Cá lóc Ép Cá Bông Giống Chóng Giàu Lên - Nghề Mới Trên Đất Cù Lao Đồng Tháp Mười

Ép Cá Bông Giống Chóng Giàu Lên - Nghề Mới Trên Đất Cù Lao Đồng Tháp Mười

Ngày đăng 31/01/2012

Ép Cá Bông Giống Chóng Giàu Lên - Nghề Mới Trên Đất Cù Lao Đồng Tháp Mười

Thị trường xuất khẩu cá tra, ba sa càng sôi động, chính là động lực thúc đẩy người chăn nuôi đầu tư mạnh, khiến diện tích các ao, hầm và mặt nước sông ở các tỉnh An Giang và Đồng Tháp tăng rất đang kể trong thời gian gần đây. Bên cạnh hai loại cá tra, ba sa, ở ĐBSCL còn có một loại cá có chất lượng thịt rất ngon được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng và hy vọng có ngày được góp mặt với bè bạn năm châu, đó là cá bông. Để giảm tỉ lệ hao hụt trong chăn nuôi và chất lượng thịt ngon đáp ứng yêu cầu thị trường, chọn con giống là khâu quan trọng đối với người nuôi.

Anh Lâm Quang Dũng ở xã Long Khánh huyện Hồng Ngự tỉnh Đồng Tháp, từ đời cha giờ tới đời anh chuyên sống bằng nghề nuôi cá tra bán cho các hộ nuôi cá thịt trong và ngoài tỉnh. Vào giữa thập niên 90 về trước, vào khoảng mùng 5/5 hàng năm, khi nước sông Tiền chuyển từ màu trong xanh sang màu vàng do phù sa thì gia đình anh Dũng chạy ghe lên đầu nguồn sông Tiền, nơi tiếp giáp với biên giới Campuchia để mua cá tra con. Đôi khi phải sang tận Campuchia mới mua được từ những người đặt lưới đáy vớt cá tra con từ dưới sông lên bán. Lúc này con cá không lớn hơn que tăm, nên không thể bắt bằng tay mà phải dùng muỗng để múc.

Cá “lạc hậu” thu nhập không nhỏ

Sau khi mua về thả vô ao, cho ăn, thức ăn của cá lúc này là hột vịt và nước nắm kho tán ra, sau một tuần thì cho ăn ốc xay nhuyễn. Ba tuần sau thức ăn là cá linh trộn với rau muống xay nhuyển bỏ thêm bột gòn để kết dính thức ăn lại không bị rả khi thả xuống nước. Lúc cá được 1,5 tháng tuổi thì bán cho những hộ nuôi cá thịt, lúc này dân trong nghề gọi là “cá lạc hậu”.

Tuy nhiên, do khai thác một cách bừa bãi nên nguồn lợi thuỷ sản này mau chóng cạn kiệt và trở nên khan hiếm. Dần dần cá tra con trên sông Tiền còn quá ít nên không còn ai đặt lưới. Đến năm 1995 thì hầu như không còn tìm thấy nguồn cá tra giống trong tự nhiên. Bấy giờ vấn đề con giống đặt ra buộc người trong nghề phải có biện pháp giải quyết.

Vào năm 1997, người dân nơi đây mới bắt đầu thành công trong việc dùng thuốc kích dục kích thích cho cá tra sinh sản nhân tạo trong hồ, chum, vại. Từ đó mở ra một hướng đi mới cho người dân sáu xã cù lao: Long Khánh, Long Thuận, Phú Thuận... của huyện Hồng Ngự. Đó là nghề “ép cá tra con nhân tạo”. Nhưng riêng gia đình anh Dũng trong thời gian khan hiếm cá tra giống đã chuyển sang nuôi một loại cá giống là cá bông con.

Cuối những năm 90, anh Dũng đã tìm kiếm học hỏi và đã thành công trong việc ép cá bông con bán cho những hộ chăn nuôi cá thịt trong và ngoài tỉnh Đồng Tháp. Thấy anh Dũng thành công nên bà con trong vùng cù lao cũng theo anh học hỏi kinh nghiệm và phát triển nghề mới này. Nghề ép cá tra và cá bông mang lại cho bà con sáu xã cù lao phất lên nhanh chóng.

Anh Dũng kể: “Lúc trước theo nghề của ông già nên tôi tiếp tục nuôi cá tra lạc hậu. Nhưng từ khi nguồn con giống trong tự nhiên khan hiếm buộc tôi phải chuyển hướng làm ăn. Tôi quyết định ép cá bông con, vì thấy thị trường cá bông thịt trong nước rất ổn định nên được người chăn nuôi đầu tư nhiều. Từ đó nhu cầu con giống cao, giá cá con ổn định. Vả lại thời gian từ khi cá mẹ đẻ cho tới lúc bán cá con cũng ngắn nên không tốn công chăm sóc nhiều”.

Mất công, tốn sức bù lại lợi nhuận cao

Thời gian đầu, anh Dũng nuôi thử nghiệm 60 con cá bố mẹ. Sau nhiều năm, bây giờ diện tích mặt ao hầm của anh trên 20.000m2 và số lượng cá bố mẹ trong hầm đã lên đến 1.000 con, mỗi con trong lượng trung bình từ 3 - 4kg/con, giá cá giống là 50.000 - 60.000 đ/kg. Cá giống phải từ hai năm tuổi trở lên mới bắt đầu đẻ. Mỗi năm cá mẹ đẻ từ 1- 3 lần, khâu chăm sóc cá bố mẹ lại không quá cực. Từ tháng 1 -5 là vào đầu mùa sinh sản phải cho cá ăn 1 lần /ngày để cá có đủ sức đẻ, khi cá ngưng đẻ thì cho ăn duy trì 3 - 5ngày/lần.

Thức ăn cho cá bông là cá biển hoặc cá linh thả xuống hầm. Tóm lại, bất cứ loại cá nào cũng được, thấy rẻ và không có gai thì mua. Cá bông là loại rất dễ cho ăn. Khi cá sắp đẻ mỗi ngày bơm tháo nước sông vào hầm một lần cho mát. Diện tích ao nuôi ngang 30 m, dài 70m và thả không quá 100 con giống/hầm.

Hiện nay, nghề ép cá bông con đã lan rộng khắp nơi trong huyện Hồng Ngự. Đầu tiên là anh em của anh Dũng rồi đến láng giềng và cả xã cùng nuôi. Vào mùa cá đẻ, các thương lái lui tới xã cù lao này rất nhộn nhịp.

Ông bà ta ngày xưa thường nói “Làm ruộng ăn cơm nằm, chăn tằm ăn cơm đứng”. Từ khi theo nghề nuôi cá bông con, anh Dũng cho biết còn cực hơn chăn tăm nhiều, nhất là trong mùa cá sinh sản. Chăm sóc cá đẻ còn khó hơn chăm sóc trẻ sơ sinh. Phải theo dõi từng giờ xem con cá thế nào, khoẻ hay yếu để kịp thời can thiệp bằng thuốc. Bởi vì đây là thời điểm thu hoạch, nếu cá con có tỉ lệ hao hụt cao thì ít lời. Vào mùa cá đẻ, hầu như vợ chồng anh Dũng luôn có mặt tại ao. Khi cá bị bệnh, vợ chồng anh quên cả ăn là chuyện thường xảy ra.

Làm ruộng ăn cơm nằm, chăn tằm ăn cơm đứng

Để nhận biết cá sắp đẻ, theo kinh nghiệm của vợ chồng anh Dũng, khi thấy trong hầm có cặp cá đực, cá cái dùng miệng cắn rác trên mặt nước lôi đi thì đó là hiện tượng kéo ổ. Như vậy chỉ còn 5 - 7 ngày cá sẽ đẻ. Sau khi đẻ được 4 ngày, dùng rổ bằng lưới mùng vớt từng ổ cá một, rồi cho vào vèo (một cái mùng lưới có diện tích 2 m x 1,5 m) đã được chuẩn bị trước trong một cái ao khác để tránh cho cá con không bị cá tạp ăn thịt và tiện việc chăm sóc.

Khâu cho ăn và chăm sóc cá con rất quan trọng, giai đoạn này quyết định thành công hay thất bại cho một mùa cá. Trung bình mỗi con cá mẹ đẻ khoảng 10.000 con cá con. Nếu đẻ từ tháng 1 - 3 âm thì tỉ lệ hao hụt là 10%, nếu đẻ từ tháng 4 - 5 âm lịch thì tỉ lệ hao hụt rất cao, vì lúc này mưa nhiều nên cá con dễ nhiễm bệnh, nhưng khi mưa xuống thời tiết mát mẻ lại là mùa cá đẻ nhiều. Để giảm tỉ lệ hao hụt cá con, anh Dũng đang nghĩ cách làm sao cho cá đẻ rộ vào tháng 2 - 3 âm lịch để cá con ít chết.

Thức ăn cho cá con cũng dễ tìm, lúc cá mới nở cho ăn trứng vịt. Sau 3 ngày thì cho ăn cá biển thái bỏ xương xay nhuyễn. Lúc cá 10 ngày tuổi thì bán được, ở giai đoạn này giá cá trung bình 200 - 400 đ/con. Chị Dũng tươi cười nói với chúng tôi “Nghề ép cá bông con cực lắm nhưng vui, nhất là vào mùa cá đẻ rộ. Thị trường khan hiếm con giống, lái cá điện thoại tới liên tục yêu cầu mình hẹn ngày cho họ tới mua cá. Bởi vậy dù cực nhưng kiếm lợi nhiều nên tôi vẫn ham nuôi”. Trong nghề nhân giống cá, khâu chọn cá bố mẹ và khâu chăm sóc đóng vai trò rất quan trọng.

Anh Dũng cho biết, lúc đầu vì chưa có kinh nghiệm nên tỉ lệ sống trên từng ổ cá là 50%, nhưng sau nhiều năm kinh nghiệm, anh đã nắm chắc nuôi là có lãi mà lãi cao. Khi bắt con cá giống trên tay chỉ cần nhìn màu vảy là anh biết được cá đã đẻ rồi hay chưa. Nếu chưa đẻ lớp vảy cá sẽ bóng mượt và thân hình mập mạp; đẻ rồi thì lớp vảy sần sùi, cá bị ốm thì trông là biết ngay. Dựa vào những kinh nghiệm đó, anh Dũng theo dõi đàn cá của mình rất chính xác để làm ổ cho cá đẻ và vớt cá vào vèo. Nhờ vậy, đàn cá của anh có tỉ lệ sống rất cao.

Từ khi có dịch cúm gia cầm xảy ra, giá cá tra, ba sa ở thị trường trong nước tăng vọt kéo theo giá cá bông, hiện nay giá cá bông trên thị trường là 25.000 - 28.000 đ/kg. Đây là cái giá “trong mơ” của những hộ nuôi cá bông thịt, giá cá bông con cũng tăng theo. Đây quả là mùa bội thu của những hộ chăn nuôi thuỷ sản.

Với những tín hiệu vui trên, chắc hẳn trong năm 2005 sẽ là một mùa bội thu cho những người làm nghề ép cá giống ở sáu xã cù lao của huyện Hồng Ngự nói chung và gia đình anh Dũng nói riêng.


Nuôi Cá Lóc Bằng Thức Ăn Công Nghiệp Nuôi Cá Lóc Bằng Thức Ăn Công Nghiệp Nuôi Cá Lóc Trong Mùng Lưới Nuôi Cá Lóc Trong Mùng Lưới