Gà Đồi Yên Thế... Khan Hàng
Thời gian gần đây, giá gà đồi Yên Thế (Bắc Giang) tăng mạnh khiến nhiều hộ dân tiếc hùi hụi khi không còn gà để tung ra thị trường.
Để phát triển đàn gia cầm bền vững, Yên Thế cần có sự điều chỉnh tổng đàn hợp lý gắn với chế biến, tiêu thụ ổn định.
Gặp thời nhờ tỉnh táo
Trong khi không ít những gia đình xung quanh đã vắng tiếng gà thì anh Bế Văn Thái (thôn Tân Kỳ, xã Đồng Tâm) vẫn tất bật với việc chăm sóc đàn gà 3 nghìn con, trong đó 1 nghìn con đã đến lứa xuất chuồng. Không những thế, anh còn phải tiếp khá nhiều khách đến đặt mua gà với giá cao.
Ngồi nói chuyện với "ông chủ trẻ” này mới vỡ ra nhiều điều về kinh nghiệm chăn nuôi gà. Làm nông nghiệp, mặc dù thường bị ảnh hưởng bởi thời tiết, dịch bệnh nhưng lúc nào cũng cần con mắt tỉnh táo, nhìn xa trông rộng.
Đã có những giai đoạn gà Yên Thế phát triển ào ạt, nhất là sau khi chủ trương chống gà nhập lậu được triển khai quyết liệt; giá lên đến gần 100 nghìn đồng/kg. Người dân trong huyện không đủ gà cung cấp cho thị trường, nên nhiều hộ thậm chí đã bán cả gà chưa đủ tuổi.
Không ít người hối hả vào đàn khiến cho tổng đàn gia cầm toàn huyện tăng lên nhanh chóng. Hậu quả là giá gà lại xuống thấp, nhiều người bỏ trống chuồng hoặc giảm đàn.
Anh Thái thì khác, khi các hộ rầm rộ nhập giống thì anh âm thầm… giảm đàn, còn khi xung quanh mọi người "chán” gà thì anh lại chăn nuôi với số lượng lớn. "Như thế, mình vẫn giữ được số lượng gà ổn định, thu nhập gia đình được thường xuyên. Mặt khác, quy luật lên xuống của thị trường không loại trừ đối với con gà. Điều quan trọng là cần tỉnh táo để phát triển số lượng gà hợp lý”, anh Thái tâm sự.
Nỗi lo… hết gà
Cũng không hẳn vui vì giá gà lên cao như hiện nay, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thế Thạch Văn Chung trăn trở: "Làm sao để tạo được sự phát triển bền vững, ổn định cho đàn gà Yên Thế mới là quan trọng. Còn với giá gà hiện nay cùng với nguồn cung có hạn, dự báo chỉ khoảng 2 tháng nữa thì Yên Thế không còn gà thương phẩm để bán”.
Thời điểm này, số hộ có gà thương phẩm xuất bán không nhiều.
Nguyên nhân của tình trạng này là do giá gà giai đoạn đầu năm nay xuống rất thấp, bình quân chỉ khoảng 35-40 nghìn đồng/kg, trong khi giá thức ăn chăn nuôi, thuốc phòng, chữa bệnh, chi phí vận chuyển… đều tăng lên. Với người chăn nuôi quy mô lớn, gà "đến tuổi” thì phải bán, càng giữ lại sẽ càng tăng thêm chi phí. Điều này khiến cho không ít hộ chăn nuôi hoang mang dẫn đến các phản ứng tiêu cực.
Theo ông Phạm Công Vân, Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Yên Thế, đã có khoảng 20% số hộ chăn nuôi bỏ chuồng và đa số các hộ dân đều giảm đàn. Thêm vào đó, thời tiết đầu năm mưa nhiều, độ ẩm cao khiến cho dịch bệnh dễ phát sinh. Người chăn nuôi gà nhận ra những khó khăn trước mắt nên đã giảm đàn, thậm chí để trắng chuồng cũng là điều dễ hiểu.
Cũng theo nhận định của ông Vân, với việc giá gà tăng và thời tiết khá ổn định như hiện nay thì chắc chắn các hộ chăn nuôi gia cầm ở Yên Thế tái đàn, tăng đàn. Trên thực tế, lượng gà con bắt đầu được nhập về tăng mạnh trong 2 tuần gần đây.
Riêng trong một tuần cuối tháng 5, đã có khoảng 300 nghìn con được đưa vào chăn nuôi. Dự kiến đến cuối tháng sáu, tổng đàn gia cầm của Yên Thế đạt 3,6-3,7 triệu con. Nếu duy trì mức giá và lượng cung gà ổn định thì đến tháng 8 sẽ đạt 4 triệu con, đáp ứng tốt nhu cầu phục vụ dịp cuối năm.
Hạn chế rủi ro khi tái đàn
Bài học về giá gà lên - xuống liên tục trong thời gian gần đây cho thấy, nếu không có sự điều chỉnh hợp lý khi tái đàn, tăng đàn thì người chăn nuôi sẽ thiệt hại lớn. Do đó, trong thời gian tới, việc điều chỉnh tổng đàn cũng cần hạn chế sự tự phát từ phía người dân.
Ông Thạch Văn Chung cho biết, đây cũng là bài toán đối với lãnh đạo huyện nhằm phát triển đàn gà một cách bền vững. Trước mắt, huyện thường xuyên rà soát lại tổng đàn để xây dựng phương án cho phù hợp, bảo đảm đúng theo định hướng của Đề án phát triển đàn gà giai đoạn 2013-2015.
Đồng thời, tiếp tục nâng cao thương hiệu gà đồi Yên Thế bằng việc tuyển chọn con giống chất lượng, đồng đều, tăng cường chuyển giao kỹ thuật cho người chăn nuôi, khuyến khích việc liên kết hỗ trợ nhau giữa các hộ gia đình để có sự trao đổi về thông tin, hạn chế việc phát triển ồ ạt.
Đặc biệt, lãnh đạo huyện, trưởng ngành cấp huyện khi tới sinh hoạt chi bộ với các cơ sở cần nắm bắt thông tin, chỉ đạo cụ thể đối với các hộ chăn nuôi.
Trong thời gian tới, lãnh đạo huyện Yên Thế cũng đang tính đến việc mở rộng thị trường về các tỉnh phía Nam, các khu công nghiệp tập trung đông công nhân và xuất khẩu nhằm từng bước tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm gà đồi, giúp người dân yên tâm phát triển sản xuất.
Giá bán gà Yên Thế vào những ngày cuối tháng 5 khoảng 65-70 nghìn đồng/kg, thậm chí nhiều gia đình bán được 75 nghìn đồng/kg. Giá gà ri lai khoảng 78-80 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, những gia đình còn duy trì được đàn gà để xuất chuồng trong thời gian tới không nhiều, chủ yếu là những hộ có kinh nghiệm, theo dõi thị trường thường xuyên, biết cách điều chỉnh phù hợp trong quá trình chăn nuôi” - Ông Phạm Công Vân, Phó Chủ Tịch Hội Chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Yên Thế.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ