạt sản lượng bình quân 7,5 tạ/sào. Với giá bán bình quân 10.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí giống, vật tư, phân bón v.v.. người dân còn lãi gần 4 triệu đồng/sào.

Đến thăm ruộng dưa của bà Nguyễn Thị Dêu ở thôn 2, trong cái nắng nóng, oi bức của ngày hè nhưng chúng tôi thấy bà Dêu vẫn say sưa với công việc thu hoạch dưa. Năm nay, gia đình bà Dêu thắng to vì dưa bán “chạy hàng”.

Vừa nhanh tay chọn dưa già, dưa chín cắt bán cho thương lái, bà Dêu vừa lau vội những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán, hồ hởi nói: “-Gia đình tôi trồng dưa đến nay cũng ngót hơn chục năm rồi; những năm trước chỉ trồng đủ gia đình dùng và bán chút ít cho bà con trong xã. Mấy năm trở lại đây mới trồng nhiều; phần vì dưa Điền Công ngày càng được khách hàng ưa chuộng, phần vì xã mới có đường sá rộng rãi, thuận tiện cho các thương lái đến mua.

Hiện nay, dưa Điền Công sản xuất được bao nhiêu đều tiêu thụ hết bấy nhiêu. Thậm chí, nhiều khi có mối gọi điện đặt mua mà không có hàng để bán…”.

Càng vui hơn khi vụ dưa năm nay vừa được mùa lại được giá. Mặc dù hiện tại không còn là thời điểm chính vụ nhưng giá dưa vẫn cao hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái (giá mua cất từ 15.000-20.000 đồng/kg dưa gang, 12.000-13.000 đồng/kg dưa hấu, 20.000 đồng/kg dưa lê và 15.000 đồng/kg dưa bở…).

Với giá này, bình quân mỗi sào dưa lãi gần 10 triệu đồng. Chính vì thế, không chỉ riêng bà Dêu, hộ nào càng trồng nhiều dưa càng vui. Gia đình chị Đoàn Thị Băng, cũng ở thôn 2, mới chỉ bắt đầu trồng dưa từ vụ xuân hè năm 2011, nhưng đến nay thì nghề này đã trở thành nguồn thu nhập chính cho gia đình.

Chị Băng nói: “-Tuy mỗi năm chỉ có một vụ trồng dưa nhưng lại có nhiều ưu điểm. Các loại dưa hầu hết đều dễ trồng, dễ chăm sóc, chi phí đầu tư ít… Vừa làm, vừa chơi thì sau mỗi vụ, gia đình nào có vài sào đất trồng dưa cũng đã thu về được vài chục triệu đồng…”.

Đánh giá về dự án xây dựng và phát triển cây dưa trên địa bàn xã, chị Bùi Thị Huấn, Phó Chủ tịch UBND xã Điền Công, cho biết: “Nếu như trước đây, diện tích trồng dưa trên địa bàn xã chỉ khoảng từ 2-3ha, thì đến nay con số này đã lên tới 15ha.

Diện tích trồng dưa được nhân rộng đã tạo thêm công ăn việc làm, giúp người dân tận dụng được lao động nhàn rỗi để phát triển kinh tế gia đình, tăng thu nhập cải thiện đời sống. Bên cạnh đó, dự án cũng đã góp phần thay đổi căn bản về nhận thức của người dân trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, thay thế các cây trồng kém hiệu quả, dài ngày sang trồng cây cho năng suất cao, chất lượng tốt, thời gian ngắn.

Có thể nói, dự án này đã góp phần tạo niềm tin cho nhân dân về sự thành công của chương trình xây dựng nông thôn mới hiện nay!”


Quảng Bạch (Bắc Kạn) Mở Rộng Diện Tích Trồng Hồng Không Hạt Quảng Bạch (Bắc Kạn) Mở Rộng Diện Tích… Cây Ca Cao Ở 3 Huyện Phía Nam, Thêm Một Bài Học Cây Ca Cao Ở 3 Huyện Phía Nam,…