Mô hình kinh tế Đua nhau nhổ mì chạy lũ

Đua nhau nhổ mì chạy lũ

Ngày đăng 26/06/2015

Đua nhau nhổ mì chạy lũ

Vì nhổ mì sớm nên giá chỉ có 1.500 - 1.700 đồng/kg, trong khi giá mua gần 2.400 đồng/kg (cho khoai mì đạt 30 chữ bột).

Trong khi quy hoạch đến năm 2020 chỉ có 30 ngàn ha thì đến nay diện tích trồng mì ở đây đã vượt lên gấp đôi, lên gần 60 ngàn ha, bởi thời gian qua giá mì tương đối ổn định nên nhiều nông dân lao vào trồng mì. Trồng mì trên đất cao su, đất mía và kể cả đất ruộng lúa. Trong đó diện tích mì trên đất ruộng theo thống kê sơ bộ đã chiếm hết phân nửa.

Có mặt trên con đường lộ 768 dẫn về hướng UBND xã Long Vĩnh, huyện Châu Thành, chúng tôi thấy một chiếc xe máy cày đang chờ sẵn bên lề, phía dưới ruộng đang có nhiều lao động hối hả chất củ mì dính bùn vào những chiếc cần xé để chuẩn bị quăng lên xe.

Ông Ba Lai, chủ ruộng mì nói, thời tiết năm nay khô hạn và tin rằng có thể xảy ra úng ngập 3 ha mì của mình. Thế nhưng, những trận mưa liên tiếp ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới những ngày qua đã làm ruộng mì của ông bị ngập úng gần như hoàn toàn.

Ngay sáng hôm sau, ông phải huy động đến 20 lao động để nhổ gấp vì nếu để càng lâu, càng thiệt hại do củ mì bị thối không bán được.

Ông nói: "Tui trồng 6 ha mì dưới chân ruộng nên vẫn biết có nguy cơ sẽ ngập nếu có mưa lớn. Ngay từ tháng 3/2015, tui đã làm mương thoát dài 200 m nhưng ngặt ở khu vực này ai cũng phá lúa trồng mì nên thông nơi này thì tắc nơi khác. Hiện nhà máy đang thu mua giá 2.400 đồng/kg đối với mì đủ 30 chữ bột, còn như mì non này chắc chỉ đạt 23 - 24 chữ bột nhưng vẫn phải thu hoạch".

Cách đó không xa là 2 ha mì của Trưởng ấp 3, ông Lê Văn Đạt. Ruộng mì này cũng đang nhổ để chạy ngập (úng). Một lao động đang nhổ mì tại đây cho hay, những ruộng mì bị ngập nước tốn nhiều công thu hoạch, bởi củ mì dính bùn đất kéo lên nặng và khó. Thông thường 1 ha ruộng khô thu hoạch cần khoảng 20 - 30 công lao động thì ruộng mì bị úng phải tăng thêm khoảng 10 công/ha nữa.

Một đại diện của Sở NN-PTNT Tây Ninh khẳng định, từ trước đến nay tỉnh không có chủ trương khuyến khích nông dân thực hiện việc trồng mì trên vùng đất thấp.
"Chúng tôi khuyến cáo bà con chỉ nên trồng mì trên những vùng đất cao, đã được quy hoạch để bảo đảm hiệu quả kinh tế. Bởi chính người nông dân phải ý thức rõ việc trồng mì trên vùng đất thấp, vùng đất ruộng trước đây là không phù hợp và như thế sẽ dễ gặp rủi ro do mưa và thời tiết bất lợi, bởi mì là loại cây không thể chịu úng ngập", vị này nói.

Vẫn theo ông Đạt, không giống như cây mía có khả năng chịu đựng ngập nước, cây mì chỉ qua ngập nước một vài ngày, cao nhất cũng chỉ 7 ngày là củ sẽ bị thối rữa hoàn toàn, coi như bỏ. Còn nếu thu hoạch sớm thì năng suất thấp. Thông thường mì của ông đạt năng suất từ 40 - 45 tấn/ha, nhưng hiện chưa đến 25 tấn/ha.

Tại một địa điểm trồng mì xen canh với các lô cao su ở ấp 3, anh Lê Tự Chất đang dùng máy để bơm nước từ ruộng mì ra ngoài kênh cho nhân công thu hoạch.

"Trước đây là 1,5 ha đất ruộng, năm 2012 tui phá lúa trồng cao su. Năm ngoái, thấy giá mủ thấp tui đốn ngang ngọn cao su không cho phát triển nữa để lấy đất trồng xen cây mì. Do đất thấp nên cứ mưa dầm là bị úng. Hiện tui huy động khoảng 10 công tập trung nhổ mì nhưng cũng khó vì lao động địa phương thiếu, năng suất chắc chắn bị giảm", anh chia sẻ.

Tại xã Tân Đông, huyện Tân Châu, tiếp giáp ranh giới phía Campuchia, ông Ngô Khắc Lợi, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết, diện tích cây mì toàn xã năm 2014 có 1.200 ha thì năm nay tăng lên khoảng 200 ha, trong đó diện tích đang thu hoạch non chạy ngập là 60 ha.

"Trên thực tế, có nhiều người thua lỗ nặng nề khi ruộng mì bị ngập nước. Bởi bình thường 1 vụ trồng mì phải mất 1 năm, còn như hiện nay chỉ hơn 6 tháng là thu hoạch nên bán giá thấp là đương nhiên.

Thế nhưng, biết đó mà họ vẫn cứ trồng, bởi theo kinh nghiệm trồng mì trên đất lúa thì dễ trúng mùa. Nên vào tháng 7, 8 tới khi thời tiết hay "dính" áp thấp, mưa bão thì nông dân tụi này còn phải đua nhau chạy nhổ mì non nữa...", ông Lợi nói.

"Củ mì "non" đạt 20 chữ bột rất khó chế biến để lấy tinh bột được, vì khi xay ra gần như chỉ thu được toàn xác mì!", một cơ sở chế biến củ mì ở xã Tân Hưng, huyện Tân Châu, Tây Ninh tiết lộ.

Do bởi diện tích vùng chuyên canh trồng mì ở địa phương đã hết, nên nông dân chủ yếu xuống giống ở những vùng đất thấp mà người dân quen gọi là "mì ruộng". Trong mùa khô mì ruộng phát triển tốt nhưng lỡ gặp mưa nhiều, đất thoát nước kém gây ngập úng cục bộ hoặc toàn phần, buộc phải nhổ sớm nếu không muốn thối củ, vì thế mà người ta đang chạy đua nhổ mì.


Khánh thành vùng chăn nuôi bò sữa Hà Nam Khánh thành vùng chăn nuôi bò sữa Hà… Hiệu quả từ việc sử dụng nấm Trichoderma trong sản xuất nông nghiệp Hiệu quả từ việc sử dụng nấm Trichoderma…