Thống kê nông sản FAO hạ dự báo sản lượng và dự trữ ngũ cốc thế giới năm 2021/22

FAO hạ dự báo sản lượng và dự trữ ngũ cốc thế giới năm 2021/22

Tác giả Thủy Chung, ngày đăng 06/09/2021

FAO hạ dự báo sản lượng và dự trữ ngũ cốc thế giới năm 2021/22

Do tình hình hạn hán kéo dài ở một số nước sản xuất lớn, nên Tổ chức Nông nghiệp, Lương thực Liên hiệp quốc - FAO đã hạ dự báo sản lượng ngũ cốc năm 2021 giảm 29,3 triệu tấn so với mức dự báo trong tháng 7/2021, xuống mức 2.788 triệu tấn.

Mặc dù hạ dự báo so với tháng trước, nhưng sản lượng ngũ cốc toàn cầu vẫn sẽ tăng 0,7% (18,7 triệu tấn) so với năm 2020.

Trong số các loại ngũ cốc chính, dự báo sản lượng lúa mì thế giới năm 2021 giảm mạnh nhất, giảm 15,2 triệu tấn so với dự báo hồi tháng 7/2021 xuống 769,5 triệu tấn, giảm 0,7% (5,7 triệu tấn) so với năm trước, do hạn hán kéo dài ảnh hưởng đến sản lượng ngũ cốc của Mỹ, Canada và giảm nhẹ ở Kazakhstan, cũng như thời tiết bất lợi ở Liên bang Nga làm thiệt hại lớn vụ đông. Tuy nhiên, dự báo sản lượng ngũ cốc ở Brazil, EUvà Ukraine tăng do thời tiết tốt.

FAO dự báo sản lượng ngũ cốc thô toàn cầu năm 2021 đạt mức 1.499 triệu tấn, giảm 13,7 triệu tấn, nhưng ngược lại lúa mì tăng 1,3% (19,5 triệu tấn). Khoảng một nửa mức giảm trong dự báo của tháng 8/2021 là giảm sản lượng ngô ở Brazil và Mỹ do thiếu mưa kéo dài đã làm giảm năng suất, sản lượng của Brazil cũng dự báo giảm so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên, sản lượng ở Mỹ vẫn được dự báo sẽ tăng. Dự báo sản lượng ngô của Achentina, EU và Ukraine tăng nhẹ vì thời tiết thuận lợi làm tăng năng suất, diện tích ngô ở Achentina dự kiến tăng.

Dự báo sản lượng lúa mạch toàn cầu năm 2021 cũng giảm 6 triệu tấn do năng suất giảm ở Mỹ và Canada. Dự báo sản lượng gạo toàn cầu năm 2021 giảm 400.000 tấn so với mức dự báo hồi tháng 7/2021 xuống còn 519 triệu tấn (xay xát), vẫn tăng 0,9% (4,8 triệu tấn) so với năm 2020 và là mức cao nhất từ trước đến nay, sản lượng gạo giảm chủ yếu do việc giảm mạnh diện tích ở Nhật Bản và Mỹ vì lợi nhuận của nhà sản xuất giảm, cũng như tình trạng thiếu nước tưới ở Cộng hòa Hồi giáo Iran, tuy nhiên, sản lượng gạo tại Việt Nam tăng, với năng suất đạt kỷ lục.

Dự báo tiêu thụ ngũ cốc thế giới năm 2021/22 là 809 triệu tấn, giảm 1,7 triệu tấn so với dự báo hồi tháng 7/2021 nhưng vẫn tăng 1,4% (40,1 triệu tấn) so với mức năm 2020/21 và đánh dấu mức cao kỷ lục mới. Dự báo tiêu thụ lúa mì giảm 2,2 triệu tấn so với dự báo hồi tháng 7/2021, xuống mức 777 triệu tấn, nhưng vẫn tăng 2,4% (18,5 triệu tấn) so với năm 2020/21. Mặc dù việc sử dụng lúa mì làm thức ăn chăn nuôi đã được hạ dự báo trong tháng này do nguồn cung hạn hẹp và giá lúa mì tăng đã làm giảm khả năng cạnh tranh so với ngô, nhưng dự báo việc sử dụng lúa mì làm thức ăn chăn nuôi trong năm 2021/22 vẫn tăng. Dự báo về tiêu thụ ngũ cốc thô trong năm 2021/22 ở mức kỷ lục 511 triệu tấn, gần như không đổi so với dự báo hồi tháng 7/2021 và tăng 0,9% (13,9 triệu tấn) so với mức ước tính năm 2020/21. Tiêu thụ ngô dự kiến tăng trong năm 2021/22, đặc biệt được dùng làm thức ăn chăn nuôi và sử dụng trong công nghiệp, tiêu thụ hạt bo bo tăng nhẹ, trong khi tiêu thụ lúa mạch năm 2021/22 được dự báo sẽ giảm do việc dùng làm thức ăn chăn nuôi và công nghiệp giảm. Tiêu thụ gạo thế giới năm 2021/22 được dự báo ở mức 520,5 triệu tấn, tăng 1,5% (7,7 triệu tấn) so với năm 2020/21 và chỉ thay đổi nhẹ so với dự báo của tháng 7/2021. Dự báo tiêu thụ gạo giảm ở Nhật Bản, Iran và Việt Nam, tuy nhiên, dự báo việc sử dụng gạo làm thức ăn chăn nuôi và trong công nghiệp tăng (chủ yếu ở Việt Nam).

Dự báo dự trữ ngũ cốc thế giới vào cuối niên vụ 2022 giảm 27 triệu tấn so với dự báo hồi tháng 7/2021 xuống 809 triệu tấn và giảm nhẹ 0,9% (7 triệu tấn) so với đầu vụ. Tỷ lệ dự trữ/tiêu thụ ngũ cốc trên thế giới trong năm 2021/22 là 28,1%, giảm so với mức 29% của năm 2020/21, nhưng vẫn cho thấy nguồn cung tương đối dồi dào. Sau khi giảm 12,8 triệu tấn trong tháng 8/2021, dự trữ lúa mì thế giới được dự báo sẽ giảm 2% (5,8 triệu tấn) so với đầu mùa vụ, xuống còn 284 triệu tấn, giảm chủ yếu tập trung ở các nước xuất khẩu lớn như Canada, Mỹ, Liên bang Nga và Kazakhstan. Với mức giảm này, dự trữ lúa mì ở Mỹ sẽ đạt mức thấp nhất trong 8 năm qua, trong khi ở Canada được dự báo sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 40 năm qua. Dự báo dự trữ ngũ cốc thô thế giới trong tháng 8/2021cũng giảm 14,3 triệu tấn xuống 339 triệu tấn, giảm 0,6% (2 triệu tấn) so với đầu niên vụ, dự trữ ngô toàn cầu dự báo giảm 10,1 triệu tấn, chủ yếu ở Mỹ và Brazil do sản lượng giảm và xuất khẩu của Ukraine dự kiến tăng. Dự báo dự trữ gạo tăng các nước nhập khẩu gạo truyền thống (đặc biệt là Philippines và Nhật Bản) đã bù đắp cho việc giảm dự trữ ở các nước xuất khẩu như Thái Lan. Do đó, dự báo dự trữ gạo toàn cầu vào cuối niên vụ 2021/22 vẫn đạt mức cao kỷ lục 185,1 triệu tấn.

Dự báo của FAO về xuất nhập khẩu ngũ cốc thế giới năm 2021/22 đạt 466 triệu tấn, giảm 6,2 triệu tấn so với dự báo hồi tháng 7/2021 và giảm 1,3% (6,2 triệu tấn) so với mức kỷ lục năm 2020/21, trong đó xuất nhập khẩu lúa mì và ngũ cốc thô dự báo giảm và xuất nhập khẩu gạo dự báo tăng. Dự báo xuất nhập khẩu lúa mì thế giới trong năm 2021/22 đạt mức 185 triệu tấn (từ tháng 7/2020 đến tháng 6/2021) giảm 4,3 triệu tấn so với dự báo hồi tháng 7/2021 và giảm 1,4% (2,7 triệu tấn) so với mức kỷ lục năm 2020/21. Dự báo nhập khẩu lúa mì của Trung Quốc, Maroc và Pakistan năm 2021/22 giảm so với năm 2020/21 do sản lượng và dự trữ tăng. Về xuất khẩu, dự báo sản lượng lúa mì giảm có thể làm giảm xuất khẩu lúa mì trong năm 2021/22 ở Mỹ, Liên bang Nga và đặc biệt là Canada, xuất khẩu có thể giảm xuống mức thấp nhất trong 19 năm. Dự báo xuất nhập khẩu ngũ cốc thô của thế giới đạt 232,3 triệu tấn, giảm 2,3 triệu tấn so với dự báo hồi tháng 7/2021 do EU giảm nhu cầu nhập khẩu ngô vì sản lượng trong nước tăng và xuất khẩu ngô của Brazil và Mỹ dự kiến giảm do nguồn cung hạn hẹp. Dự báo nhập khẩu gạo của các quốc gia Cận Đông châu Á, châu Âu, Trung Mỹ và vùng Caribê giảm đã khiến xuất nhập khẩu gạo thế giới trong năm 2021 (từ tháng 1 đến tháng 12) giảm 600.000 tấn so với mức dự báo hồi tháng 7/2021, xuống còn 47,6 triệu tấn, nhưng vẫn tăng 4,4% so với năm 2020, dự kiến các nước vùng Viễn Đông và Tây Phi sẽ tăng nhập khẩu gạo.


Đậu tương và lúa mì tăng, ngô giảm trong phiên giao dịch cuối tuần Đậu tương và lúa mì tăng, ngô giảm… Giá gạo Châu Á tuần tới 4/9 - Xuất khẩu gặp khó do thiếu tàu chở hàng Giá gạo Châu Á tuần tới 4/9 -…