Dưa hấu ế vì thông tin thị trường mù mờ!
Câu chuyện về dưa hấu một lần nữa lại được đặt ra cho lãnh đạo Bộ Công Thương. Các phóng viên nêu với Thứ trưởng Trần Tuấn Anh chỉ mỗi câu hỏi: “Liệu bây giờ tiêu thụ nông sản phải trông chờ vào lòng trắc ẩn của người dân?”.
Nông sản “ế” vì thông tin mù mờ
Thứ trưởng Trần Tuấn Anh chia sẻ: “Tôi rất hiểu mong muốn của người nông dân là thấy được vai trò của Nhà nước mạnh hơn nữa để giải quyết được tận gốc vấn đề tiêu thụ nông sản. Đây là vấn đề lớn liên quan đến việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp".
Nhìn dưới góc độ thị trường thì hiện tượng dưa hấu ế là do cung vượt quá cầu. Nhưng câu chuyện này đã nhiều lần xảy ra khiến nhiều người không khỏi đặt câu hỏi tại sao việc mất cân đối nghiêm trọng giữa cung và cầu lại có thể tái diễn định kỳ?
Câu chuyện về dưa hấu được Thứ trưởng Trần Tuấn Anh trần tình: “Ngay từ đầu năm 2014 chúng tôi đã có văn bản tới các địa phương cảnh báo về vụ dưa hấu năm nay. Chúng tôi cũng đề nghị các Sở Công Thương hướng dẫn cho người dân về quy cách và tiêu chuẩn kỹ thuật để đảm bảo yêu cầu hàng xuất khẩu…”
Tuy nhiên, do sức hút của thị trường, hơn nữa, dưa hấu lại là loại dễ canh tác nên việc tổ chức sản xuất của người dân vẫn mang tính tự phát. Thực tế khi những xe dưa hấu chở lên cửa khẩu để thông quan từ phía Việt Nam chỉ mất 1, 2 phút qua biên giới. Nhưng để phía bạn kiểm định chất lượng và nhập hàng về thì phải mất vài tiếng đồng hồ mỗi xe. Với thời tiết này, dưa hấu không đảm bảo được quy chuẩn nhập khẩu nên nhiều xe hàng bị trả lại.
Một nguyên nhân nữa được Thứ trưởng Tuấn Anh nêu ra là trong khi năng lực sản xuất của chúng ta lớn như vậy nhưng thực tế chỉ có khoảng 10 đầu mối nhập hàng phía bạn. Những đầu mối nhập hàng tùy vào tín hiệu của thị trường bên họ, nhưng quan trọng nhất vẫn là chất lượng dưa hấu phải đảm bảo thì họ mới nhập. Những đầu mối nhập hàng cũng chỉ xem xét hàng hóa và mua bán khi các xe chở dưa đã thông quan qua biên giới, họ không nắm rõ được việc sản xuất cũng như có thể thông tin về thị trường tiêu thụ cho người sản xuất.
Thông tin trong thời đại hiện nay không thể nói là khan hiếm và khó cập nhật. Nhưng sản xuất và thị trường tiêu thụ nông sản đều có tính thời vụ nhiều nên việc cập nhập không kịp thời khiến người sản xuất không nắm được tín hiệu của thị trường để chủ động điều tiết. Điều này gây tác hại lớn như chúng ta từng biết.
Trong những năm vừa qua, Bộ NN&PTNT đã cố gắng đưa ra những quy hoạch chi tiết các tiểu vùng trồng cây gì, nuôi con gì. Nhưng, vì không nhận được những tín hiệu cụ thể từ thị trường nên nông dân vẫn mặc sức... phá quy hoạch. Rồi lại chính họ lại phải nếm trái đắng “được mùa mất giá”.
“Bài ca được mùa mất giá” này đã từng xảy ra từ cả những cây công nghiệp như cao su, rau củ, rồi đến hoa quả…
Doanh nghiệp chắp nối giữa thị trường và sản xuất
Theo quan điểm của Thứ trưởng Trần Tuấn Anh, việc nghiên cứu thị trường để định hình quy hoạch sản xuất nông nghiệp theo yêu cầu của thị trường là công việc của các cơ quan quản lý nhà nước.
Còn doanh nghiệp là thành phần quyết định trong câu chuyện thúc đẩy tiêu thụ nông sản. Nhưng để nâng cao vai trò và năng lực của doanh nghiệp cũng đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các Bộ, ban, ngành liên quan.
Điển hình như câu chuyện tiêu thụ vải thiều Bắc Giang năm ngoái: Trước vụ vải thiều, lãnh đạo Bộ Công thương và Bộ NN&PTNT đã cùng đến Bắc Giang để làm việc với tỉnh. Không những thế, lãnh đạo các Bộ này và tỉnh Bắc Giang cũng đã chủ động tìm kiếm và làm việc với nhiều đầu mối là các doanh nghiệp tiêu thụ lớn. Việc này đã giúp vụ vải thiều 2014 của Bắc Giang tuy đạt năng suất cao vượt bậc nhưng tiêu thụ được, thu về được hơn 1.600 tỷ đồng – con số chưa từng có trong các vụ vải trước.
Câu chuyện vải thiều Bắc Giang cho thấy khi có sự thúc đẩy mạnh mẽ của lãnh đạo các Bộ, ngành và địa phương thì doanh nghiệp cũng sẽ chủ động tham gia vào tiêu thụ nông sản hơn. Sự vào cuộc chủ động của các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp đã giải được bài toán khó “được mùa mất giá” lâu nay. Đây cũng còn cho thấy kết quả của sự cập nhật và liền mạch thông tin từ sản xuất đến thị trường; nhờ đó người nông dân đã thực sự được hưởng lợi từ sản xuất.
Trong những thời khắc cuối cùng trước thềm của việc hội nhập toàn diện và sâu rộng, doanh nghiệp đòi hỏi phải có kiến thức về hội nhập, nắm được các luật thương mại, hàng rào thuế quan và cả các rào cản kỹ thuật của các thị trường đối tác… Tuy nhiên, tốc độ của hội nhập sẽ không có thời gian và cơ hội để mỗi vụ cây, trái, nông sản lại có những chiến dịch tiêu thụ như đối với vải thiều Bắc Giang năm 2014.
Nhìn vào câu chuyện về tiêu thụ nông sản hiện nay, các cơ quan quản lý nhà nước chính là những người kết nối chính sách sản xuất và tiêu thụ nông sản của Việt Nam với chính sách kinh tế của các nước nhập khẩu. Nhưng, để có hiệu quả thương mại thực sự thì doanh nghiệp mới là người chắp mối giữa tín hiệu thị trường và sản xuất nông nghiệp trong nước.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ