Tôm thẻ chân trắng EMS và giải pháp sống chung với với dịch bệnh - Phần 2

EMS và giải pháp sống chung với với dịch bệnh - Phần 2

Ngày đăng 04/11/2015

EMS và giải pháp sống chung với với dịch bệnh - Phần 2

III. Nuôi tôm MỞ thời EMS.

Khi người ta bắt đầu nuôi tôm (cách đây khoảng 15 năm), người ta nuôi tôm không phải như bây giờ. Khi thời hoàng kim của nghề nuôi tôm đạt đỉnh (khoảng năm 2001), thì người nuôi tôm tìm ra cách thức nuôi mới phù hợp với tình hình mới.

. Nuôi tôm khép kín (và sau này là nuôi tôm tuần hoàn) với cách nghĩ giảm thiểu mầm bệnh bên ngoài xâm nhập vào ao nuôi để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh của tôm nuôi.

Người ta làm nhiều cách, nhưng tôm vẫn chết như thường. Có người không chịu THUA, nên đưa ra ý tưởng táo bạo và lạ…lẫm hơn.

Họ cho rằng, nuôi tôm tập trung dễ bị lây lan mầm bệnh. Không cua còng bò sang, thì chim cò đảo đến.

Nguồn nước cũng mang luôn mầm bệnh.

Vậy là họ loại trừ các yếu tố lây lan ấy, bằng cách nuôi tôm TRÊN NÚI.

Nước mặn thì họ chở nước ót bằng xe bồn rồi pha độ mặn với nguồn nước ngọt trong lành ở nơi gần như là đầu nguồn.

Những ao nuôi tôm được hình thành công phu, bài bản đầy tham vọng. Sau vài năm, vùng nuôi tôm trên núi ấy bị phá sản.

Người ta không hiểu tại sao nuôi như thế, tôm vẫn chết.

Giả sử bây giờ, trên cung Trăng kia, người ta nuôi được tôm, liệu tôm có chết hay không?

Chắc chắn 1 ngày nào đó, tôm cũng chết. Bởi ở đâu có tôm nuôi, ở đó có mầm bệnh của tôm.

Người nuôi tôm không dại gì nuôi tôm khi biết thời gian ấy, nhiệt độ chỉ từ 15 đến 20 độ. Nuôi trong thời gian ấy cho chết à?

Không đốm trắng cũng bị taura.

Không vượt qua được nó, thì tốt nhất là tránh nó.

Trong các tài liệu nuôi tôm hiện hành, người ta vẫn thấy cụm từ THAY NƯỚC.

– Thay nước để cải thiện chất lượng nước. Nhất là khi ao nuôi bị QUÁ TẢI về hàm lượng cơ chất (chất hữu cơ).

– Thay nước để loại bỏ chất độc hại xông lên từ đáy ao. Dù đã xử lý vi sinh, nhưng sau đó không thay nước, thì khí độc vẫn có mặt trong ao. Vi sinh là xử lý tức thời.

– Thay nước để giảm pH nước là chuyện trước mắt, giảm mật độ tảo là chuyện lâu dài. (bởi pH nước là tảo quyết định) trong khi ta cắt tảo bằng hóa chất vi sinh hay vôi bất thành.

– v.v….

Nếu làm 1 phép so sánh: Lấy mẫu nước trong ao nuôi tôm có tuổi trên 35 ngày, với mẫu nước chưa qua xử lý ở ao lắng (chứ đừng nói là đã qua xử lý) thì mẫu nước nào còn tốt hơn? (ít hữu cơ, ít VK, ít mùi, ít độc…). Có phải là mẫu nước ở ao chứa lắng không?

Những người nuôi tôm, nhìn đâu cũng thấy virut, vi khuẩn, mầm bệnh thì sợ thay nước. Bởi thay nước đồng nghĩa đưa các thứ ấy vào ao nuôi. Có người còn bảo lưu ý kiến rằng; thay nước cho tôm chết à?

Họ suy nghĩ vậy cũng phải, bởi chính họ hay họ được nhìn thấy 1 ao tôm thay nước bị chết hẳn hoi mà.

Thay nước cơ bản có nhiều lợi ích, tác dụng trong từng mục đích. Nhưng không khéo, thay nước CÓ THỂ làm chết tôm.

Có 1 thực tế mà người nuôi tôm quên mất các khuyến cáo khi thay nước.

– Thay nước lúc tôm nuôi đang khỏe mạnh (ăn mạnh hay yếu không thành vấn đề, chưa hẳn ăn không mạnh là tôm đã yếu);

– Thay nước lúc thời tiết tốt, ổn định.

* Tôm yếu thay nước, sốc stress dễ cảm nhiễm bệnh, phát bệnh.

* Thời tiết không tốt, không ổn định thì làm tôm nuôi dễ mệt mỏi, tôm không khỏe.

Nuôi MỞ là cách nuôi thoáng, thay nước khi các chỉ tiêu chất lượng nước ao vượt tầm kiểm soát của người nuôi. Nhưng muốn nuôi mở, người nuôi phải xác định sống chung với mầm bệnh.

Tức là thừa nhận mầm bệnh luôn có trong ao tôm của mình, để khi ta thao tác hay tác động đến ao tôm, thì mầm bệnh chỉ bị khống chế chứ không có cơ hội bùng phát. Khi nhận thức được như vậy, người nuôi sẽ luôn:

TRÂN TRỌNG sức khỏe của tôm nuôi, nên luôn tăng cường sức đề kháng cho tôm bằng các sản phẩm chống stress (vitamin tổng hợp) cho ăn hoặc tạt nước (tạt nước cho hiệu quả tốt, bởi tôm hấp thu các vitamin này thông qua mang).

Nhất là khi thấy tôm yếu, xuống sức (thông qua việc thăm nhá, vó hằng ngày) hay khi thấy trời chuyển mưa, nắng hoặc nắng nóng kéo dài hay tôm bị lột xác.

GIỮ GÌN môi trường ao nuôi luôn ỔN ĐỊNH về pH, bằng vi sinh, vôi (cần thiết thì dùng hóa chất như để cắt hay giảm mật độ tảo).

Để giảm cơ chất trong ao, làm cho tảo thiếu thức ăn mà không phát triển được, người ta bón xuống ao (sau 20h) 1 lượng vôi CaCO3 theo tỉ lệ: 1kg vôi / 2,5kg thức ăn tôm.

Có nghĩa là, trong ngày, ta cho tôm ăn 25kg thức ăn, thì ban đêm ta bón cho ao nuôi tôm 10kg vôi.

Lượng vôi này sẽ trung hòa lượng phốt phát P04 của tôm ăn 25 kg thức ăn kia thải ra.

Nuôi MỞ là cách đơn giản để TRÁNH NÉ bệnh gan tụy trong thời điểm nắng nóng hiện nay. Điểm nổi bật của nuôi mở là THAY NƯỚC khi các chỉ tiêu chất lượng của môi trường VƯỢT NGƯỠNG cho phép.

Trong đó, thay nước là cách tốt nhất, nhanh nhất, rẻ tiền nhất, hiệu quả nhất để giảm pH tức thời (hoặc ít ra, ngăn chặn kịp thời sự gia tăng pH tức thời). Về lâu dài, thay nước làm giảm mật độ tảo, làm mất khả năng bùng phát khi thời tiết nắng nóng cực đoan. Điều đó đồng nghĩa với việc làm mất khả năng gây bệnh, phát bệnh trong ao tôm (dù mầm bệnh hiện hữu trong ao).

Một số lưu ý khi thay nước:

– Giảm tảo, giảm pH nên cấp nước vào ao nuôi ban đêm (sau khi đã rút nước ao ra ban ngày).

– Cấp nước vào ao nuôi ban ngày có thể làm tảo phát triển (tảo đang quang hợp mạnh, nên tăng sinh khối cũng mạnh. Cấp nước làm tăng không gian sống của tảo nên giúp tảo phát triển thêm).

– Nếu tôm đang yếu, trước khi cấp nước 2 ngày nên tăng cường sức khỏe cho tôm (tạt sản phẩm chống stress xuống ao).

– Các thông số pH, độ mặn, nhiệt độ của nước cấp và nước ao tôm chênh lệch không quá 0.5. Nếu quá, thì nên chạy sục khí khi cấp để trộn đều nước, chống sốc cho tôm.

Một số dấu hiệu biết tôm khỏe mạnh:

– Tôm khỏe có thịt trong, săn chắc, sáng bóng.

– Có phản xạ tốt như búng khỏi mặt nước, búng khỏi nhá khi giở (cất) nhá lên khỏi mặt nước. Số tôm còn lại trong nhá búng nhảy liên tục, nhưng thịt tôm vẫn trong, không thấy trắng đục hay đục cơ, cong thân.

* Khi thấy tôm không khỏe, nên trộn thức ăn vitamin tổng hợp liều cao và tạt.

Nước:

* Cần đo pH 2 lần trong ngày (sáng chiều).

– Cần ghi chép cẩn thận pH từng ngày để đối chiếu từng ngày.

– Khi thấy pH dao động, biên độ trong ngày lớn, mật độ tảo dày, ao nước lên xanh nhanh, trời nắng nóng cực đoan, tốt nhất thay nước gấp 30%, thay liên tiếp 2 ngày và kiểm tra lại pH. Nếu pH còn cao, biên độ còn lớn, tiếp tục thay nước.

– Đánh vi sinh liều cao + mật đường để ổn định pH sau khi thay nước hoặc pH ao nuôi đang ổn định.

* Nên nhớ tảo bùng phát là thủ phạm giúp EMS bùng phát trong ao khi thời tiết nắng nóng hay biến động.

Bởi tảo bùng phát làm tăng pH đột ngột, làm biên độ pH trong ngày lớn, làm biến động môi trường, dẫn đến làm tôm sốc nặng do không theo kịp biến động môi trường, nhanh chóng suy giảm sức đề kháng, dễ cảm nhiễm bệnh và phát bệnh (vì mầm bệnh luôn hiện hữu trong ao).


Để nuôi tôm thẻ chân trắng thành công không phải nhờ may rủi Để nuôi tôm thẻ chân trắng thành công… EMS và giải pháp sống chung với với dịch bệnh - Phần 1 EMS và giải pháp sống chung với với…