Đừng để ngư dân tự bơi ra biển
Thu nhập giảm, rủi ro tăng
Tổng cục Thủy sản cho biết, những năm gần đây, khai thác thủy sản ven bờ có xu hướng giảm.
Chỉ tính trong ba năm qua, số lượng tàu cá khai thác gần bờ của cả nước giảm hơn 6.000 chiếc, trong đó nhóm tàu có công suất từ 20 đến dưới 90 CV giảm 3.200 chiếc.
Ngược lại, nhóm tàu hoạt động xa bờ, có công suất từ 90 CV trở lên tăng 28.690 chiếc, chiếm 24,5%; trong đó có 6.500 tàu lắp máy từ 400 đến 700 CV và 5.000 tàu có chiều dài từ 20m trở lên, tăng hơn 1.400 chiếc so với năm 2013.
Riêng tỉnh Kiên Giang hiện có hơn 10 nghìn tàu đánh bắt hải sản, trong đó có khoảng 4 nghìn tàu khai thác xa bờ, còn lại là các tàu nhỏ làm nghề thủ công ven bờ và các đảo.
Đến cuối tháng 8 năm nay, tổng sản lượng khai thác hải sản của tỉnh này ước đạt 326.506 tấn, đạt 70,67% kế hoạch năm và tăng 5,22% so cùng kỳ năm ngoái.
Số lượng tàu đánh bắt xa bờ tăng lên, đồng nghĩa với đó là rủi ro cho ngư dân cũng tăng lên.
Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới Nguyễn Văn Tân, nguyên Giám đốc Công ty quốc doanh đánh cá Kiên Giang, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết: Hiện nay, các tàu muốn khai thác hiệu quả phải đi ra vùng biển xa hơn, hoạt động dài ngày, dẫn đến chi phí nhiều hơn, nhưng thu nhập lại thấp hơn so với trước.
Bởi vậy, không có gì lạ khi nhiều ngư dân sở hữu mấy cặp tàu, có truyền thống làm nghề lâu đời vẫn giải nghệ, như ông Tô Duy Đại, nguyên Chủ tịch Hội nghề cá TP Rạch Giá, có hơn 30 năm gắn bó nghề biển, những lúc hưng thịnh đội tàu của ông lên đến tám chiếc.
Nhưng cách đây vài năm, nhận thấy nghề đánh bắt hải sản đối mặt nhiều khó khăn, như: chi phí tăng cao, tài công giỏi bị lôi kéo, ngư phủ thạo nghề khó tìm, cộng với nguy cơ tàu bị nước ngoài bắt giữ...
ông Đại đã quyết định giải thể đội tàu, chuyển sang bán ngư lưới cụ.
Tương tự, ông Hoàng Thịnh, một chủ tàu ngụ TP Rạch Giá, Ủy viên Hội nghề cá TP Rạch Giá, cũng giải nghệ vì những khó khăn trong nghề.
Trao đổi với chúng tôi, tài công Huỳnh Thanh Hiền cho rằng, đang là giai đoạn khó khăn của nghề đánh bắt hải sản, sản lượng sụt giảm, thu nhập của chủ tàu, tài công, ngư phủ đều giảm, nhưng vì chén cơm, manh áo, vì cuộc sống của gia đình...nên vẫn tiếp tục ra khơi.
Hiện hầu hết các tàu đánh bắt xa bờ ở Kiên Giang đều dùng kiểu đánh bắt cào đôi.
Một giàn cào có hai chiếc, với tổng tài sản hàng chục tỷ đồng.
Mỗi chuyến đi biển, chi phí lên đến tỷ đồng, ít nhất phải có hơn hai chục lao động mới đủ sức hoạt động.
Vì vậy để “đủ thu bù chi”, chỉ còn cách đưa tàu ra vùng biển "nguy hiểm" để khai thác.
Chính sách chưa phù hợp thực tế địa phương
Để hỗ trợ ngư dân nâng cao hiệu quả trong khai thác thủy sản, trên cơ sở Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7-7-2014, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp các địa phương tổng hợp nhu cầu đóng mới, nâng cấp tàu cá, ban hành hướng dẫn về số lượng tàu cá đóng mới.
Theo đó, số lượng tàu khai thác hải sản xa bờ đóng mới bổ sung là gần 2.100 chiếc, trong đó, khu vực Bắc Bộ đóng mới hơn 400 tàu, Trung Bộ hơn 1.000 tàu, còn lại là Nam Bộ.
Số lượng tàu dịch vụ hậu cần phục vụ khai thác hải sản xa bờ là hơn 200 chiếc.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng phê duyệt, công bố 21 thiết kế mẫu tàu cá vỏ thép và tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ, cũng như 70 cơ sở đủ điều kiện đóng mới, nâng cấp, cải tạo tàu cá tại 13 tỉnh, thành phố trong cả nước, gồm: Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Tiền Giang, Sóc Trăng.
Có thể nói, Nghị định 67 ra đời đã thổi một luồng sinh khí mới vào hoạt động khai thác và đánh bắt hải sản vốn đang gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên theo tìm hiểu của chúng tôi, tại Kiên Giang - địa phương có đội tàu lớn nhất nước, sau thời gian triển khai thực hiện Nghị định này, đang gặp nhiều vướng mắc.
Ông Nguyễn Tặng (phường Vĩnh Thanh, TP Rạch Giá) là một trong hai ngư dân ở Kiên Giang may mắn ký được hợp đồng tín dụng với ngân hàng vay 14,3 tỷ đồng, trong tổng số 21 tỷ đồng, để đóng mới một tàu khai thác và một tàu dịch vụ, than thở: "Thủ tục rườm rà, nhiêu khê, phức tạp, nhiều điểm chưa phù hợp ngành nghề, tập tục đánh bắt hải sản của ngư dân Kiên Giang".
Không chỉ khó khăn về tiếp cận nguồn vốn, theo Nghị định 67, các nghề được hỗ trợ kinh phí đóng mới tàu là nghề cây, vây, chụp, lưới rê… Trong khi đó, có đến 85% hồ sơ xin xét duyệt đóng, sửa chữa tàu của ngư dân Kiên Giang là làm nghề cào.
Vì vậy, đến nay, tỉnh Kiên Giang mới có 49 hồ sơ tàu cá đủ điều kiện, xin vay 298 tỷ đồng được UBND tỉnh phê duyệt, trong tổng số hơn 100 tàu cá được phân bổ chỉ tiêu.
Và chỉ mới hai ngư dân, ba tàu cá đã ký hợp đồng tín dụng với ngân hàng, với vốn vay 20,6 tỷ đồng và đã giải ngân khoảng 6 tỷ đồng.
“Ba cùng” để tồn tại
Để tự cứu mình, trước hết là bảo đảm an toàn tàu cá khi hoạt động trên ngư trường biển xa, nhiều địa phương đã tổ chức lại sản xuất trên biển theo hướng liên kết các tàu khai thác thành các tổ, đội sản xuất theo nguyên tắc “ba cùng” (cùng nghề, cùng ngư trường, cùng địa bàn cư trú) và hoạt động trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng, dân chủ, có sự hợp tác chặt chẽ giữa các thành viên.
Đến nay, cả nước đã thành lập được gần 3.000 nghiệp đoàn nghề cá, với sự tham gia của gần 12 nghìn thành viên; gần 3.000 tổ, đội sản xuất và hợp tác xã, với sự tham gia của gần 20 nghìn tàu cá và hàng trăm nghìn lao động.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên Nguyễn Tri Phương cho biết, toàn tỉnh có hơn 1.000 chiếc tàu trên 90 CV, chuyên khai thác xa bờ.
Trong đó, đã thành lập được hơn 100 tổ tàu thuyền an toàn, với 800 tàu thuyền cùng hơn 6.000 ngư dân tham gia.
Với mô hình này, ngư dân đoàn kết, trợ giúp lẫn nhau trong khai thác thủy sản đạt hiệu quả, đồng thời tích cực tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó sự cố, góp phần bảo vệ chủ quyền và an ninh trên biển.
Cùng với tổ chức lại sản xuất trên biển, tỉnh Phú Yên đã quy hoạch gần 80 điểm neo đậu dọc bờ biển, trong đó đã hoàn thành và đưa vào sử dụng cảng cá Tiên Châu (huyện Tuy An);
Khu neo đậu tránh trú bão tàu thuyền Ðầm Cù Mông (vịnh Xuân Ðài, thị xã Sông Cầu), vừa khánh thành đưa vào khai thác cảng cá Phú Lạc, huyện Ðông Hòa; đang triển khai dự án đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi hải sản lồng bè xã An Hải (huyện Tuy An); khu neo đậu tránh trú bão tàu thuyền và Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá Ðông Tác (TP Tuy Hòa)...
Được biết, hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp UBND các tỉnh Khánh Hòa, Kiên Giang, báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao các địa phương nhiệm vụ lập dự án quy hoạch xây dựng trung tâm nghề cá lớn; phối hợp các bộ, ngành liên quan xây dựng hướng dẫn nội dung hình thành các trung tâm nghề cá lớn để các tỉnh thực hiện thống nhất;
Đồng thời triển khai rà soát, điều chỉnh quy hoạch hệ thống cảng cá, bến cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá trong phạm vi toàn quốc theo hướng tập trung, hiện đại, gắn khu neo đậu tránh trú bão với cảng cá, bến cá và khu dịch vụ hậu cần nghề cá.
Hy vọng rằng, với quy mô tổ chức khai thác, chế biến thủy sản theo chuỗi sẽ góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện mức sống cho cộng đồng ngư dân ven biển.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ