Dùng bảo hộ chống bảo hộ
Các nước bảo hộ hàng nội
Khi tham gia TPP, VN phải mở cửa thị trường, tức phải loại bỏ 100% dòng thuế (thuế nhập khẩu) đối với các sản phẩm nông nghiệp, trong khi rào cản kỹ thuật chưa có hoặc không cao, nên từ lâu ngành chăn nuôi đã bị cho là khó khăn nhất, thậm chí nhiều ý kiến bi quan cho cho rằng, ngành này có thể bị xóa xổ.
Giám đốc một siêu thị cho biết, thịt ngoại giờ là mặt hàng không thể thiếu tại các siêu thị. Ở nhiều siêu thị, lượng thịt bò Úc hiện chiếm đến 50% sản lượng thịt bán ra. VN phải nhập thịt bò là điều có thể hiểu, vì nhu cầu trong nước cần.
Trong khi, Úc hay New Zealand đều có giống bò phát triển nhanh, chăn nuôi tập trung quy mô lớn nên giá sản xuất của họ cũng rẻ hơn. PGS -TS Nguyễn Đăng Vang - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi VN cho hay: Không chỉ bò mà lợn của ta cũng gặp khó khi vào TPP. Hiện giá thịt lợn của Mỹ đang thấp hơn của VN tới 40%. Nếu thuế về 0% thì người Mỹ sẽ chiếm lĩnh thị trường thịt lợn của VN ngay. Hiện nay thịt lợn Mỹ chưa vào được ta vì còn bị đánh thuế 20%.
12 quốc gia tham gia TPP được chia làm 3 nhóm theo trình độ chăn nuôi, trong đó Mỹ, Úc, New Zealand là những nước phát triển nhất, có thế mạnh về xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi; tiếp đó là Nhật Bản, Singapore, Malaysia. Còn VN nằm trong nhóm kém phát triển nhất. Chính vì vậy, ngành chăn nuôi sẽ bị đe dọa mạnh bởi hội nhập, khi các dòng thuế nhập khẩu được đưa về 0%.
Trong khi đó, ở cánh cửa ra, hàng nông sản Việt cũng khó có thể bước vào thị trường các quốc gia TPP. Khó khăn lớn nhất hiện nay là các nước TPP đều có xu hướng đàm phán hạn chế, giữ bảo hộ đối với nông sản nội địa (không mở cửa).
Bảo hộ bằng thuế, hàng rào kỹ thuật...
Cho đến nay, theo Bộ Công Thương, trong các nước tham gia TPP, ba nước có ảnh hưởng nhiều đến ngành nông nghiệp và thị trường nông sản VN là: Úc, New Zealand và Mỹ. VN đã cam kết mở cửa thị trường theo lộ trình nhất định (tùy thuộc từng dòng thuế) cho nông sản đến từ các nước này.
Đây thực sự là một thách thức đối với VN bởi các nước Úc và New Zealand có năng lực cạnh tranh vào hàng cao nhất thế giới ở các sản phẩm ngành chăn nuôi bò (thịt bò, sữa), quả ôn đới (táo, cam...). Còn Mỹ có thế mạnh trong các sản phẩm như sữa, thịt bò, thịt gia cầm, thịt lợn. Với mức thuế suất hiện tại, VN cũng đang nhập khá nhiều các mặt hàng này từ Mỹ. Nếu mở cửa, nguy cơ sản phẩm tương tự của VN gặp khó khăn khi cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ là rất lớn.
Trong khi đó, khả năng tiếp cận thị trường các nước này của nông sản VN hầu như không đáng kể do dung lượng thị trường nhỏ (dân số có nước chỉ khoảng 25 triệu người), các yêu cầu kỹ thuật (rào cản kỹ thuật) cao và khả năng cạnh tranh nội địa về nông sản của nước họ thuộc loại cao nhất trên thế giới.
Vậy làm sao nông sản Việt có thể vượt qua cánh cửa hẹp này? Chuyên gia thương mại quốc tế Phạm Tất Thắng cho rằng, VN vẫn phải áp dụng các biện pháp bảo hộ bằng lộ trình thuế quan, đặc biệt cho những mặt hàng nông sản nhạy cảm như chăn nuôi. Bảo hộ bằng hạn ngạch thuế quan hay bảo hộ bằng các biện pháp kỹ thuật, vệ sinh dịch tễ…
“Từ các thực tế này, phương án tốt hơn cả là đề nghị các nước đối tác phát triển trong TPP có cam kết hỗ trợ kỹ thuật theo các hình thức cụ thể, khả thi và hiệu quả để thực hiện các biện pháp này”- ông Thắng nói.
Thông thường, các nước tham gia TPP cho đến nay vẫn được phép đơn phương đưa ra các điều kiện vệ sinh dịch tễ (hay còn gọi là các hàng rào tiêu chuẩn kỹ thuật) mới hoặc điều chỉnh, từ đó ngăn chặn việc nhập khẩu của nông sản VN vào nước họ.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, thực tế chúng ta chỉ có thể đàm phán xoay quanh vấn đề hợp tác để xử lý vướng mắc, một số vấn đề chỉ liên quan tới rút ngắn thời gian xử lý khiếu nại, còn các điều kiện kiểm dịch thì vẫn giữ nguyên, do vậy rất khó cho nông sản Việt xuất khẩu nếu không vượt qua được các rào cản kỹ thuật.
TPP còn đặt ra các điều khoản ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất và triển vọng của hàng nông sản. Ví dụ về việc chặn và buộc trả lại toàn bộ hàng xuất khẩu được làm từ lao động trẻ em, chẳng hạn. Với những làng nghề thủ công và những sản phẩm được làm ra trong quy mô hộ gia đình, với sự tham gia của trẻ em nông thôn VN sẽ là nhóm đầu tiên phải chịu thiệt thòi.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ