Tin thủy sản Dùng điện an toàn trong nuôi tôm

Dùng điện an toàn trong nuôi tôm

Tác giả Hải An, ngày đăng 09/05/2020

Dùng điện an toàn trong nuôi tôm

Trong nuôi tôm công nghiệp, việc sử dụng điện thắp sáng và vận hành máy móc là không thể thiếu. Do vậy, để sử dụng điện an toàn, người nuôi cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định, tránh rủi ro không đáng có.

Nguyên tắc sử dụng

Để sử dụng điện được an toàn trong nuôi tôm, cần tuân thủ nghiêm ngặt một số quy định:

Đường dây

Hiện, người nuôi vẫn dùng nguồn 1 pha. Dây dẫn điện từ đường hạ áp vào đầm tôm của từng hộ nuôi phải là dây bọc nhựa, trước khi mua dây điện người nuôi cần ước tính tổng công suất tiêu thụ điện của đầm để lựa chọn dây có công suất chịu tải lớn hơn, tránh mua dây điện có công suất nhỏ dễ bị quá tải gây chập điện.

Đường dây phải chạy trên quả sứ qua các cột điện bằng bê tông cao từ 3 m trở lên, không nên dùng cột tre gỗ và không để dây tải điện chạy ngầm trong ao với bất cứ lý do gì. Cần dẫn nguồn điện từ cột về nhà, lán qua 1 AT (Aptomat) tổng. Sau đó, tùy theo yêu cầu của từng ao đầm mà phân ra các AT con. Tùy vào phụ tải mỗi thiết bị và máy móc cụ thể mà ta chọn dây thích hợp. Tất cả các AT sau khi lắp đều phải để trong nhà chòi hoặc trong hộp nhựa khô ráo.

Dây điện mắc ở ngoài trời, sau 1 năm trở đi vỏ nhựa sẽ bị bong tróc, hở lõi dây rất nguy hiểm khi tiếp xúc. Do vậy, cần định kỳ kiểm tra đường dây, kịp thời phát hiện và thay thế.

Sử dụng máy bơm

Nên đặt mô tơ tại một vị trí cố định, khi lắp cần cắt nguồn điện mô tơ và có cầu dao riêng để chủ động ngắt nguồn điện khi có sự cố.

Hệ thống sục khí

Trong nuôi tôm, hệ thống sục khí rất cần thiết. Loại máy thường sử dụng là máy quạt 2 guồng cánh và máy quạt 4 guồng cánh tùy vào diện tích đầm nuôi. Các thông số kỹ thuật chung: Máy quạt 2 - 4 guồng cánh: động cơ điện 1 pha, công suất 550 - 750 W. Điện áp 220 - 240 V, số vòng quay 2.500 - 3.000 vòng/phút.

Quạt nước đặt cách bờ 3 - 5 m, thường xuyên bôi trơn trục máy, dây curoa để vận hành nhẹ, kiểm tra độ căng, chốt hãm. Chạy máy vào buổi đêm, gần sáng, cần bật đèn vì trời tối dễ xảy ra tai nạn. Không nên lội xuống ao khi quạt khí đang hoạt động. Hàng tuần kiểm tra các thiết bị cánh quạt, trục máy... để phát hiện kịp thời những dấu hiệu nứt, gãy, hở điện. Dùng bút thử điện thường xuyên kiểm tra các dụng cụ máy móc, chỗ đấu nối dây dẫn để tránh hiện tượng hở điện, nhiễm điện.

Nếu máy bơm, máy quạt nước bị hỏng, cần phải ngắt cầu dao, treo bảng hoặc dán thông báo rồi sau đó mới sửa chữa. Trong 15 phút đầu sau khi chạy máy, phải luôn theo dõi xem máy có hoạt động tốt hay không. Khi máy hoạt động ổn định, thường xuyên kiểm tra 2 giờ/lần và không nên đi chân trần ra ao nuôi.

Theo Phòng Kỹ thuật An toàn, Công ty Điện lực Cà Mau, từ đầu năm 2014 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 7 vụ tai nạn điện làm 6 người chết, trong đó, 5 người chết do sử dụng điện trong nuôi tôm công nghiệp.


Kinh nghiệm dùng thuốc sát trùng trong nuôi tôm nước lợ Kinh nghiệm dùng thuốc sát trùng trong nuôi… Hành trình vén bức màn bí mật của hệ vi sinh vật trong đường ruột cá Hành trình vén bức màn bí mật của…