Được mùa riêng nhờ biết đánh thức mầm ngủ của nhãn
Trong khi cả vùng mất mùa, quả ra thưa thớt thì thương lái rầm rập đổ đến vườn nhãn nhà anh Thân Văn Quý ở xóm Mịn To, xã Trù Hựu (Lục Ngạn, Bắc Giang) để tranh nhau đặt cọc.
Anh Quý khoe những chùm nhãn quả đều, mã sáng đẹp.
Dự kiến vụ này anh vẫn thu được 17 tấn/ha với giá bán cả vườn 28.000 đồng/kg tương đương gần 500 triệu…
Cây nhãn trỗi dậy
Lục Ngạn là thủ phủ của cây vải thiều của tỉnh Bắc Giang nhưng dăm bảy năm gần đây cây nhãn đang dần trỗi dậy với nhiều giống, trong đó được ưa chuộng hơn cả là nhãn muộn Miền Thiết gốc từ Hưng Yên. Xã Trù Hựu mọi năm đến thời điểm này nhiều nhà vườn sai trĩu trịt nhưng năm nay nhiều người đánh giá chỉ được một vườn cây sai quả của gia đình anh Thân Văn Quý.
Anh chia sẻ vắn tắt với tôi một phần bí quyết. Cây nhãn có hai đợt lộc chính, lộc ra sau khi thu quả và lộc đông. Quan trọng nhất là phải biết cách điều tiết lộc đông ra thành công trong tháng 10 âm lịch bằng chăm sóc, bón phân, tưới nước. Đến giữa tháng 11 phải phun chất điều hòa sinh trưởng ủ mầm, 25 ngày sau thì tưới nước đánh thức mầm ngủ để cuối tháng giêng cây nẩy lộc, ra hoa.
Nghe qua thì dễ nhưng để thực hiện thành công thì không phải nhà vườn nào học một vài buổi cũng có thể tiếp thu được. Mấy chục năm trồng nhãn nhưng đây là năm đầu tiên anh Quý sử dụng phân bón NPK Lâm Thao hàm lượng cao với 3 loại là NPK-S 16.16.8-6; NPK-S 16.8.16-4; NPK-S 13.13.13-4 theo hướng dẫn của cán bộ Trung tâm Nghiên cứu Phân bón và Dinh dưỡng Cây trồng thuộc Viện Thổ nhưỡng Nông hóa.
Người trồng nhãn nói riêng hay trồng cây ăn quả nói chung thường lâm vào tình trạng năm được mùa năm mất mùa bởi thói quen để cho hoa quả đậu tự nhiên quá sai và thiếu cách chăm sóc cho cây phục hồi sau thu hái. Năm ngoái trong vườn nhà anh Quý có một số gốc yếu quá, tưởng đã phải cưa đi nhưng nhờ biết khơi rãnh xung quanh cho thông thoáng giúp không bị hỏng bộ rễ rồi bón phân NPK-S Lâm Thao vào cây lại hồi sinh.
Cũng nhờ cây khỏe hơn, lá xanh hơn, chùm quả đẹp hơn nên anh ít phải dùng đến thuốc sâu hay chế phẩm so với trước. “Mọi năm riêng thuốc nấm tôi đã phải phun 7 lần, thuốc sâu 1 tháng phun 2 lần nhưng nay thuốc nấm chỉ phun 3 lần, thuốc sâu 1 tháng phun 1 lần là đủ”, anh Quý nói.
Cũng theo kinh nghiệm của anh Quý vào mùa mưa nhiều không nên bón phân, phần bởi lãng phí, phần bởi sẽ gây ra hiện tượng đen rễ, hại cây.
Phân được chia ra, bón làm 3 lần. Lần thứ nhất vào giữa tháng 8 phục hồi cây đuổi lộc thu tháng 9. Lần thứ hai vào giữa tháng ba giúp ra hoa rộ, đón quả. Lần thứ ba vào cuối tháng 5 cho giai đoạn nuôi thúc quả.
Cách bón tốt nhất theo khuyến cáo là xới đất theo tán cây, rắc đều phân xuống rồi lấp đất lại nhưng do không đủ nhân công để làm việc này nên anh Quý mới rắc phân xung quanh gốc rồi tưới nước để dinh dưỡng ngấm xuống đất dần dần.
Anh Quý bón phân trên bề mặt trong khi cách tốt hơn phải là bón kiểu xới đất lên.
“Nếu so sánh với bón các loại phân đơn như lân, đạm, kali mất hơn 100.000 đồng/gốc thì loại phân Lâm Thao mới này tôi chỉ tốn 60.000 - 70.000 đồng/gốc mà trung bình mỗi gốc vẫn cho thu 1 - 1,5 tạ quả. Hơn thế chất lượng quả còn cao hơn hẳn”, anh Quý chia sẻ.
Có 6 công thức bón phân được các nhà khoa học thử nghiệm trên vườn nhà anh Quý nhưng ổn nhất là công thức số 4 với khả năng đậu quả cao, chùm đều, quả nây mọng, màu sắc sáng, ăn ngọt, thơm, nước vừa phải.
Những sai lầm hay mắc phải
Vườn có 300 cây nhãn, ngoài 120 gốc bón loại phân NPK-S hàm lượng cao của Lâm Thao anh Quý còn thử 180 gốc bón phân theo kiểu cũ, tức phân đơn riêng rẽ đạm, lân, kali. Cùng một giống nhãn Miền Thiết, cùng một độ tuổi cây 17 - 18, cùng một tiểu vùng khí hậu như nhau nhưng điều thú vị với đoàn chúng tôi khi ăn thử là thấy khác biệt rõ từ độ ngọt đến mùi vị, cảm giác như là hai giống vậy. Ai đã trót ăn quả ở cây bón theo kiểu mới là hầu như không muốn thử sang loại quả ở cây bón theo kiểu cũ nữa.
Theo tiến sĩ Cao Kỳ Sơn, Trung tâm Nghiên cứu Phân bón và Dinh dưỡng Cây trồng, bà con thường hay mắc lỗi bón quá nhiều phân nhưng lại thiếu cân đối khi lắm đạm, ít lân, ít kali khiến cho cây giống như người béo phì mà lại vẫn suy dinh dưỡng vậy, thường cho nhiều lá mà lại ít quả. Nông dân cũng hay bón trên bề mặt, dễ bị rửa trôi hay bay hơi mất chất dinh dưỡng. Thêm vào đó thời điểm bón cũng chưa được hợp lý khi bón trước cả khi thu hoạch 1 tuần trong khi đáng ra phải bón sau khi thu hoạch.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ