Duy trì phát triển cây ca cao theo hướng bền vững
Sơ chế ca cao xuất khẩu tại Khu Công nghiệp Giao Long, huyện Châu Thành.
Sau 5 năm triển khai thực hiện, dự án đem lại những kết quả phấn khởi, góp phần nâng cao giá trị cây ca cao ở Bến Tre theo hướng bền vững.
Người dân được lợi kép
Dự án đã vận động thành lập các câu lạc bộ (CLB) và tổ hợp tác liên kết sản xuất, tiêu thụ ca cao.
Từ vài chục hộ tham gia ban đầu, đến nay, dự án đã xây dựng được 82 CLB và tổ hợp tác sản xuất ca cao chứng nhận, gần 1.300 nông dân tham gia với diện tích canh tác khoảng 680ha.
Nông dân trồng ca cao thường xuyên được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật do Ban Quản lý Dự án phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thông qua đầu mối là các CLB và tổ hợp tác.
Nhờ vậy, năng suất ca cao bình quân của các hộ sản xuất ca cao chứng nhận đạt 2,4kg hạt khô/cây/năm so với canh tác thông thường là 1,3kg hạt khô/cây/năm.
Riêng đối với các vườn ca cao mẫu tại các CLB, năng suất bình quân đạt 3kg hạt khô/cây/năm.
Ông Phạm Văn Năng ở xã Hữu Định, huyện Châu Thành cho biết: “Nhờ sự hỗ trợ từ dự án, năng suất vườn ca cao của tôi tăng đều hàng năm.
Cụ thể, từ 3,5 tấn/ha năm 2013, đến năm 2014 lên 4,5 tấn và đầu năm 2015 đạt gần 6 tấn/ha.
Năng suất tăng nên thu nhập gia đình tôi cũng tăng theo”.
Còn với anh Diệp Kinh Luân ở xã Long Thới, huyện Chợ Lách, sau một thời gian được sự hỗ trợ của dự án, năng suất vườn ca cao của anh không những tăng ngoài mong đợi, trái đồng đều, đạt tiêu chuẩn mà đầu ra cũng vô cùng thuận lợi, anh không còn phải lo lắng, chạy đôn chạy đáo tìm đầu ra cho trái ca cao như những năm trước.
Dự án còn thực hiện nghiên cứu quy trình sản xuất dừa - ca cao hữu cơ tại 4 CLB ở xã Ngãi Đăng, Phước Hiệp, Thành Thới A (huyện Mỏ Cày Nam) và Tân Thanh Tây (huyện Mỏ Cày Bắc), chuyển từ sản xuất ca cao theo chứng nhận UTZ sang sản xuất dừa - ca cao hữu cơ.
Dự án cũng đã theo dõi, đánh giá hiệu quả mô hình trồng xen ca cao trong vườn cây ăn trái như: bưởi da xanh, sầu riêng, chôm chôm… cho năng suất rất cao, trung bình 4kg hạt khô/cây/năm và đã vận động phát triển diện tích ca cao xen trong vườn cây ăn trái tại một số địa phương.
Năm 2013, dự án xây dựng mô hình vườn ca cao mẫu nhằm làm nơi để nông dân trong và ngoài tỉnh có nhu cầu về canh tác ca cao đến tham quan, học tập, chia sẻ kinh nghiệm, đồng thời làm nơi tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật canh tác cây ca cao cho nông dân.
Không chỉ thu được lợi nhuận từ trái ca cao, nông hộ còn tận dụng các sản phẩm phụ từ trái ca cao như: vỏ ca cao làm thức ăn cho gia súc hoặc làm phân hữu cơ bón cho cây trồng, nước ép từ hạt ca cao tươi để sản xuất rượu vang, rượu ca cao được sản xuất bằng cách ngâm hạt ca cao đã được lên men với rượu nếp… để tăng thu nhập.
Theo Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Bến Tre, việc tận dụng các sản phẩm phụ từ trái ca cao đã góp phần nâng cao giá trị trái ca cao, từ đó nâng cao thu nhập cho người trồng, phát triển kinh tế địa phương.
Dự án cũng đã góp phần thay đổi nhận thức của nông dân trong việc bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng qua việc quản lý sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chặt chẽ, xử lý tốt chất thải trong chăn nuôi làm nguồn phân bón cho cây trồng...
góp phần thực hiện thành công tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới.
Phát triển cây ca cao theo hướng bền vững
Kỹ sư Huỳnh Quang Đức - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư kiêm Phó trưởng Ban Quản lý Dự án cho biết, việc sản xuất ca cao chứng nhận không chỉ góp phần hạn chế tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, giúp nông dân liên kết để tạo môi trường sản xuất bền vững mà còn thu hút mạnh mẽ các doanh nghiệp tham gia ngành hàng ca cao của tỉnh.
Có nhiều công ty tham gia dự án như: Cargill, Hương Việt, Lâm Tùng, Phú Bình, Thành Hưng Thịnh; Phạm Minh, Puratos Grand - Place… Dự án cũng đã hỗ trợ xây dựng hệ thống “Quản lý và thực hiện chứng nhận (ICS)” cho 4 doanh nghiệp tham gia dự án gồm: Công ty TNHH Ca cao Phạm Minh, DNTN Ca cao Lâm Tùng, Công ty TNHH MTV Ca cao Hương Việt, DNTN Phú Bình.
Sự tham gia của các doanh nghiệp đã tạo nên thị trường mang tính cạnh tranh sôi động, góp phần nâng cao và ổn định giá cả; xây dựng được giá trị thương hiệu nông sản đặc trưng cho ca cao Bến Tre với các doanh nghiệp thu mua trong và ngoài nước.
Ông Lý Văn Khương - cán bộ Helvetas Việt Nam tại Bến Tre cho biết: “Đến thời điểm này, có thể nói, chuỗi giá trị chứng nhận ca cao UTZ ở Bến Tre đã hoạt động rất tốt, từ người nông dân, cán bộ hướng dẫn cho đến sự tham gia của doanh nghiệp.
Dự án hy vọng, thời gian tới, giá trị ca cao chứng nhận UTZ ở Bến Tre sẽ tiếp tục được nâng cao hơn để đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường trong ngoài nước và đem lại giá trị tương xứng với công sức người nông dân đã bỏ ra”.
Dù còn một số hạn chế nhất định, nhưng có thể khẳng định, sau 5 năm thực hiện, Dự án Phát triển ca cao chứng nhận theo tiêu chuẩn UTZ ở Bến Tre đã cơ bản đạt được mục tiêu đề ra là góp phần nâng cao mức sống của cư dân nông thôn thông qua việc nâng cao năng suất và tiếp thị ca cao chất lượng cao.
Tác động của dự án đã được các cấp chính quyền, các ngành liên quan, bà con nông dân đánh giá cao.
Đây là tiền đề quan trọng để Bến Tre tiếp tục duy trì phát triển cây ca cao theo hướng bền vững, đặc biệt là phát triển cây ca cao xen trong vườn dừa - một mô hình được nhận định là thích ứng khá tốt trước tình hình biến đổi khí hậu.
Dự án Ca cao chứng nhận theo tiêu chuẩn UTZ tại Bến Tre do Helvetas Việt Nam hỗ trợ được Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư triển khai thực hiện giai đoạn 2011 - 2015.
Helvetas Việt Nam đóng góp khoản viện trợ không hoàn lại trị giá gần 9 tỷ đồng Việt Nam, chiếm 90% tổng vốn đầu tư của dự án, còn lại 10% sẽ do UBND tỉnh Bến Tre.
UTZ là chứng nhận chất lượng tốt bên trong của sản phẩm nông nghiệp.
Hiện nay, UTZ chỉ chứng nhận cho cà phê, ca cao, trà và dầu cọ trên phạm vi cả nước.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ