Đưa Nấm Rơm Từ Nhà Ra Ruộng
Nấm rơm là loại nấm dễ trồng, có giá trị dinh dưỡng và dược liệu cao nên ngày càng được nhiều nông dân tham gia sản xuất. Việc trồng nấm rơm trái vụ ngay trên đồng ruộng giúp tiết kiệm chi phí nhà xưởng, tận dụng nguồn nguyên liệu rơm rạ sẵn có, đồng thời có thể đáp ứng nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất theo ý muốn của nông dân.
Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư Bắc Ninh tiến hành đề tài: “Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất, chế biến, tiêu thụ nấm rơm trái vụ” thử nghiệm tại 3 địa phương là: HTX Bùng (xã Bình Dương, Gia Bình), HTX Tư Thế (xã Trí Quả, Thuận Thành) và HTX Thanh Gia (xã Quảng Phú, Lương Tài).
Sau khi thu hoạch xong vụ mùa, người dân tiến hành ủ rơm rạ với các nguyên liệu đơn giản như vôi bột hoặc nước vôi trong, ngay trên nền ruộng cao ráo, thoát nước tốt. Mỗi mô hình sử dụng 30 tấn rơm rạ, sau khi đánh luống theo đúng kỹ thuật, người dân cấy giống được 7 - 8 ngày, lột toàn bộ nilon phủ rồi tưới nước vào mô nấm như mưa phùn, tưới xong đậy lại như ban đầu. Đợi 7 - 8 ngày nữa nấm rơm bắt đầu ra quả, nông dân tiến hành thu hoạch xong rồi lại tưới nước trực tiếp vào mô đậy lại 3 - 4 ngày rồi thu hoạch tiếp 3 - 4 đợt là kết thúc.
Thời gian từ lúc xử lý nguyên liệu đến khi kết thúc việc thu hái nấm từ 1 tháng đến 1,5 tháng. Sau đó, người dân có thể tận dụng rơm rạ trồng nấm mỡ hoặc ủ thêm làm phân hữu cơ bón cho các cây vụ đông khác.
Chị Nguyễn Thị Đan, người dân thôn Bùng cho biết: “Chúng tôi ở đây đã có kinh nghiệm trồng nấm sò một vài năm. Tuy nhiên, các loại nấm thông thường phải làm trong nhà xưởng, đóng thành từng bịch và quy mô làm không lớn. Làm nấm rơm ngoài đồng này có thể mở rộng diện tích tùy ý. Ban đầu chúng tôi còn lúng túng về mặt kỹ thuật nhưng sau khi quen dần thì thấy làm nấm rơm trái vụ có nhiều ưu điểm và đỡ tốn công chăm sóc hơn”.
Khâu quan trọng nhất trong trồng nấm rơm trái vụ là phải kiểm soát nhiệt độ, vì vậy, cần phải dùng nhiệt kế cắm vào mô nấm để kiểm tra thường xuyên, nhiệt độ lý tưởng cho nấm trong khoảng từ 40-45 độ. Nếu nhiệt độ mô dưới 40 độ cần đắp thêm lớp rơm phủ, ngược lại nếu cao hơn 45 độ cần bỏ lớp nilon che ra và ban đêm phải đậy kín lại tránh sương gió.
Hiện tại, năng suất nấm rơm trái vụ trồng ngoài ruộng tại cả 3 mô hình đều đạt kết quả khá, khoảng 100-120 kg nấm rơm/tấn nguyên liệu. Được biết, Trung tâm Công nghệ sinh học thực vật (Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam) đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm nấm rơm trái vụ với các hộ dân thực hiện mô hình với giá từ 50-60.000 đồng/kg, mức giá này cao gấp đôi so với giá bán nấm rơm trong vụ hè.
Theo ông Nguyễn Duy Khoát, Phó Giám đốc Trung Tâm khuyến nông – Khuyến ngư Bắc Ninh, ngoài cho giá trị cao, việc trồng nấm rơm trái vụ trên đồng ruộng sẽ giúp nông dân tiết kiệm được chi phí xây dựng nhà xưởng vốn rất tốn kém, có thể xử lý rơm rạ ngay trên ruộng với diện tích lớn. Về lâu dài, trồng nấm rơm ngoài ruộng có thể hạn chế được tình trạng các vi khuẩn gây hại lưu lại lâu ngày trong nhà xưởng . Ngoài ra, việc tận dụng rơm rạ nguyên liệu để làm nấm còn có ý nghĩa xã hội lớn khi giải quyết được tình trạng vứt, đốt rơm bừa bãi.
Ông Nguyễn Gia Kha, Chủ nhiệm HTX Bùng, Bình Dương cho biết, từ thành công của mô hình này, HTX và các hộ dân sẽ tiếp tục đưa nấm rơm vào sản xuất ở vụ đông năm sau.
Tuy nhiên, điều mà người dân băn khoăn là thị trường tiêu thụ, do nấm rơm mới được sử dụng phổ biến ở các nhà hàng, trong khi, thời gian bảo quản nấm rơm tương đối ngắn, chỉ 24 giờ sau khi thu hoạch hoặc sau 7-10 ngày nếu dùng các biện pháp xử lý bảo quản. Vì vậy, bên cạnh việc hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân, ngành nông nghiệp cần có biện pháp định hướng đầu ra sản phẩm để việc nhân rộng mô hình trồng nấm rơm trái vụ trên ruộng phát huy hiệu quả cả về mặt kinh tế và xã hội.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ